Khổ sở vì thiếu tiền, không vay được vốn đã đành một nhẽ, nay kể cả những doanh nghiệp “nhà giàu”, sẵn tiền mặt cũng mang nặng nỗi niềm. “Phân vân lắm, vì không doanh nghiệp nào muốn tiền mình “nằm chết”, nhưng trong bối cảnh khó khăn này, chẳng lẽ khi không có bạn hàng, chúng tôi lại giữ tiền trong két?. Nhưng với mức thuế thu nhập đánh vào tiền lãi khá cao, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc liệu có gửi tiền vào ngân hàng hay không”, chủ một doanh nghiệp cơ khí ở Hải Phòng chia sẻ.
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Không khuyến khích doanh nghiêp gửi tiền ngân hàng
Không phải là ý tưởng mới, nhưng quy định doanh nghiệp (DN) sẽ phải nộp thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập DN vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến đúng thời điểm kinh tế đang khó khăn, lại đang được các đối tượng liên quan nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm.
Thực ra, quy định DN phải đóng thuế cho khoản tiền lãi phát sinh từ khoản tiền gửi ngân hàng của DN đã thực hiện từ ngày thuế thu nhập DN có hiệu lực. Mức thuế cũng được tính theo thuế suất thuế thu nhập DN, đúng các mức thuế phổ thông, chứ không tách bạch ra. Cụ thể, từ trước đến giờ là 25%, sang năm 2014 sẽ xuống 22% và theo lộ trình đến năm 2016 sẽ xuống 20%. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN cũng vẫn giữ nguyên như thế, và tinh thần này cũng được bảo lưu tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật này.
Đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) phân tích, DN gửi tiền vào ngân hàng thì lãi từ tiền gửi là một nguồn thu nhập của DN. Thậm chí nhiều DN còn coi đây là một kênh đầu tư, ví dụ như có những DN đặc thù có nguồn tiền nhàn rỗi khá nhiều như nhóm DN bảo hiểm dùng tiền đó đầu tư trái phiếu, gửi ngân hàng…, nên thuế thu nhập thu trên tất cả các nguồn của DN là bình thường và hợp lý. Theo Vụ Chính sách thuế, Nhà nước không khuyến khích DN đi gửi tiền ngân hàng, mà phải đổ tiền vào sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp: đầu tiên là phải bảo toàn được vốn
Dù quy định không mới nhưng chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, nhiều DN vẫn tỏ ra băn khoăn về vấn đề này. “Nhà nước không khuyến khích DN gửi tiền ngân hàng, nhưng trong bối cảnh khó khăn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh như đầu tư mạo hiểm, nguy cơ thua lỗ cao, chúng tôi phải tìm giải pháp nào tốt nhất để bảo toàn nguồn vốn” – ông Lê Anh Tuấn, chủ một doanh nghiệp cơ khí chia sẻ.
Theo các DN, đã mở DN, doanh nhân nào cũng muốn DN mình có thể sản xuất kinh doanh suôn sẻ, và không ai muốn chỉ đem tiền gửi ngân hàng. Đem tiền gửi ngân hàng được coi như giải pháp cuối cùng để “giữ” tiền, khi các phương án sản xuất kinh doanh khác không mang lại hiệu quả.
“Phải nhìn nhận, có hai nhóm doanh nghiệp. Một là nhóm doanh nghiệp coi gửi ngân hàng như một kênh đầu tư, nhóm thứ hai chỉ gửi tiền ngân hàng khi có tiền nhàn rỗi, chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp – anh Phạm Thông, Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội nhận định – Đối với DN nhóm 1, đánh thuế là hợp lý, nhưng đối với DN nhóm 2, việc đánh thuế phải xem lại. Ví dụ, một DN cung cấp dịch vụ thì làm sao đòi hỏi người ta phải đổ tiền vào sản xuất?”.
Mức thuế cũng được các DN nhận định là tương đối cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, đáp lại phân vân của DN, đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng, Chính phủ đã có Nghị quyết 13 miễn giảm thuế, áp dụng mức thuế thấp cho các DN nhỏ… nhằm tạo điều kiện cho DN, thu hút và khuyến khích đầu tư.
Cụ thể, ngoài việc giảm mức thuế suất phổ thông theo lộ trình đã nêu trên, luật còn quy định các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% ngay từ ngày 1/7/2013 nhằm tạo thuận lợi cho các DN có quy mô nhỏ và vừa có điều kiện tăng tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh…
Bách Linh