Nhiều tour nông thôn còn đơn điệu
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch gắn với địa bàn nông thôn và còn được gọi với các tên như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với địa bàn nông thôn, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc trưng văn hóa, truyền thống làng quê, gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con sinh sống ở nông thôn. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, số lượng du khách tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm 10% với doanh thu khoảng 30 tỷ USD.
Hiện nay, lượng khách hướng về du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Một không gian sống thực sự thoáng đạt, hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những mũi nhọn trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các địa phương.
Tại Tọa đàm “Phát huy giá trị tích hợp của du lịch nông thôn” vừa diễn ra vào tháng 6 năm nay, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho hay, trên cơ sở báo cáo của 63 Sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 488/1.731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó, có 382 điểm, tức là khoảng 80% nằm trên địa bàn nông thôn.
Việt Nam có các sản phẩm du lịch điển hình như: tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh); ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang); trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); canh nông ở Đà Lạt (Lâm Đồng); tham quan, khám phá đời sống người dân ở các trang trại sản xuất thanh long tại Bình Thuận; tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại nuôi dê, nuôi cừu ở Ninh Thuận; du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đờn ca tài tử ở Bạc Liêu; lễ hội trái cây, hoa cảnh miền Tây...
Việt Nam đã có 3 làng được công nhận là Làng Du lịch tốt nhất của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism): Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên, 2022), Làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình, 2023) và Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam, 2024).
Tuy nhiên, dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng trên thực tế, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa chú trọng về thương hiệu, bị trùng lặp giữa các địa phương. Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có đủ kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng hết lợi thế để thu hút cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch.
Vấn đề quy hoạch, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ, khó hình thành các điểm du lịch mang đặc trưng bản sắc văn hóa vùng, miền. Nhiều địa phương chưa gắn liền với chuyển đổi số, chưa hướng đến những cách làm đổi mới, sáng tạo.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, điểm yếu của du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam là tính bền vững chưa cao. Sự tham gia của người dân địa phương trong xây dựng sản phẩm còn manh mún. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn để triển khai du lịch nông nghiệp, nông thôn là thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng, đặc biệt là những vướng mắc về quy hoạch, việc sử dụng đất nông nghiệp cho du lịch.
50 quốc gia cùng phát triển du lịch nông nghiệp
Để việc phát triển du lịch nông thôn được quan tâm, thúc đẩy, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tại Chương trình phát triển du lịch nông thôn nêu trên đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là “mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”. Tuy nhiên, do pháp luật về du lịch hiện nay chưa có quy định về loại hình du lịch này cũng như chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, nhất là các tiêu chí về quy mô, diện tích, sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng để các tỉnh, thành phố tổ chức công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp, làng nghề.
Nghị quyết 82/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNN chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DL triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Hai Bộ cũng đã ký Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030.
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, từ ngày 9 - 11/12/2024, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism.
Sự kiện tiêu điểm là Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất diễn ra vào ngày 10/12, là hội nghị mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 50 quốc gia, đại diện cho các cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, Hội nghị sẽ thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, bảo đảm phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Hội nghị sẽ tập trung vào ba chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Trong dịp này, Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism sẽ được tổ chức vào ngày 09/12/2024, tập hợp các thành viên của Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism để xây dựng khung chiến lược của mạng lưới và định hướng phát triển trong tương lai.
Việc Bộ VH,TT&DL đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần đầu tiên của UN Tourism tại Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng du lịch toàn cầu, giới truyền thông trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội “vàng” để ngành Du lịch Việt Nam quảng bá hình ảnh, thương hiệu và đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh của du lịch nông thôn Việt Nam đến bạn bè quốc tế.