NSND Hồng Khiêm, đào tuồng lận đận

Đã có lúc, cái đói, cái nghèo tưởng như khiến cô học trò phải bỏ học, nhưng niềm đam mê và tình yêu của những người thầy đã giúp Hồng Khiêm trở thành một "thương hiệu" của nghệ thuật Tuồng Việt Nam. 
Đã có lúc, cái đói, cái nghèo tưởng như khiến cô học trò phải bỏ học, nhưng niềm đam mê và tình yêu của những người thầy đã giúp Hồng Khiêm trở thành một "thương hiệu" của nghệ thuật Tuồng Việt Nam. 
Ba chìm bảy nổi với nghề
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát tuồng ở Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, từ nhỏ cô bé Trần Thị Khiêm đã có niềm đam mê lớn với những câu hát bội. Là chị cả của 5 người em, cha đi thoát ly, gia đình lại làm ruộng nên ngoài thời gian đi học, cô lại tất bật với việc phụ mẹ đồng áng. Rảnh chút thời gian nào lại í a tập hát. 
Đến năm 18-19 tuổi, có đoàn của nhà hát tuồng Trung  Ương về tuyển, cô Khiêm nhanh chóng đăng kí và lọt qua những vòng tuyển khắt khe của các nghệ sĩ. Nhận giấy báo trong tay, mừng đến nỗi không để ý tới lịch tuyển phúc khảo được ghi bên dưới, thế là cứ chờ mãi cho đến khi…. Phải vào danh sách dự bị vì đến chậm.  
NSDN Hồng Khiêm
Gia đình cũng thương con gái, tạo điều kiện hết sức để cô theo học nhưng kinh tế chỉ có hạn. Có bao nhiêu tem phiếu đi thoát ly của cha đều gửi hết cho cô. Khiêm phải ăn tiêu dè sẻn lắm mới đủ, nhiều khi phải bấm bụng đói lên sàn tập. Càng vất vả, cô lại càng cố gắng.
 Hết một năm học,  kinh tế gia đình khó khăn quá, Khiêm tưởng như phải bỏ học giữa chừng. Nhưng nhận thấy cô trò nhỏ thực sự có năng khiếu, các thầy cô đã giúp đỡ để Hồng Khiêm lại được tiếp tục với nghề.
Không chỉ dạy học, các thầy cô trong trường còn là những người rất thương yêu học sinh.  Biết cô trò Hồng Khiêm nhà nghèo, ăn không đủ no mà ngày nào cũng miệt mài luyện từ sáng đến tối, vợ chồng nghệ sĩ Bạch Trà, Quang Tốn đã tìm cách khéo léo cưu mang học trò. Hồng Khiêm được các thầy đặc biệt quý, những vai diễn lớn, các trình thức cơ bản tuồng đều được các thầy truyền dạy cho, từ vai Đào Tam Xuân, An Tư công chúa, Nguyệt Quế Anh, Mai Hương ( Triệu Đình Long cứu chúa),....
Ra trường, cô được phân công vào đoàn 1 của khóa, không chỉ diễn trên sân khấu nhà hát, các cô còn được đi lưu diễn ở khắp nơi. Trước những ánh mắt yêu thích của khán giả, không kể từ nông thôn đến thành phố đều khiến những nghệ sĩ trẻ cảm thấy quên hết mệt nhọc. 
Đóng đủ vai, từ chính tới phụ, từ đào thương tới đào chiến, Hồng Khiêm chẳng kén bao giờ.  Tình yêu sâu khấu, tình yêu nghề đã theo cô suốt ba mươi năm với nghiệp đào tuồng.
Hạnh phúc bình dị 
Suốt bao nhiêu năm gắn bó với nghề, cháy hết mình trên sân khấu nhưng hai vợ chồng nghệ sĩ nhân dân Hồng Khiêm- Hán Văn Thân và hai cậu con trai vẫn sống trong một căn nhà nhỏ trong khu tập thể nhà hát tuồng. 
Trong nhà, không có đồ đạc gì quý, chỉ có bức ảnh gia đình được phóng to treo trên tường khiến người ngoài đặc biệt chú ý. Trông cả bốn người đều ngời lên vẻ hạnh phúc. 
Là đàn anh, học trên một khóa, cũng đã có sự để ý tới “sư muội” ngay từ trong trường nhưng mãi đến 2 năm sau khi Hồng Khiêm tốt nghiệp thì tình yêu mới nảy nở giữa họ. Cùng được phân công vào đoàn 1 của nhà hát tuồng trung ương, nhiều lần được đóng cặp với nhau, từ những vai diễn vợ chồng cho tới cả những vai cha con, thêm sự đồng cảm của những người “nhà quê” thế là cả hai bén duyên nhau lúc nào không hay. 
Yêu nhưng phải đợi đến 4 năm sau thì mới cưới.  Cuộc sống nhiều khó khăn, hai vợ chồng được chia một nửa căn hộ trong khu tập thể cùng với một đôi vợ chồng khác, đi ra đi vào va chạm, nhiều lúc cũng vừa thẹn, vừa ngại. 
Đến khi lần lượt hai đứa con ra đời thì khó khăn cứ chồng lên. Đồng lương vợ chồng còi cọc không đủ mua sữa cho con lại phải xoay ra làm thêm. Bữa cơm vợ chồng có khi chỉ có nước mắm, chút cá thịt hiếm hoi để dành cho con. Thiếu thốn nhưng đầy niềm vui. Nhiều đêm, vợ chồng diễn trên sân khấu, hai con ngồi dưới xem, thuộc và hát theo từng lời thoại, thế là thành ra cả nhà đều hát. 
Những năm cuối 80 đầu 90 là thời kì hoàng kim của hát tuồng, cả nhà lúc nào cũng vui như hội. Về sau, khi cơ chế thị trường cùng với hàng loạt các trào lưu văn hóa khác ùa vào thì không chỉ tuồng, các bộ môn sân khấu cổ truyền cũng lâm vào khó khăn hơn. Hai vợ chồng nghệ sĩ Hồng Khiêm- Hán Văn Thân cũng phải nghĩ tới việc làm thêm bằng chính nghề của mình. Giúp các đoàn ở tỉnh dựng vở, hội diễn,... khi có đoàn làm phim nào mời là chú lại ba lô lên đường, cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. "Dù sao còn được tâm huyết với nghề đã là hạnh phúc của cả hai vợ chồng rồi." - NSND Hồng Khiêm tâm sự.
Đỗ Huệ

Đọc thêm