Nỗi niềm các bác sỹ… AIDS

Dẫu trải qua rất nhiều thời kỳ, rồi năm lần bảy lượt thay tên, đổi họ…, nhưng nơi ấy vẫn là điểm đến, chốn nương náu của những bệnh nhân (BN) AIDS. Ở đó, họ được điều trị (ĐT), được chăm sóc và hỗ trợ về mặt tinh thần… Và, nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng của họ chính là những thầy thuốc áo trắng.

Dẫu trải qua rất nhiều thời kỳ, rồi năm lần bảy lượt thay tên, đổi họ…, nhưng nơi ấy vẫn là điểm đến, chốn nương náu của những bệnh nhân (BN) AIDS. Ở đó, họ được điều trị (ĐT), được chăm sóc và hỗ trợ về mặt tinh thần… Và, nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng của họ chính là những thầy thuốc áo trắng.

Ngôi nhà chung của người nhiễm HIV

Trước thực trạng dịch bệnh HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ trên địa bàn thành phố (TP) Hà Nội, đặc biệt là những người nhiễm HIV giai đoạn cuối bị người thân ruồng bỏ, không nơi nương tựa không biết đi đâu, về đâu, Bộ Y tế đã khởi xướng xây dựng Đề tài “Xây dựng mô hình quản lý người nhiễm HIV các cấp của TP. Hà Nội” (năm 1996). 

Sau khi có quyết định thành lập, năm 2002, Trung tâm giáo dục lao động và dạy nghề (trực thuộc Sở LĐ, TB & XH Hà Nội) đã ra đời. Tháng 12/2005, Trung tâm ĐT 09 chính thức được thành lập và tiếp nhận những BN AIDS đầu tiên của TP. Có thể nói, đây là điểm đến, chốn nương náu và nơi gửi gắm niềm tin của những người nhiễm HIV/AIDS TP. Hà Nội. Ở đó, họ được ĐT, được chăm sóc và hỗ trợ rất lớn về mặt tinh thần. Và rồi từ những người từng bị coi là “người thừa”, “tệ nạn xã hội”, thậm chí “dưới đáy của xã hội”, những người nhiễm HIV đã tự tin đứng lên làm lại cuộc đời, hòa nhập vào cộng đồng… “Đây thực sự là ngôi nhà chung của chúng em. Ở đây chúng em được tôn trọng và được ĐT, chăm sóc rất tận tình, chu đáo…” – BN Nguyễn Trường G (Cầu Giấy) chia sẻ.

Rồi G kể, ngày từ trại Xuân Khanh, Sơn Tây về, G chỉ như khúc xương khô (cân nặng chỉ còn 35kg), bệnh tật đầy người… Gia đình ruồng bỏ, họ hàng khinh ghét, em chỉ còn biết chọn Trung tâm ĐT 09 là nơi nương thân. Sau một thời gian được các y, bác sỹ (BS) Trung tâm chăm sóc và ĐT, em đã hồi phục sức khỏe, lấy lại niềm tin vào cuộc sống.

BS Trần Quốc Tuấn.

Thấm thoát vậy mà 04 năm đã trôi qua. Một năm mới nữa lại về, G và những người bạn cùng cảnh – những thành viên của ngôi nhà chung Trung tâm ĐT 09 lại cùng nhau chào đón một mùa xuân đầy ấm áp và hạnh phúc, bởi giờ đây họ đã có gia đình, được yêu thương, chăm sóc…

Nỗi niềm của những người thầy áo trắng

Nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng và cuộc đời của người nhiễm HIV chính là những thầy thuốc áo trắng – các y, BS Trung tâm ĐT 09. Không chỉ phải đối mặt với gian nguy, thử thách, các y, BS tại đây còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử.  Theo các cán bộ đang làm việc tại Trung tâm cho biết, sau sự kiện 1 cán bộ nam bị nhiễm bệnh nghề nghiệp (nhiễm lao phổi) chuyển công tác, 1, 2 rồi 3 cán bộ khác cũng rời bỏ nơi này vì vô vàn lý do không giống nhau như: Bị phơi nhiễm; bị người nhiễm dọa dẫm, chửi bới; thu nhập không đủ sống... Đáng thương nhất là trường hợp của y tá L. Cũng chỉ vì biết L chuyên chăm sóc và phục vụ cho các BN AIDS, mẹ chồng chưa cưới của cô đã quyết liệt phản đối cuộc hôn nhân của hai người. Và họ đã chia tay nhau trong cay đắng và ngậm ngùi…

Người được coi là có thâm niên làm việc lâu nhất tại Trung tâm 09 – ThS. BS. Nguyễn Ngọc Hưng, 46 tuổi, Trưởng Khoa Nội, Trung tâm ĐT 09, anh  bồi hồi nhớ lại: 15 năm trước, với háo hức tuổi trẻ, bản lĩnh nghề nghiệp, sự tò mò và chút “say” nghề, một chàng trai chưa đầy 30 tuổi (gốc Ninh Bình) đã xin vào làm BS ĐT cho người nghiện cũng tại Trung tâm này (lúc đó là Trung tâm giáo dục lao động và dạy nghề). Gần chục năm sau, vị BS “đầy mình kinh nghiệm” ấy lại tình nguyện xung phong vào “chiến trường” ĐT cho người nhiễm HIV giai đoạn cuối và duyên phận đã run rủi anh kết thân với một đồng nghiệp cùng cơ quan. Chàng thanh niên khi xưa và vị BS già bây giờ chính là BS.ThS. Nguyễn Ngọc Hưng.

