Nỗi đau xé lòng của người mẹ mất con

Không giữ nổi bình tĩnh, bà Tuân bưng mặt, vụt chạy ra khỏi phòng xử án. Tiếng khóc của bà nghe ai oán như muốn đứt ruột, đứt gan…  Bên trong, Bình vẫn bình thản khai báo lại hành vi đoạt mạng đứa con duy nhất của người đàn bà quê mùa, khốn khổ. 

Không giữ nổi bình tĩnh, bà Tuân bưng mặt, vụt chạy ra khỏi phòng xử án. Tiếng khóc của bà nghe ai oán như muốn đứt ruột, đứt gan…  Bên trong, Bình vẫn bình thản khai báo lại hành vi đoạt mạng đứa con duy nhất của người đàn bà quê mùa, khốn khổ. 

Dù được mọi người động viên, an ủi nhưng bà Tuân vẫn như người hóa điên

Khi cái ác lấn át phần người

Hôm bà Tạ Thị Tuân lặn lội đến Tòa, tiết trời Hà Nội bỗng trở lạnh hơn hẳn những ngày trước. Có lẽ đây sẽ là những đận rét cuối cùng của mùa đông năm nay.  Nhưng đó là chuyện của thời tiết và của tất thảy mọi người. Còn đối với người đàn bà lam lũ, quê mùa đến từ vùng đất Phú Thọ này chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ còn lấy lại được cái cảm giác ấm cúng, hạnh phúc và sum vầy của hai mẹ con. Kể từ ngày anh Kim Tiến Toàn - đứa con trai, niềm hy vọng, mong chờ lớn lao nhất bị thiệt mạng, trong lòng bà Tuân chỉ còn lại sự tê tái đến héo người. 

Như không biết những gì đang diễn ra xung quanh, bà Tuân chỉ còn biết mỗi  việc là khóc ngất. Những giọt nước mắt của bà càng lúc càng nhiều, nó tỉ lệ thuận với những lời khai báo của hung thủ cứ văng vẳng bên tai. Có lẽ thế nên dù không chứng kiến cảnh tượng Toàn phải bỏ mạng sau mấy ngày rời xa gia đình thì bà Tuân vẫn hình dung ra được khoảng khắc đứa con trai duy nhất của mình mãi mãi không trở về với mẹ.

Lúc đó là tối 1/6/2012, Toàn cùng anh Nguyễn Văn Cường (cùng SN 1990, đều trú ở tỉnh Phú Thọ) rủ nhau tới Triển lãm Vân Hồ xem ca nhạc. Vừa mới ở quê ra tỉnh, Toàn không có tiền để mua vé vào thưởng thức văn nghệ, nhưng cảm thấy rất phấn chấn khi được “lởn vởn” ở gần khu vực đang diễn ra một sự kiện văn nghệ tưng bừng này. Lang thang một lúc, Toàn rủ Cường ghé vào quán nhậu gần triển lãm làm vài vại bia.

Trời mỗi lúc một khuya, một số người đến xem ca nhạc đã hả hê ra về; dù vậy, Toàn vẫn muốn ghé vào triển lãm một lần cho biết. Nghĩ thế cậu ta rủ bạn đi ngược vào trong. Tại đây, Toàn vô tình nhìn thấy nhóm Đinh Văn Bình (SN 1994, trú ở khu 2, thị trấn Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cứ chỉ trỏ về phía mình. Cho rằng nhóm Bình chửi bới mình, Toàn và bạn tiến đến căn vặn. Thì ra đó chỉ là một sự hiểm nhầm, bởi Bình cùng các thanh niên trong nhóm đang bàn tán về một chiếc ô vô hồn, trơ trọi giữa trời mưa…

Xích mích tạm lắng, nhưng Toàn lại thấy nhóm Bình lao nhanh về phía mình. Cậu ta đứng lại và tát luôn cho Bình một cái; đáp trả, Bình rút dao đâm liên tiếp 4 nhát vào ngực, bụng và chân tay Toàn, làm nạn nhân gục chết ngay tại chỗ. Đi cùng thanh niên xấu số, Cường hoảng sợ bỏ chạy, nhưng vẫn bị Bình đâm một nhát vào chân khi vấp ngã.

