Nói ra để chữa lành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tổn thương dai dẳng và những căn bệnh tâm lý, đó là thiếu chia sẻ, giấu kín mọi nỗi niềm của bản thân. Học cách nói ra, giãi bày cũng chính là học cách chữa lành vết thương tâm hồn.
Học cách tâm sự, nói ra cũng là cách giúp bản thân không bị tổn thương, mối quan hệ tốt đẹp hơn. (Nguồn ảnh: ĐSPL)
Học cách tâm sự, nói ra cũng là cách giúp bản thân không bị tổn thương, mối quan hệ tốt đẹp hơn. (Nguồn ảnh: ĐSPL)

Những vết thương từ sự im lặng

Đã 30 tuổi nhưng N.T.H., nhân viên kế toán một công ty nhập khẩu thực phẩm vẫn chưa từng yêu ai, chưa bao giờ biết đến một cái nắm tay. Không chỉ thế, cô còn bị bệnh “sợ đàn ông”, không muốn tiếp xúc nhiều với người khác phái, có tâm lý bài xích nam giới. Cha mẹ, người thân, bạn bè của H. rất lo lắng cho trạng thái tâm lý cực đoan của cô, nhưng mọi lời khuyên đều không khiến cô gái mở lòng ra được.

Không ai biết rằng đây là một vấn đề tâm lý bắt nguồn từ việc H. bị anh trai một người bạn thân lạm dụng thời học cấp 2. Ban đầu, người nọ tỏ ra là một “người anh” rất tốt, quan tâm, quý mến, chiều chuộng bạn của em gái mình. Nhưng một lần khi H. đến nhà bạn chơi, không có ai ở nhà, cô bé đã bị người này lạm dụng. Bị hăm doạ, sợ hãi, xấu hổ, H. cắn răng không dám nói với ai, không dám tiếp xúc cả với người bạn thân. Việc niềm tin bị sụp đổ, lựa chọn giấu kín sự cố kinh hoàng kia khiến H. luôn nơm nớp bị phát hiện, luôn cảm thấy ức chế, sợ hãi, từ đó dẫn đến căn bệnh tâm lý hiện tại.

Thực tế, có không ít người, vết thương tâm lý không chỉ vì gặp phải những cú sốc, những sự cố đau khổ trong quá khứ, mà còn bởi không dám, không thể nói ra nỗi đau của mình, ấp ủ khiến nỗi đau ấy ngày một lớn dần thành tâm bệnh.

Như trường hợp của L.K.M.A, một bạn trẻ làm chủ một quán cà phê nhỏ xinh tại quận Gò Vấp. Là một người trẻ giỏi giang, lập nghiệp với hai bàn tay trắng khá thành công, hoạt bát, quảng giao, nhiều bạn bè, nhưng M.A lại chẳng bao giờ chia sẻ gì về gia đình. Chỉ có một số người thân thiết mới biết, chàng trai này hầu như cắt đứt mối quan hệ với gia đình mình, nhưng cũng chẳng rõ lý do. Gia đình M.A sau nhiều lần liên lạc, hỏi han lẫn giận dữ, giờ đây cũng “bó tay” với đứa con trai ngỗ nghịch tự dưng từ mặt gia đình.

Tuy nhiên, điều gì cũng có lý do của nó. Cha mẹ M.A. hoàn toàn không biết rằng, cậu con trai có phản ứng như hiện nay bắt nguồn từ cách đối xử của cha mẹ. Từ nhỏ, M.A. đã liên tục bị cha mẹ so sánh với người anh trai học giỏi, đẹp trai. Trong nhà có đồ chơi tốt, quần áo đẹp, thức ăn ngon sẽ dành cho anh trai trước, M.A. chỉ được hưởng những thứ cũ của anh bỏ đi. Có dịp đi du lịch đâu cha mẹ cũng dẫn người anh theo, M.A được gửi sang nhà bà con. Không chỉ thế, cậu bé M.A còn thường xuyên nhận những lời chê trách, mắng mỏ của cha mẹ, còn anh trai thì nhận được những lời âu yếm, ngọt ngào. Từ đó, người anh trai cũng mặc nhiên xem mình là đứa con có giá trị hơn em trai, cũng bắt chước cha mẹ đối xử bất công với em. Trước cách đối xử thiên lệch ấy, M.A rất đau khổ, buồn tủi. Nhưng cậu bé chưa bao giờ tâm sự điều này với ai, cũng không bao giờ phản kháng với cha mẹ, anh trai. Lớn lên một chút, M.A đã nuôi trong lòng cảm giác mình là người thừa trong gia đình, quyết tâm khi có thể tự lập sẽ thoát ly triệt để khỏi gia đình để không còn nhìn thấy cảnh bất công nói trên. Và đúng là sau 20 tuổi, khi kiếm được tiền, chàng trai trẻ đã khăn gói ra đi, hoàn toàn quay lưng lại với gia đình, không một lời giải thích khiến người thân vô cùng hoang mang.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc lựa chọn im lặng, giấu kín tổn thương là một lựa chọn khá phổ biến. Nguyên nhân của lựa chọn này có nhiều, như là sự sợ hãi những hậu quả khi phải nói ra, sự thiếu tự tin vào bản thân, tránh bộc lộ điểm yếu, hay nhằm bảo vệ sự bình yên vốn đang diễn ra. Những trẻ xuất phát từ gia đình có cha mẹ quá nghiêm khắc, hay trách mắng, chỉ trích cũng dễ trở thành người hay che giấu cảm xúc.

