Khắc họa bức tranh làng Việt
Từ xưa, làng Nôm đã nổi tiếng với phong cảnh và những nét hoài cổ, mang đậm dấu tích của thời gian. Đi vào trong làng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những nét trầm mặc, gợi lên những nét thanh bình, khác hẳn với các làng quê khác trong “cơn lốc” đô thị hóa.
Điểm nhấn tạo nên sự ấn tượng chính là cây cầu đá chín nhịp vắt ngang qua con sông Cái thơ mộng dẫn vào làng. Đi qua cây cầu đá này, không gian của ngôi làng được mở ra bằng những bức tranh quê hương, đó là cổng làng, sân đình, với những ngôi nhà trầm mặc, in bóng nghiêng nghiêng dưới mặt nước.
Cây cầu đá chín nhịp dẫn vào làng Nôm |
Có lẽ khắp các làng quê của Việt Nam, cổng làng chính là nơi ghi lại dấu ấn của kỷ niệm, nó gắn liền với những người con đi lập nghiệp ở xa xứ. Cổng làng còn khắc họa sự hoài cổ, nơi đó còn gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ. Chính vì nó có ý nghĩa, gắn liền với những giá trị văn hóa, tiềm ẩn đó là tiếng lòng của quê hương. Tiếng lòng khắc khoải trong đó là tiếng gà gáy, tiếng chim cu gáy, tiếng cười khúc khích của những người đi ngoài đường…
Theo như quan sát, cổng làng còn in hằn trên đó là những nét rêu phong. Cổng làng Nôm bề thế được chạm khắc rất tinh xảo bằng các họa tiết. Cổng làng gồm có 4 trụ, trên vòm cổng có chữ “Đồng Cầu Nôm”. Cổng làng được đặt đối xứng với ngôi đình qua mặt hồ chính, tạo nên điểm nhấn độc đáo.
Cổng làng Nôm bề thế và cổ xưa |
Bước vào trong cổng làng là một không gian thoáng đãng, trung tâm là một hồ nước rộng. Hai bên bờ hồ là những cây cau thẳng tắp, in hình dưới bóng nươc. Quanh khu ao hồ có rất nhiều nhà thờ cổ của một số dòng họ như Nguyễn, Lê… Theo các cụ ở trong làng, những ngôi nhà thờ này được xây dựng cách đây hàng trăm năm, với những nét kiến trúc rất độc đáo, mang đậm dấu ấn của làng quê Việt.
Bao bọc trong quần thể di tích làng Nôm còn nguyên vẹn hình ảnh đình làng, giếng nước, cây đa, sân đình… Đây chính là những nét tinh túy của văn hóa làng Việt, nó mang đậm dấu ấn của vùng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ xưa. Theo các cụ cao niên, đình làng Nôm thờ thánh Tam Giang, một danh tướng thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược. Theo như các già làng ở đây kể lại rằng, vị tướng Tam Giang đã giúp vua Đại Hành đánh tan giặc Tống. Chính vì vậy nên tướng Tam Giang đã được nhà vua phong là “Hộ quốc phúc thân”.
Theo như quan sát của chúng tôi, đình Tam Giang nằm dưới tán cây đa, có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, nó tỏa bóng mát, tạo nên sự trầm mặc cho ngôi đình. Bên cạnh cây đa là giếng nước cổ. Trải qua thăng trầm của thời gian, giếng cổ vẫn giữ được những nét cơ bản, nơi những bà những chị giặt áo, gánh nước về nấu ăn, nơi những nam thanh nữ tú hẹn hò nên duyên chồng vợ.
Và cũng chính tại nơi đây, những cô gái cúi mặt khóc thầm tiễn người con trai ra trận cùng lời hẹn ước trọn đời chung thủy. Và cũng chính tại giếng cổ này, những người con chiến thắng trở về đã vạt nước rửa mặt, rửa chân tại dòng nước trong lành như suối từng nuôi nấng cả làng.
Đình Tam Giang |
Ngoài cảnh đình làng, giếng nước, cây đa, làng Nôm còn có khung cảnh của những con đường dẫn vào làng. Ngày nay đường làng đã được lát gạch đỏ, tạo nên những nét chấm phá cho bức tranh của làng Việt. Tuy đã có sự đổi thay nhưng về cơ bản nó vẫn giữ nguyên lối cổ xưa, đường vẫn phủ rêu xanh, vẫn có những lớp gạch được xây bằng vôi vữa. Những con đường uốn lượn bên những nếp nhà cổ, xen lẫn với những bờ rào gạch, bờ ao…, khiến những người con xa quê vẫn đau đáu trong lòng ước vọng ngày trở lại, khiến khách phương xa một lần ghé thăm lưu luyến chẳng rời.
Tinh hoa kiến trúc làng Việt
Ngoài phong cảnh, còn có một quần thể những kiến trúc, đó là các ngôi nhà cổ có niên đại 200 trăm năm lịch sử. Nó là nhân chứng để ghi lại những vết tích của thời gian. Chúng tôi ghé thăm nhà ngôi nhà cổ của ông cụ Long, một người cao niên ở trong làng Nôm. Ngôi nhà nằm khuất trong xóm nhỏ, mang vẻ hoài cổ, rêu phong. Ngôi nhà có ba gian hai chái, từ cánh cửa, tới mái nhà, gạch xây… đều mang kiến trúc cổ. Dấu vết thời gian còn in hằn trên từng thớ gỗ. Sự độc đáo của các ngôi nhà cổ này đã minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh của làng.
Giếng cổ và cây đa cổ thụ |
Theo cụ Long, trước đây người dân làng Nôm chủ yếu sống dựa vào nền nông nghiệp lúa nước. Do tình trạng ngập úng kéo dài nên dân làng đã rời quê hương đi buôn phế liệu. Chính vì vậy nên làng Nôm dã trở thành đầu mối chuyên phân phối nguyên liệu cho các làng nghề đúc đồng trong vùng. Nơi đây vẫn còn lưu truyền những câu ca dao gắn với làng nghề: “Đồng nát thì về cầu Nôm…”.
Đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân làng Nôm rất phong phú. Trong một năm ở làng Nôm có rất nhiều các lễ hội, gắn liền với văn hóa và thuần phong mỹ tục của làng. Đặc biệt làng Nôm vẫn còn giữ được lệ làng. Du khách đến hội làng sẽ đuợc đắm chìm trong vẻ đẹp không gian của làng, được thưởng thức điệu hát quan họ du thuyền trên ao làng, hòa vào bản sắc văn hóa lễ hội.
Ngôi nhà cổ 200 năm tuổi |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của các cuộc chiến tranh nhưng quần thể kiến trúc làng Nôm vẫn được bảo tồn, góp phần khắc họa văn hóa cộng đồng dân tộc Việt. Điều trân trọng ở đây là nếp sống thôn quê mộc mạc. Ghi nhận những giá trị đó, năm 1994, làng Nôm đã được Nhà nước công nhận là quần thể di tích. Năm 2007, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đã đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận làng Nôm là di sản Quốc gia.