Nụ cười và nước mắt mùa xoay rừng Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những con chim rừng bắt đầu rời tổ đi kiếm ăn cũng là lúc người dân ở huyện K’Bang tíu tít rủ nhau vào rừng hái trái xoay. Và khi màn đêm buông xuống, có người trở về cùng nụ cười với bao xoay nặng trĩu, nhưng cũng có người mang những vết thương. Thậm chí, có người mãi mãi ở lại rừng sâu...

Nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên ngọn cây”

Mới hơn 5 giờ sáng, tiếng gọi nhau đi hái xoay đã râm ran khắp các thôn bản ở huyện K’Bang. Từng nhóm khoảng 10 người chia nhau thành từng tốp tiến vào rừng sâu. Dụng cụ mỗi người mang theo bên mình là đôi tất phủ kín chân, một dây thừng, 1 cái bao và con dao quắm dắt ở thắt lưng. Mỗi đoàn đi thường có 1 trưởng đoàn, người này ngoài khả năng trèo cây thì còn phải là người định được hướng trong rừng.

Người trưởng đoàn ngoài khả năng leo trèo còn phải biết định hướng và nhớ vị trí.

Người trưởng đoàn ngoài khả năng leo trèo còn phải biết định hướng và nhớ vị trí.

Chất đồ đạc lên chiếc xe máy cũ kỹ, anh Nguyễn Văn Nguyên, một người đàn ông có thâm niên nhiều năm, thậm chí anh có thể nhớ rõ từng vị trí của những bãi xoay rừng dẫn đoàn chúng tôi xuất phát. Đường Trường Sơn đông mây vẫn mù mù bởi cơn mưa rào đêm hôm trước. Những chiếc xe háo hức tiến về phía trước. Đến chân rừng, đoàn bỏ xe lại và đi bộ. Nhìn từ dưới lên, con đường ngoằn nghoèo như con rắn. Đoàn bắt đầu leo lên từng con dốc trơn trượt. Những con vắt đói ăn, thấy có tiếng động bắt đầu “vũ điệu” nhảy lên bám đầy quần các thành viên trong đoàn. Thế nhưng, theo kinh nghiệm của những người đi rừng thì không được dừng lại, bởi dừng lại sẽ khiến lũ vắt tập trung đông hơn.

Sau cả giờ đồng hồ lội bộ đoàn cũng tới được bãi xoay. Gọi là bãi nhưng mỗi cây cũng cách nhau vài chục mét. Xoay là cây thân gỗ có chiều cao lên tới vài chục mét. Đứng dưới tán một cây xoay lớn, anh Nguyên nheo mắt nhìn lên rồi thoăn thoắt buộc dây thừng vào người, đầu dây còn lại anh buộc vào gốc cây. Chỉ vài phút anh đã leo lên tới ngọn cây, lúc này ước chừng anh đang cách mặt đất chừng 20 mét.

Trên ngọn cây cao vút, chỉ có vài tia nắng yếu ớt hắt qua, xiên xuống mặt đất. Lâu lâu, vọng xuống tiếng dao chặt vào cành cây chắc nịch. Thi thoảng, những tiếng sột soạt vang lên từ những cành xoay trĩu quả bị vứt xuống đất, xé tan cái không gian u tịch của núi rừng. Chả mấy chốc, cây xoay đã bị chặt trụi, ánh sáng mặt trời rọi xuống chói mặt người. Xung quanh gốc cây, những cành xoay sai trĩu đã được những người đồng hành chất thành từng đống gọn gàng.

Những cành xoay trĩu quả được "tập kết" dưới gốc cây

Những cành xoay trĩu quả được "tập kết" dưới gốc cây

Sau khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ mải mê chặt xoay ở trên ngọn cây, anh Nguyên tụt xuống khi chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi. Chưa kịp nghỉ tay, anh Nguyên nói trong hơi thở hổn hển: “Lúc nãy ở trên đó thấy bên kia có một cây xoay sai trái lắm, sai hơn cây này nhiều, mình hái xong cây đó là đầy bao thôi”. Bỏ lại đoàn với đống xoay đã chặt, anh Nguyên chạy vụt đi rồi ẩn mình trong những tán lá cách mặt đất hàng chục mét.