Đinh Văn Bình tại phiên tòa

Mất con, người đàn bà hóa dại

Con đường dẫn Bình ra trước vành móng ngựa với tội giết người hôm nay chỉ đơn giản có thế.  Tai họa đổ ập xuống đầu mẹ con bà Tuân cũng chỉ bắt đầu từ một giây phút Toàn mất kiềm chế như vậy… Khai báo lại tội ác trước tòa, Bình đổ lỗi tại bị Toàn đánh vô cớ nên mới rút dao ra “tự vệ”. “Bị cáo biết mình sai rồi. Chỉ tại khi ấy bị cáo bức xúc, bồng bột và hoảng loạn quá”! Bình sám hối muộn mằn.

Sau phần thẩm vấn bị cáo, tòa hỏi gia đình bị hại xoay quanh vấn đề bồi thường. Đến lúc này thì bà Tuân đã không còn giữ được bình tĩnh nữa. Người đàn bà đau khổ lại ôm mặt, rồi vụt chạy ra khỏi phòng xử án để nức nở than trời. Tiếng khóc của bà đã vô tình kéo theo cả một bầu không khí ai oán, xót xa.

Nhìn bộ dạng bà Tuân như hóa điên, hóa dại, ai nấy đều không thể cầm lòng. Thay mặt em gái, ông Ngự rầu rĩ đề nghị: “Thôi thì tòa cứ xử sao cho đúng pháp luật”. Nhưng rồi ông lại bảo ngay: “Con dại cái mang, vì vậy mong tòa mở lượng khoan hồng cho bị cáo”. Dù vậy, nói về nguồn cơn dẫn đến việc đứa cháu thiệt mạng, ông Ngự không khỏi bứt dứt. Bởi trong mắt ông, Toàn là đứa ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Mẹ con Toàn bị bố đẻ bỏ rơi từ khi cậu ta chưa được 3 tuổi. Từ hồi còn nhỏ, Toàn đã tỏ rõ là đứa con biết thương mẹ và sống tự lập. “Trước khi xuống Hà Nội làm đá thuê cho người ta, nó còn bảo với mẹ rằng sẽ cố gắng dành dụm để cuối năm đủ tiền mua ít đồ cưới hỏi. Vậy mà mới rời nhà được có mấy hôm đã xảy ra cơ sự…” - ông Ngự nghẹn ngào.

Nhớ lại những ngày nạn nhân còn sống, người bác ruột buồn lòng kể thêm, trước khi “khăn gói” về Thủ đô, Toàn và bà Tuân luôn phải thức khuya dậy sớm để tu sửa lại ngôi nhà vốn dột nát. Những lúc ấy, cho dù lưng áo con trai đầm đìa mồ hôi, nhưng bà Tuân vẫn thấy vô cùng vui sướng. Bà vui bởi lẽ không bao lâu nữa bà sẽ có cháu bế, cháu bồng và căn nhà của hai mẹ con sẽ càng thêm phần ấm áp. Bà vui vì cả một đời lam lũ, đơn độc nay con trai đã khôn lớn, trưởng thành… Thế nhưng tất đã tan thành mây khói trong “chớp mắt”.

Sau giờ nghị án, Tòa tuyên Đinh Văn Bình 16 năm tù giam theo đúng tội danh truy tố. Áp dụng mức án ấy vì tòa cho rằng hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm và đã thực hiện tội phạm một cách rất côn đồ. Tuy nhiên, ở vào thời điểm gây án, bị cáo chưa đủ tuổi thành niên. Phiên xử khép lại, Bình lùi lũi trở lại trại giam…chẳng biết Bình đã kịp ngộ ra tội ác tày đình?!  

Anh Minh

Đọc thêm