Nơi tái sinh những cuộc đời lầm lỗi

Phạm nhân Trần Mai Sơn (SN 1981, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất vui khi biết mình sắp trở về: “Tôi đã gọi điện cho mẹ con nó đón. Mong chờ ngày này lắm nhà báo ạ. Quá khứ đã qua rồi, bản thân tôi cũng như nhiều anh em khác luôn cố gắng làm lại, có ai thích tù tội đâu. Trước tôi có nghề bác sĩ nên lần này được về sẽ đi học lại chuyên môn rồi tiếp tục duy trì công việc ở phòng khám”.

Trại giam Nam Hà với truyền thống gần 50 năm xây dựng và trưởng thành đang là môi trường cải tạo của gần 3000 phạm nhân, hầu hết là trọng án hoặc án phạt dài hạn, là môi trường thuận lợi để nhiều cuộc đời làm lại sau những lỗi lầm trong quá khứ.  

Nỗ lực để phạm nhân làm lại cuộc đời

Trở lại trại giam Nam Hà vào một ngày cuối tháng 8/2013, trong cái bắt tay nồng ấm của các cán bộ quản giáo, chúng tôi không khỏi trầm trồ về vị thế của một trại giam đang vươn mình mạnh mẽ.

Chuyển về từ Ba Sao với rất nhiều công việc còn bộn bề, thậm chí nhiều hạng mục còn đang dang dở, Thượng tá Đinh Văn Loan - Phó Giám thị Trại giam Nam Hà - cho biết: “Anh em cán bộ trong trại giam đang khá bận rộn với công tác xét duyệt đề nghị đặc xá. Năm nay, trại giam Nam Hà có 151 trường hợp được đề nghị xét đặc xá tha tù trước thời hạn. Do thời gian không còn nhiều, công tác chuẩn bị vừa phải khẩn trương vừa phải chu đáo để mọi việc triển khai được thuận lợi”.

Thượng tá Đinh Văn Loan (Phó Giám thị trại giam Nam Hà) trao đổi với phóng viên
Thượng tá Đinh Văn Loan (Phó Giám thị trại giam Nam Hà) trao đổi với phóng viên

Trước kia, trại giam Nam Hà là trại loại 1 của Tổng cục thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, nơi chuyên giam giữ các phạm nhân thuộc loại án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Hiện nay, “mác” loại 1 đối với trại Nam Hà đã không còn nhưng số lượng phạm nhân thuộc mức án cao chiếm số lượng đông đảo; đặc biệt, số lượng phạm nhân lãnh án chung thân có tới vài trăm trường hợp!     

Trao đổi về công tác xét duyệt hồ sơ giảm án, tha tù trước thời hạn của trại, Thượng tá Loan nói thêm: “Công việc được tiến hành từ 20/7/2013 khi có quyết định của Chủ tịch nước, Bộ Công an về công tác đặc xá với thái độ nghiêm túc, khẩn trương. Anh em cán bộ chiến sĩ trại giam ngoài việc phổ biến chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, vừa nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và quan trọng nhất là tổ chức cho các đội phạm nhân tiến hành bình chọn những trường hợp đủ điều kiện để hội đồng đặc xá của trại giam xét duyệt. Năm nay, 151 trường hợp được đề nghị đều đáp ứng điều kiện cần thiết để trở về với cộng đồng”.

Cho đến thời điểm ngày 25/8/2013, mọi công việc chuẩn bị cho lễ công bố quyết định cho các trường hợp được đặc xá tại trại giam Nam Hà đã hoàn tất. Trong niềm vui của rất nhiều phạm nhân được đặc xá, có không ít cán bộ, chiến sĩ tại trại giam Nam Hà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được thăng cấp đúng thời hạn.

Niềm vui ngày đặc xá

Có mặt tại phân trại số 1, trại giam Nam Hà, chúng tôi gặp phạm nhân Mầu Minh Thủy (SN 1972, trú tại thôn Ba Cống, xã Tích Lương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), người có tới 13 năm chấp hành án tại đây. Biết mình nằm trong danh sách được đề nghị đặc xá, phạm nhân Thủy không giấu nổi niềm vui:

“Tôi đã từng bị kết án 20 năm tù giam vì phạm tội “Giết người”, tưởng sẽ mãi không có ngày trở về thì nay điều ấy đã không phải là mơ nữa. Nhờ cải tạo tốt, tôi đã được giảm án 6 lần, tổng cộng là 4 năm 5 tháng. Giờ còn cách vợ con và cuộc sống tự do chưa đầy tuần nữa, tôi thấy vừa hồi hộp vừa sung sướng”.

Phạm nhân này cũng tâm sự, hơn 10 năm qua cải tạo tại trại giam Nam Hà, nếu không có sự động viên kịp thời và thường xuyên của các cán bộ quản giáo, có lẽ Thủy đã không có được quyết tâm cải tạo để có ngày hôm nay.

Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, phạm nhân Thủy hớn hở: “Khi tôi đi, cả hai con đều còn nhỏ nhưng nay trở về thì đã lên chức ông ngoại rồi. Cuộc đời mình đã sa ngã một lần nên lần này trở về tôi sẽ cải tạo lại mảnh vườn, chăn nuôi và tính toán với vợ mở một quán nước giải khát để có thêm thu nhập”.

Ban giám thị trại giam Nam Hà cũng cho biết, năm nay, công tác đặc xá có nhiều thuận lợi, từ văn bản hướng dẫn đến quá trình triển khai, thực hiện. Trước ngày đặc xá 2013, Ban giám thị đã lên phương án hỗ trợ một số phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn tiền tàu xe trở về quê sau khi được tha tù.

Phạm nhân Trần Mai Sơn (SN 1981, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng rất vui khi biết mình sắp trở về: “Tôi đã gọi điện cho mẹ con nó đón. Mong chờ ngày này lắm nhà báo ạ. Quá khứ đã qua rồi, bản thân tôi cũng như nhiều anh em khác luôn cố gắng làm lại, có ai thích tù tội đâu. Trước tôi có nghề bác sĩ nên lần này được về sẽ đi học lại chuyên môn rồi tiếp tục duy trì công việc ở phòng khám”.

Có lẽ, trong số những phạm nhân mà chúng tôi tiếp xúc, vui hơn cả là những người có án phạt tù chung thân. Họ đã từng phạm những tội nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, từng khóc ròng nhiều đêm vì ân hận, từng chán chường, quậy phá thời gian đầu mới lên trại vì nghĩ không biết bao giờ mình mới trở về. Ấy vậy mà những nỗ lực suốt nhiều năm qua của họ, lại được sự động viên, tạo điều kiện của những người cán bộ quản giáo mà nay ước mơ trở về gia đình, cộng đồng đã trở thành hiện thực. Những giọt nước mắt của những cuộc đời được tái sinh nay lại lăn dài…/.

Ngọc Trìu    

Đọc thêm