Nhưng dù nguyên nhân nào đi nữa, thì việc giấu kín nỗi đau, hoàn toàn không chia sẻ là một lựa chọn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả dai dẳng, đáng buồn về sau khi cảm xúc bị dồn nén, không được giải toả đúng cách.

Học cách chia sẻ, học cách yêu thương

Tại TP Hồ Chí Minh, có một nhóm nhỏ do Hà Linh, một giáo viên cấp 2 thành lập. Nhóm nhỏ này hoạt động khá “kín” trên mạng xã hội, chỉ có những người thực sự cần, tìm hiểu, được giới thiệu mới biết được. Đây là nhóm bạn trẻ đều có những tổn thương trong quá khứ và không nói được với ai. Hàng tháng, họ tổ chức một buổi gặp gỡ từng nhóm nhỏ. Mỗi người sẽ lựa chọn một người hoàn toàn xa lạ để tập nói ra nỗi đau, trút bỏ những gánh nặng của mình.

Giấu kín nỗi niềm, thiếu sự chia sẻ khiến tổn thương tâm lý ngày càng nặng nề. (Nguồn ảnh: VNN)

Giấu kín nỗi niềm, thiếu sự chia sẻ khiến tổn thương tâm lý ngày càng nặng nề. (Nguồn ảnh: VNN)

Hà Linh chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là người mang nhiều vết thương trong quá khứ. Tôi là đứa trẻ không có tuổi thơ. Từ nhỏ, cha tôi bỏ đi với người khác, tôi vừa được mẹ thương yêu, bảo bọc quá mức, lại vừa bị mẹ trút lên nỗi đau khổ, căm ghét đối với cha. Cứ như thế tôi sống trong giằng xé giữa nỗi sợ hãi và tình yêu thương với mẹ mình. Hai mẹ con đều là những người có suy nghĩ, tình cảm gì giấu trong lòng, không ai thổ lộ cùng ai. Sau khi đi học xa, đi làm, đã có một thời gian dài tôi không dám về nhà, không dám tiếp xúc với mẹ, khiến mẹ rất đau khổ. Nhưng may mắn tôi đã gặp một người chị lớn, người đã cho tôi sự tin cậy, giúp tôi từ từ tháo gỡ những khúc mắc trong lòng bằng cách nói ra, chia sẻ hết. Để rồi, tôi đã trở về, học cách bày tỏ với mẹ những cảm xúc mà tôi đã gánh chịu từ thuở ấu thơ.

Ban đầu mẹ cũng phản ứng dữ dội, nhưng rồi mẹ dịu dần. Sau nhiều lần tập nói ra cảm xúc, tôi cũng đã tập được cách ôm mẹ, nói yêu mẹ. Hai mẹ con đã làm lành với nhau, cùng nhau nói ra những suy nghĩ của bản thân. Từ đó, tôi cảm thấy mình nhẹ nhõm và hạnh phúc nhiều, những nỗi đau cũ không làm mình sợ hãi và day dứt nữa. Hiểu được sự cần thiết của việc nói ra, chia sẻ, tôi đã lập một nhóm nhỏ để mọi người có thể gặp gỡ và giãi bày những ẩn ức trong lòng. Vì nói ra cũng là một cách để chữa lành”.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, sự im lặng, giấu kín, thiếu giãi bày, sẻ chia đang là một thói quen không lành mạnh trong cuộc sống. Đi cùng với đó là thói quen không biết bày tỏ tình cảm. Những đứa trẻ giấu kín chuyện bị bắt nạt, bị dâm ô, xâm hại với cha mẹ và bạn bè xung quanh. Những học sinh không dám phản kháng khi bị thầy, cô giáo đối xử bất công. Cha mẹ và con cái không biết nói lời thương yêu nhau, vợ chồng không dám, không muốn nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình khi gặp giận dỗi, vướng mắc. Bạn bè hiểu lầm và quay lưng không một lời giải thích cùng nhau... Những sự im lặng độc hại ấy càng khiến vết thương trong tâm hồn mỗi người bị khoét sâu, đau đớn dai dẳng. Lúc ấy, cảm xúc không được giải tỏa đúng cách sẽ như một quả bom, bị dồn nén lại, chỉ chực chờ đến lúc bùng nổ. Và như vậy, hậu quả sẽ rất khó mà lường trước được.

Người ta thường nói “vô tư dễ hạnh phúc” hay “bộc tuệch sống lâu”, điều này có lý do của nó. Có những người gặp gì nói nấy, trong lòng có gì biểu lộ ra ngoài hết, đôi khi bị người khác chê kém duyên, thiếu tế nhị, nhưng bản thân họ, một khi cảm xúc đã bị giải phóng, sẽ không còn khúc mắc, kìm nén khó chịu trong lòng, sẽ không dẫn đến tâm bệnh.

Chính vì vậy, học cách nói ra và chia sẻ rất quan trọng trong đời sống. Để có được thói quen tốt này, mỗi người đều phải nỗ lực “thực tập” đúng cách. Trong gia đình, cha mẹ cần không vùi dập ý kiến con trẻ, biết khuyến khích con cái bày tỏ cảm xúc và chia sẻ suy nghĩ bản thân, học cách nói yêu thương con bằng lời. Trong cuộc sống vợ chồng, học cách tôn trọng ý kiến của nhau, lắng nghe nhau và giãi bày với nhau nỗi niềm của mình. Trong cuộc sống, mỗi người cần dũng cảm hơn, tự tin hơn, yêu bản thân hơn để không im lặng trước những bất như ý, bất công, sự cố xảy đến với mình.

Nói ra, tưởng dễ mà không dễ, nhưng hành trình nào cũng cần có những bước chân đầu tiên.

Đọc thêm