Nội dung thiết thực hiệu quả kinh tế, gắn với quyền và lợi ích của mọi người là sức sống phong trào thi đua yêu nước

Hải Phòng, nơi khởi nguồn nhiều phong trào thi đua sôi nổi được cả nước biết đến như phong trào “Sóng Duyên hải”, một trong 4 phong trào thi đua lớn của cả nước gồm “Sóng Duyên hải, gió Đại Phong, trống Bắc Lý và cờ ba nhất”.

Hải Phòng, nơi khởi nguồn nhiều phong trào thi đua sôi nổi được cả nước biết đến như phong trào “Sóng Duyên hải”, một trong 4 phong trào thi đua lớn của cả nước gồm “Sóng Duyên hải, gió Đại Phong, trống Bắc Lý và cờ ba nhất”.

Đóng mới tàu chở xi măng tại Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng - "Anh cả đỏ" ngành công nghiệp đóng tàu biển Bắc XHCN xưa.

Từ thực tiễn hoạt động sản xuất, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Hải Phòng nghiên cứu, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình nâng cao năng suất lao động của “Tổ đá nhỏ ca A” Nhà máy xi-măng Hải Phòng (năm 1960) được nhân rộng toàn quốc và trở thành phong trào thi đua xây dựng Tổ lao động XHCN trong cả nước. Những năm 60 của thế kỷ 20, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, "anh cả đỏ" ngành công nghiệp đóng tàu của miền Bắc XHCN ra đời. Hải Phòng cũng là nơi sản xuất mặt hàng sơn công nghiệp, sơn dân dụng sớm nhất cả nước gắn liền với tên tuổi doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Thời kỳ đổi mới, thực tiễn sinh động ở Hải Phòng là chất liệu, tiền đề quan trọng để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp.

Trong những năm qua, phong trào thi đua được các cấp, ngành ở Hải Phòng tiếp tục duy trì thường xuyên, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức thực hiện. Các phong trào thi đua thực sự thu hút đông đảo CNVCLĐ và các tầng lớp nhân dân tham gia như “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “xanh-sạch-đẹp”, “an toàn vệ sinh, phòng, chống cháy nổ”, “hộ nông dân sản xuất giỏi”, “phong trào vượt khó vươn lên”, “phong trào hai tốt”, “xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua có tác động to lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, góp phần đưa thành phố giành được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP luôn được duy trì và gấp 1,5 lần mức bình quân chung của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,3%, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt hơn 28.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng, tăng tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ. Nhờ làm tốt công tác vận động, xúc tiến đầu tư và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Hải Phòng tăng cao. Hiện toàn thành phố có khoảng 282 dự án FDI, vốn ODA, giải ngân được hơn 20,2 triệu USD. Nhiều công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế-xã hội được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đô thị Hải Phòng như Cầu Bính, Cầu Kiền, đường Ngã Năm- Sân bay Cát Bi, đường xuyên đảo Cát Bà, Khu liên hợp thể thao, Đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, … Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Hiện thành phố không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,82%. Quốc phòng- an ninh được giữ vững, an sinh xã hội bảo đảm. Trong kết quả chung đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Công ty TNHH MTV Điện lực; GS-TS, NGND, Anh hùng Lao động Vương Toàn Thuyên-Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng; Tiến sĩ, Anh hùng Lao động- Phạm Văn Trung-Xí nghiệp tập thể Bình An; PGS-TS Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hải Phòng; kỹ sư Đỗ Ngọc Tháp, Trưởng phòng kỹ thuật-sản xuất (Công ty cổ phần cáp LS Vina)…

Đạt được kết quả đó là do các cấp, ngành phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tích cực tuyên truyền, vận động, phát động và xây dựng các tiêu chí thi đua phù hợp, gắn với điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương, đơn vị. Hằng năm, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá và biểu dương kịp thời, như biểu dương 10 doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu, tặng giải thưởng Lê Chân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, giải thưởng KHCN, lao động sáng tạo... Sức sống của các phong trào là phương pháp tổ chức luôn được đổi mới, nội dung thiết thực, hiệu quả kinh tế rõ nét, gắn với quyền và lợi ích của mọi người nên thực sự lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, với mục tiêu đưa Hải Phòng về trước sự nghiệp CNH-HĐH từ 3-5 năm đang đặt ra yêu cầu mới đối với các phong trào thi đua. Đó là cần đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và hiệu quả. Các phong trào thi đua phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, chăm lo cho đời sống nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng xác định “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng  Đảng là then chốt”. Vì thế, các phong trào thi đua tiếp tục tập trung cho các phong trào “quản lý giỏi, lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “năng suất, chất lượng, hiệu quả” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Năm dân vận chính quyền”,  tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội…

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ từ khâu tổ chức đến chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, coi đó là biện pháp quan trọng trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị./.

 

Hoàng Dũng

 

 

 

Đọc thêm