Nông dân mất ruộng vì “cát tặc”

Hàng chục ha đất nông nghiệp màu mỡ ngoài đê sông Luộc thuộc địa bàn xã  Điệp Nông, huyện Hưng Hà, Thái Bình đang bị “cát tặc” hủy hoại không thương tiếc, trong khi chính quyền địa phương dường như bất lực trước tiếng kêu cứu khẩn thiết của hàng trăm nhân khẩu mất đất canh tác.

Hàng chục ha đất nông nghiệp màu mỡ ngoài đê sông Luộc thuộc địa bàn xã  Điệp Nông, huyện Hưng Hà, Thái Bình đang bị “cát tặc” hủy hoại không thương tiếc, trong khi chính quyền địa phương dường như bất lực trước tiếng kêu cứu khẩn thiết của hàng trăm nhân khẩu mất đất canh tác.

 

Người dân cho biết, tàu hút cát không số hiệu, biển hiệu của các “đối tượng lạ” quần thảo ngày đêm trên sông, sục vòi hút vào sát bờ ngoạm trôi ngàn m2 đất canh tác.

Có mặt tài hiện trường, theo quan sát của phóng viên, khu vực đất canh tác của nông dân ngay sát bờ đê sông Luộc đang bị sạt lở nghiêm trọng, đã xuất hiện nhiều hố ngoạm có chiều cao trên 3m, chiều dài đoạn sạt lở gần 1km. Nguy cơ sạt lở thêm đang căng thẳng từng ngày. Các hộ dân ở đây đã nộp đơn kêu cứu nhiều cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn nào được đưa ra.

Nông dân  Nguyễn Văn Hường bức xúc: “ Nông dân có ruộng nơi đây đang hết sức lo lắng. Nếu cát tặc vẫn tiếp tục lộng hành, chẳng bao lâu chúng tôi sẽ trắng tay”.

Theo ông Hường, đất canh tác của người dân là đất 3 vụ/ năm, cuộc sống của gia đình ông cũng như hàng trăm hộ dân khác trong xã chủ yếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nơi đây.

Tại khu vực sạt lở, ông Hường chỉ tay sang bên kia bờ là đất thuộc tỉnh Hưng Yên, ông nói: “Bờ sông bên kia người ta đã kè đá nên  đất canh tác của người dân ven sông không bị làm sao. Lòng sông bên này bị khoét sâu đến hơn chục mét, mỗi khi thủy triều lên, tàu chạy khiến sóng đánh vào bờ, từng tảng đất lở ùm ùm xuống sông. Chúng tôi lo sợ nếu họ tiếp tục hút cát thì   đất canh tác của chúng tôi sẽ biến mất”.

Theo lời kể của các hộ dân, nạn khai thác cát đã diễn ra từ năm trước,  nhưng  vẫn manh mún, nhỏ lẻ, khoảng vài tháng trở lại đây thì có nhiều tàu thuyền cỡ lớn, chở máy móc ở đâu đến ngang nhiên khai thác cát trên sông Luộc đoạn thuộc địa phận xã Điệp Nông. Cát được tập kết lại sát bờ, rồi các xe chở thẳng đến bãi cát của bà Phương Anh.

Người dân địa phương cũng dẫn chúng tôi đến chứng kiến núi cát trên 30.000 m3 đổ ở một góc bãi bồi, vốn trước đây cũng là ruộng lúa. Để có được bãi tập kết cát, bà Phương Anh đã cho người liên hệ thoả thuận “mua lại” đất trồng hoa màu của dân với giá hơn 30 triệu đồng/sào để lấy làm bãi tập kết, thu mua cát làm nền đường Thái Hà nối Hà Nam với Thái Bình dài gần 30 km, chạy qua địa bàn huyện Hưng Hà mà Công ty Phương Anh là doanh nghiệp trúng thầu. Tuy nhiên, bãi tập kết cát này, theo điều tra của chúng tôi, cho đến nay chưa hề được cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Làm việc với phóng viên, ông Trần Duy Mạc - Chủ tịch UBND xã Điệp Nông thừa nhận nạn “cát tặc” xâm nhập vào xã Điệp Nông, ngang nhiên hút cát gây sạt lở đất cách tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất hoa màu của hàng chục nông dân trong xã. Theo lời ông Mạc, UBND xã đã yêu cầu lực lượng công an xã xử lý người và phương tiện vào hút cát, nhưng do không có phương tiện ra giữa sông để bắt giữ, nên đành chấp nhận… đứng nhìn.

Trước tiếng kêu cứu của nông dân bị ảnh hưởng, ông chủ tịch xã cho biết đã liên hệ với bà Phương Anh yêu cầu có phương án đền bù hỗ trợ cho người dân càng sớm càng tốt, nhưng bên công ty vẫn chưa có giải pháp gì.

Chủ tịch UBND xã Điệp Nông cho biết, chính quyền xã đã có tờ trình về việc “xin ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát bừa bãi trên dòng sông Luộc” gửi lên cấp trên, nêu rõ thực trạng, nhưng đến nay vẫn đang chờ “hồi âm”.

Việc công ty Phương Anh vô tư khai thác cát  trên địa bàn đang đặt ra một câu hỏi: liệu có hay không sự “chống lưng” để công ty này hoạt động ngang nhiên như vậy?

Trường Lưu

Đọc thêm