Những nụ cười

Chị Đinh Thị U (làng buôn Lưới, xã Sơ Pai, huyện Kbang, Gia Lai) cho biết: "Đây là mùa xoay nhiều nhất trong gần chục năm qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch nên xoay không đi các thành phố lớn được. Những năm trước, giá xoay bán được đi các tỉnh nên giá dao động 100- 200.000/ kg. Năm nay vì ảnh hưởng của dịch nên giá xoay chỉ còn khoảng 40- 50.000/kg. Tuy nhiên, vì xoay được mùa nên mỗi ngày người dân vẫn kiếm được cả triệu đồng".

Cây xoay năm nay rất sai quả khiến cho ngày công của người dân được tăng cao

Cây xoay năm nay rất sai quả khiến cho ngày công của người dân được tăng cao

Anh Soih (làng Che Ré, thị trấn Kbang) tâm sự, ngay từ sáng sớm, vợ chồng anh đã theo chân người dân trong làng vào rừng để hái xoay. Gần một tháng nay, đây là ngày 2 vợ chồng anh trúng quả đậm khi thu về mỗi ngày gần 100 kg quả. Với giá bán 18.000 đồng/kg, anh thu được hơn 1,7 triệu đồng. Ngày thấp nhất anh cũng thu khoảng từ 900 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng.

Vì mùa xoay thường kéo dài chỉ khoảng 2 tháng trong năm (từ khoảng tháng 8 tới tháng 10) nên vào những ngày nay người dân gác lại mọi công việc để rủ nhau vào rừng hái xoay.

Những giọt nước mắt và cả nỗi đau

Khi chiều đến, từng tốp từng tốp với những bao xoay đầy ắp trở về nhà. Để đổi lấy những bao xoay nặng trĩu, không ít người phải mang những vết thương. Người nhẹ thì với vết thương in dấu trên da thịt, có người phải làm bạn với xe lăn, mãi mãi rời xa những cánh rừng. Nhưng cũng có những người chẳng bao giờ có thể trở về...

Một người thợ rừng từng chứng kiến một bạn rừng “ra đi” kể: “Sinh nghề tử nghiệp cả mà. Mùa xoay mấy năm trước, trong nhóm tôi có một cu cậu leo trèo giỏi lắm. Lần đó cả nhóm đi đúng ngày mưa, thân cây trơn tuột, chúng tôi bảo nhau quay về nhưng hắn không chịu. Hắn nói rằng con đang ốm ở nhà, đi nốt chuyến này kiếm tiền đưa con lên viện. Thế là cả nhóm để hắn trèo lên. Chừng đâu nửa tiếng thì nghe tiếng động rất lớn, mọi người chạy lại thì thấy hắn đang quằn quại dưới đất. Anh em chúng tôi cố đưa hắn lên viện nhưng không kịp. Đêm đấy đưa hắn về được tới nhà, vợ hắn chỉ kịp rú lên rồi ngất lịm. Anh em mỗi người hùn lại một ít tiền lo ma chay cho hắn xong xuôi đâu đấy rồi lại lên rừng”.

Anh Y Phúc nói trong đau đáu: “Nghề này bạc như vôi, tiền thì kiếm được cũng chỉ hườm hườm, còn mạng sống thì luôn treo lơ lửng trên ngọn xoay. Ở đất Kbang này, năm nào chẳng có người ngã vì hái xoay. Khi leo trèo không cẩn thận, chỉ cần tuột tay cái là cũng mất luôn tính mạng”.

Ông Nguyễn Văn Hợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai cho biết: "Xoay là loại cây rừng, có thân gỗ lớn và có giá trị về kinh tế cao. Khoảng tháng 7 - 8, người dân thường đi vào rừng hái xoay. Nhằm tránh việc người dân chặt cây để hái quả nên công ty đã tuyên truyền bà con chỉ được chặt cành nhỏ, cấm chặt cả cây. Để bà con thu xoay có hiệu quả, công ty đã cấm hái trái xanh, phải đợi lúc trái đã chín mới thả cửa rừng để tạo điều kiện cho bà con hái".

Đọc thêm