Để kịp thời giúp sức nông dân vụ chiêm- xuân này, Công ty CP Vật tư nông nghiệp và xây dựng Hải Phòng chủ động nguồn vật tư nông nghiệp trị giá khoảng 10 tỷ đồng bán cho bà con theo phương thức chậm trả.
|
Nông dân xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) mua vật tư nông nghiệp tại cửa hàng hợp tác xã. Ảnh: Phương Duy |
Ông Phạm Văn Đối, Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Thiên (Kiến Thụy) cho biết: “Hiện nay, xã Thuận Thiên có hơn 60% số hộ nông dân đăng ký mua phân bón theo phương thức chậm trả chuẩn bị cho vụ chiêm- xuân. Năm 2008, bà con được mua phân bón, vật tư chậm trả trở lại sau nhiều năm phải tạm dừng chương trình vì nợ đọng nhiều. Kết quả thật bất ngờ, năm 2008, nhiều hộ nông dân Thuận Thiên đạt năng suất khá, dù thời tiết không thuận lợi, chi phí sản xuất tăng cao. Nhờ được mua vật tư chậm trả, nông dân thực hiện bón phân cân đối, tăng khả năng thâm canh, giảm chi phí sản xuất”. Nhiều xã khác của huyện Kiến Thụy rất phấn khởi sau nhiều năm chương trình phải tạm dừng do hội nông dân các xã không thu hồi tiền cung ứng vật tư chậm trả, nay tiếp tục được triển khai. Hiện nay, 12/ 16 xã của huyện mua vật tư theo phương thức chậm trả phục vụ gieo cấy vụ chiêm xuân.
“Chương trình cung ứng vật tư chậm trả giúp nông dân nghèo chủ động nguồn vật tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật, nâng độ đồng đều về năng suất cây trồng giữa hộ khá và hộ nghèo. Khi thị trường bất ổn, giá tăng cao, nông dân không bị tư thương ép giá, vì được mua phân bón với giá ổn định, giảm chi phí 30% so với mua phân bón tại thị trường tự do, lại yên tâm về chất lượng”. - Bà Phạm Thị Ngàn, nông dân xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo) vui mừng cho biết. Nhiều HTX, Hội Nông dân các xã như Kiến Thiết, Vinh Quang (Tiên Lãng), Trấn Dương, Cao Minh (Vĩnh Bảo) bình quân một vụ được hưởng lợi 50-100 triệu đồng nhờ mua phân bón giá hợp lý theo phương thức chậm trả, khi vào vụ sản xuất giá bán vật tư nông nghiệp tăng cao.
Theo ông Đào Văn Táu, Giám đốc Công ty CP vật tư nông nghiệp và xây dựng Hải Phòng, vụ chiêm- xuân này, bước sang năm thứ 13 công ty thực hiện nhiệm vụ cung ứng vật tư chậm trả cho nông dân theo chỉ thị số 27 của UBND thành phố.
Chỉ trong 3 năm gần đây, toàn thành phố đã có 601 lượt HTX, Hội nông dân với 161.425 lượt hội viên nông dân và xã viên HTX được mua 16.299 tấn vật tư chậm trả, trị giá gần 79 tỷ đồng. Mỗi năm, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp 15 tỷ đồng mua vật tư chậm trả, song thực tế, giá trị lượng phân bón được chuyển đến nông dân theo chương trình chậm trả mỗi năm lên tới hơn 18- 21 tỷ đồng. |
Thông qua Hội Nông dân của 36 xã, HTX nông nghiệp của 35 xã trên địa bàn thành phố, năm 2009, có hơn 15.300 lượt nông dân được vay vật tư chậm trả. Trong đó, huyện Vĩnh Bảo có hơn 57 nghìn lượt hộ nông dân mua hơn 12 nghìn tấn vật tư nông nghiệp chậm trả; huyện Tiên Lãng có hơn 49 nghìn lượt hộ nông dân; Kiến Thụy có hơn 9000 lượt hộ nông dân mua vật tư chậm trả…Để triển khai việc bán vật tư theo phương thức chậm trả đạt hiệu quả, đến được với nông dân nghèo, trong 3 năm qua, các cấp hội nông dân phối hợp với công ty mở 150 lớp tập huấn về các quy định, văn bản hợp đồng, phương thức thanh toán vật tư chậm trả cho 15 nghìn lượt nông dân, hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý, đưa giống cây mới, phương thức canh tác mới vào sản xuất. Hiện nay, công ty phối hợp với Hội Nông dân Hải Phòng và các địa phương chuyển lượng phân bón chậm trả đăng ký từ đầu vụ chiêm- xuân cho nông dân.
Phương Thùy