Các chương trình thi hát trên truyền hình tạo ra bong bóng đủ màu cho nền giải trí, chứ không thể tạo ra tài năng cho nền âm nhạc - nhạc sĩ Quốc Bảo khẳng định. Mùa thi hát với ba cuộc đua lớn gồm Sao Mai Điểm hẹn, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình và Việt Nam Idol vừa khép lại sau nhiều tuần sôi động trên sóng truyền hình, tạo dư luận trong xã hội. Có cuộc thi, như Việt Nam Idol, đã khiến hàng ngàn bạn trẻ kiên nhẫn xếp hàng dài trong niềm hi vọng trở thành người nổi tiếng. Nhưng liệu một cuộc thi hát có đủ biến một người vô danh trở thành ngôi sao tài năng của làng âm nhạc? Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Quốc Bảo, “ông bầu” mát tay tạo nên tên tuổi cho Trần Thu Hà, Mỹ Tâm, Mai Khôi, Lê Hiếu… Mê hát lắm không có nghĩa sẽ thành ca sĩ
|
Nhạc sĩ Quốc Bảo |
- Theo anh, tài năng âm nhạc phải hội đủ các yếu tố nào? - Thứ nhất phải có tài năng đích thực, khái niệm này được định nghĩa bởi khả năng thiên bẩm về ca hát, trình diễn, vẻ đẹp ngoại hình, khả năng thu hút đám đông. Đây là những tố chất trời cho. Kế đó, rất cần niềm đam mê ca hát và biểu diễn phải đạt đến mức độ nào đó hơn hẳn người khác. Ai cũng có thể nói tôi mê âm nhạc lắm, thích ca hát lắm, bao nhiêu triệu dân Việt Nam đều có thể nói thế. Tôi mê hát lắm không có nghĩa tôi sẽ thành ca sĩ. Niềm đam mê phải kinh khủng, đốt cháy họ, vượt qua mọi chướng ngại kiểu như sẵn sàng bỏ ra 10 năm rèn giũa không ngại. Điều thứ ba là bệ đỡ để đẩy một con người từ chỗ vô danh trở thành nổi tiếng gồm: khả năng tài chính, sự quảng giao trong xã hội, khôn ngoan và tính toán chính xác chiến lược cho một người. Không có một công thức chung nào. Bởi thế, có những người thành công khi làm ông bầu cho một trường hợp rồi mãi mãi thất bại ở những người đến sau.- Những cuộc thi hát đang ồn ào trên sóng truyền hình, đem đến niềm hy vọng trở thành ngôi sao cho hàng ngàn bạn trẻ. Theo anh, một cuộc thi hát có đủ "hô biến" ai đó trở thành ngôi sao âm nhạc? - Đừng trông mong gì vào các cuộc thi hát trên truyền hình. Đó là các show mua vui lấy format nước ngoài, lại phải biến đổi để hợp tai hợp mắt công chúng mình. Làm trò lố nhiều quá sẽ bị các vị trưởng thượng mắng, còn “hát mãi khúc quân hành” thì bọn trẻ không xem. Format gốc nhiều khi rất nhố nhăng, nhưng vui, sau khi bị Việt Nam hóa đương nhiên đàng hoàng hơn và cũng kém vui, hoặc là vui gượng. Các cuộc thi ấy để phục vụ giải trí và lấy tiền quảng cáo thì không sao, mặt tiêu cực là ở chỗ nó gây ảo vọng cho các bạn trẻ là mình thắng giải sẽ một bước thành sao. Các chương trình này tạo ra bong bóng đủ màu cho nền giải trí, chứ không thể nào tạo ra tài năng cho nền âm nhạc, mặc dù thi thoảng từ những cuộc thi này có những nhân tố vụt sáng. Những trường hợp có thực tài như ca sĩ Tùng Dương thì chẳng cần Sao Mai Điểm hẹn cũng vẫn có nhiều cơ hội khác để nổi bật. - Nhưng trên thế giới, những cuộc thi hát như American Idols hay Britain’s Got Talent vẫn đem đến cho nền âm nhạc đại chúng những ngôi sao nổi tiếng, như Susan Boyle chẳng hạn. Anh nghĩ thế nào về trường hợp này? - Thú thực tôi không thích bà Susan Boyle. Thứ nhất, vì bà không đẹp; thứ hai, hát thế thì chính thống không ra chính thống mà bình dân đại chúng cũng không. Nhưng công nghệ kiểu Anh – Mỹ có thể bơm thổi một chút kỳ dị thành hiện tượng to tát mà. Nhiều "ngôi sao" nhố nhăng cũng chẳng lạ
|
- Theo anh, những bạn trẻ có năng khiếu, đam mê và ngoại hình, muốn trở thành ngôi sao âm nhạc thì ngoài tham gia các cuộc thi hát, họ còn có thể làm gì khác? - Cho đến giờ, tôi biết là chưa một cơ quan chức năng hay công ty tư nhân nào làm việc này, dẫn tới sự thiếu hụt trầm trọng trong công tác phát hiện và đào tạo. Tôi có một công ty nhỏ, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện bày tỏ, cháu đam mê ca hát thế này thế kia, rất là tội. Mà làm sao tôi giúp được. Guồng vận hành hiện nay của showbiz Việt nếu có tạo ra những ngôi sao nhố nhăng thì cũng chẳng lạ. Thực ra cũng có công thức hết thôi. Khi phát hiện được nhân tố mới, người phát hiện đưa về hãng đĩa, một hoặc nhiều nhà sản xuất kiểm tra năng khiếu của họ, đề ra phương án phát triển cho họ. Hãng đĩa bỏ tiền cho nhân tố mới ấy vay, là chi phí để chi dùng cho đến khi ra được album đầu tay. Rồi tung người mới ấy vào thị trường, tổ chức show, tiếp thị, quảng bá. Khoản vay được trừ dần lúc nghệ sĩ đã kiếm được tiền qua bán đĩa và biểu diễn. Công nghệ tạo “sao” là như thế. - Trong bối cảnh việc chia sẻ file nhạc trái phép trên mạng internet ngày càng phổ biến, đĩa gốc bán nhiều lắm được chừng 2.000 CD, thì cách làm này có khả thi? - Theo tôi, ca sĩ hoặc nhà sản xuất nên tạo ra các kênh để bán CD trực tiếp, đến tận tay người nghe. Muốn vậy, phải tạo được một lượng người hâm mộ trung thành, sẵn sàng bỏ tiền ra mua CD và tham gia các sự kiện do nghệ sĩ tổ chức. Số lượng thật dù có ít nhưng vẫn quý hơn lượng người hâm mộ ảo.
Theo M.Chánh
VietNamNet
VietNamNet