BS Hưng tâm sự, lúc mới vào nghề anh không thấy sợ mà chỉ muốn khám phá, tìm hiểu rõ bản chất của căn bệnh; đối tượng bị mắc bệnh này. Biết rằng đây là một nghề vô cùng nguy hiểm nên trong đầu anh lúc nào cũng nghĩ cách phòng ngừa lây nhiễm. Cũng không bao giờ anh lại nghĩ mình lại bị phơi nhiễm HIV. Ấy thế nhưng, trong một lần sơ sẩy, anh đã bị mũi tiêm của một người nghiện (cũng là một BN AIDS) cắm vào tay. Cũng may, mạng anh lớn lên con vi rút HIV không thể lây truyền một cách dễ dàng đến như vậy.

Vượt qua thử thách rồi, BS Hưng càng không thấy sợ căn bệnh thế kỷ này nữa. Anh còn tự nhủ: “Nếu chẳng may bị phơi nhiễm HIV, tôi sẽ bình tĩnh xử trí. Thậm chí, khi bị nhiễm HIV thật anh cũng sẵn sàng chấp nhận”. Nhưng, anh cũng thành thật thú nhận: “Đã không ít lần, vì bất mãn với BN, anh đã có ý định bỏ Trung tâm để tìm một công việc có thu nhập khá hơn”, nhưng không biết có phải có “duyên” với nơi đây không mà anh lại dằn lòng ở lại. “Tiếc lắm chứ, công sức bao nhiêu năm mình tích lũy, học hỏi, cống hiến mà bỏ lại thì phũ phàng quá!” – anh chia sẻ. Để rồi, ngày ngày anh lại vui cùng BN khi họ ĐT thành công, được ra viện, trở về gia đình…

Vừa hý hoáy tra cứu văn bản trên bàn máy vi tính của Khoa Nội, BS Nguyễn Văn Tú (Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, anh vừa “đầu quân” về Trung tâm chưa đầy 2 tuần nay. Trước kia, BS Tú công tác ở Phòng y tế, quận Đống Đa. Cũng chỉ vì máu nghề nghiệp và ưa mạo hiểm anh đã chọn Trung tâm ĐT 09 là nơi phát triển sự nghiệp của mình. Cũng may “bà xã” cũng là dân trong ngành nên anh nhận được sự đồng cảm khi quyết định về đây công tác, chứ là dân “ngoài ngành” chắc chắn không dễ dàng thế - anh khẳng định.

Vẫn còn gian truân…

Có đến Trung tâm ĐT 09, tận mắt chứng kiến công việc của các cán bộ, nhân viên mới hiểu được sự vất vả, nỗi hiểm nguy và những cống hiến thầm lặng của các y, BS ở đây. Họ làm việc không ngơi nghỉ, bất chấp hiểm nguy, luôn túc trực để phục vụ BN, nhưng có mấy ai cảm thông và hiểu thấu cho nỗi lòng của họ. Đâu đó vẫn còn những ánh mắt coi thường và rẻ khinh những người làm công tác ĐT và chăm sóc BN AIDS. Thi thoảng vẫn có những lá đơn xin chuyển công tác dè dặt đặt lên bàn GĐ Trung tâm… Và, mấy năm rồi Trung tâm mới lại tiếp nhận được một BS đến xin việc (trong khi thực tế Trung tâm đang thiếu BS một cách trầm trọng).

 Theo BS Trần Quốc Tuấn, tân GĐ Bệnh viện 09 – tên hiện giờ của Trung tâm, hiện những cán bộ y tế trực tiếp ĐT cho BN AIDS đã được hưởng thêm 70% lương; TP hỗ trợ 700.000 đồng/tháng; ngoài ra họ còn được hưởng chế độ độc hại 0,4%; rồi tiền bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật (tương đương 10.000 đồng/ngày); cán bộ gián tiếp ĐT cho BN AIDS ngoài 700.000 TP hỗ trợ, được hưởng 15% lương; chế độ độc hại 0,1%... nên thu nhập của anh em cũng tạm ổn. Tuy nhiên, theo phản ánh của đa số cán bộ, nhân viên bệnh viện, mức thu nhập đó chỉ đáp ứng cho mức sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, chứ không đủ cho một cuộc sống của một gia đình. Chính vì lẽ đó, 70 -80% cán bộ, nhân viên ở đây vẫn phải đi thuê nhà để ở…

Kết ngắn

Khó khăn là vậy, gian truân là vậy… nhưng các cán bộ, nhân viên, y, BS BV 09 vẫn gắn bó với công việc của mình; say sưa với BN của mình và rất đoàn kết, yêu thương nhau. Có lẽ, đó chính là sợi dây liên kết và gắn bó họ???

 Ghi chép của Đoan Trang

Đọc thêm