Nỗi lo người lao động kẹt tại "tâm dịch" Đà Nẵng

(PLVN) - Đà Nẵng hiện khoảng 2.000 công nhân lao động và khoảng 6.500 sinh viên mắc kẹt có nguyện vọng muốn về quê. Trong số này, một bộ phận rất đông người lao động ở các tỉnh làm việc tại các công trình xây dựng đang phải sinh hoạt chen chúc trong các lán trại ngoài trời hay dưới chân cầu. Nhiều cảnh báo được đưa ra, nếu không quản lý tốt, dịch bệnh có thể lây lan và bùng phát đến những điểm này.
Công nhân tại các lán trại được các tổ chức từ thiện phát cơm hỗ trợ.
Công nhân tại các lán trại được các tổ chức từ thiện phát cơm hỗ trợ.

Chồng chất âu lo

Không khó để liệt kê các điểm trọ, khu lán trại với hình ảnh người lao động, công nhân các công trình đang “mắc kẹt” sau đợt giãn cách xã hội như tại sân bóng nhân tạo cầu Hòa Xuân; kiệt 136 Nguyễn Duy Trinh; H8/0/K382 đường Tôn Đức Thắng; vòng xoay Bà Nà; Khu công nghệ thông tin ITP, dãy trọ K123 đường Cù Chính Lan; Phước Lý 17 gần bến xe Trung tâm…

Những cái lán được dựng tạm bợ bằng gỗ, trên che bạt, dưới kê ván xập xệ. Công trình dừng thi công hơn nửa tháng nay, họ chỉ biết quanh quẩn tại công trường, nằm trong lán. Có trường hợp, người người túm tụm nhau lại dưới góc chân cầu.

Lê Thanh Hoài (19 tuổi, quê Quảng Bình) cùng 8 người đang sinh hoạt chung trong 1 lán xập xệ phía Tây Bắc Đà Nẵng là 1 minh chứng. Ba tháng trước, Hoài cùng bạn bè rời quê vào Đà Nẵng làm công nhân thời vụ. Hoài nói: “Gọi công nhân cho oai chứ bọn em đi phụ hồ, kiếm tiền gửi về phụ ba mẹ, nuôi các em ăn học. Từ ngày 31/7, UBND TP. Đà Nẵng dừng mọi hoạt thi công công trình. Người xa quê như bọn em, công cán tính từng ngày, nay thành kẻ thất nghiệp”. 

Hoài cũng chia sẻ, cái nghèo trước mắt với em đã thấy rõ rồi, nhưng đành phải chấp hành vì dịch bệnh, vì trách nhiệm chung. Nghe câu tâm tình của Hoài, 8 người còn lại chỉ biết thở dài, nhưng trong sâu thẳm trong ánh mắt, suy nghĩ của họ lộ bao âu lo. Từ miếng  ăn chỗ ngủ cho đến quãng thời gian phía trước, đều mịt mờ. 

Ông Lê Hồng, 1 công nhân xây dựng thời vụ cho một công trình khu vực quận Ngũ Hành Sơn thì tỏ vẻ mệt mỏi hơn vì là trụ cột gia đình. Ông Hồng cùng hàng chục người tá túc tại 1 lán trại cạnh dãy shophouse đường Minh Mạng (phường Hòa Quý); nửa tháng nay sống cảnh “lê lết” với đủ khó khăn và thấy mình bất lực với người thân ở quê.

Bữa mì tôm, bữa cơm chiên, bữa canh rau, mặn nhạt tự nấu, thi thoảng may mắn có đoàn từ thiện đến trao những suất cơm nóng hổi, ông Hồng mỗi ngày gắng gượng đối diện và chờ cho dịch bệnh qua mau.

“Chịu không nổi,  mấy chú, mấy bác ở đây quen lao động rồi, không làm, tay chân bứt rứt lắm, nhưng giờ chỉ biết nằm đến mòn ván gỗ. Rồi còn nỗi lo dịch bệnh có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào. Tôi chỉ muốn được về nhà. Chẳng mong có máy bay đưa đi như khách du lịch, chỉ xin một chuyến xe, chúng tôi chấp nhận cách ly theo quy định.”, ông Hồng tâm sự.

Ước nguyện của ông Hồng cũng giống như hàng ngàn lao động, công nhân xây dựng xa xứ ở Đà Nẵng những ngày này.

Một số công ty xây dựng lớn lại nỗi lo khác. Theo chia sẻ của những đơn vị này, vì uy tín nên công ty luôn thực hiện công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần rất tốt cho bộ phận công nhân. Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo nhu cầu ăn ở, Đà Nẵng cũng nên tính đến phương án phân loại các công trình xây dựng để cho phép chủ đầu tư, nhà thầu thi công trở lại các công trình phù hợp, đảm bảo. 

Ví dụ như dạng công trình xây dựng cơ bản có số lượng công nhân thi công ít, chủ yếu công nhân vận hành máy móc nên cho phép hoạt động trở lại. Vì thực tế để cho công nhân nghỉ hết, lại không được về quê, họ túm tụm trong lán, cũng nảy sinh nhiều vấn đề như mất an ninh trật tự, bỏ ra ngoài rồi mang dịch bệnh…

Tìm cách tháo gỡ

Liên quan vấn đề này, ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa nhận được chỉ đạo từ UBND TP yêu cầu chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan làm việc với tất cả các nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sử dụng lao động các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố đang dừng thi công để phòng, chống dịch, có trách nhiệm hỗ trợ điều kiện ăn, ở.

Kiên quyết, không để tình trạng người lao động ở lại các công trình, lán trại, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, dễ lây lan dịch bệnh. “Trước đây, UBND các quận, huyện quản lý vấn đề này. Ngày 13/8, cán bộ Sở bắt tay vào việc”, ông Lâm thông tin.

Trong khi đó, ngày 17/8, bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, thông qua các kênh khảo sát, đã sơ bộ nắm được số công nhân, sinh viên tại thành phố có nguyện vọng về quê. Cụ thể, hiện có khoảng hơn 2.000 công nhân lao động và khoảng 6.500 sinh viên. Tuy nhiên bà Linh nhận định, con số thực tế sẽ còn cao hơn.

 “Chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh, thành nơi đón, đồng thời công bố đường dây nóng để chủ động số lượng người, xe và địa điểm cách ly… Phương án, Sở chuẩn bị rồi, nhưng phải đợi chủ trương, làm phải chặt chẽ, đảm bảo quy định phòng chống dịch, làm từng tỉnh một chứ số lượng quá lớn”, bà Linh chi sẻ thêm.

Kiến nghị Thủ tướng đưa lao động về quê

Tin từ văn phòng UBND thành phố, hiện UBND TP. Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Thử tướng về việc cho phép công dân của các địa phương đang tạm trú tại Đà Nẵng được trở về nơi cư trú để ổn định cuộc sống, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Đà Nẵng còn diễn biến phức tạp.

Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, TP có người dân đang tạm trú ở Đà Nẵng phối hợp với UBND thành phố tổ chức tiếp nhận, đón công dân về địa phương theo phương án cụ thể, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Chỉ đạo Bộ GTVT mở một số tuyến tàu hỏa đưa người dân từ Đà Nẵng về các địa phương…

Đọc thêm