Nữ du học sinh VN làm khuynh đảo thánh đường âm nhạc châu Âu

Có một nữ du học sinh VN đang làm khuynh đảo những thánh đường âm nhạc ở châu Âu. Đó là Trịnh Mai Trang - nữ sinh VN đầu tiên theo học hệ đại học piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh.
Có một nữ du học sinh VN đang làm khuynh đảo những thánh đường âm nhạc ở châu Âu. Đó là Trịnh Mai Trang - nữ sinh VN đầu tiên theo học hệ đại học piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh.

Ngày 19/11 vừa qua, lần đầu tiên, một tác phẩm âm nhạc của Việt Nam được biểu diễn tại Áo, nơi có những thính giả có trình độ thưởng thức nhạc kinh điển "khó tính" bậc nhất thế giới. Và nghệ sĩ thể hiện tác phẩm Trống cơm (trong tổ khúc Chùm hoa Việt Nam) là một cô gái Việt Nam vừa tốt nghiệp xuất sắc Thạc sỹ Âm nhạc chuyên ngành biểu diễn Piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM).

Đối với Trịnh Mai Trang, sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học hệ đại học piano tại RAM, hành trình đến với học viện âm nhạc danh tiếng nhất Anh quốc này của cô là một câu chuyện thú vị. Năm 2003, khi đang theo học dự bị tại Trường Westminster, Trang đã thi và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia (RMC). Tuy nhiên, trường này lại yêu cầu Trang phải học nốt 2 năm dự bị để có các chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn RCM đề ra.

Tình cờ nghe câu chuyện đó, ông Christopher Elton, một giáo sư âm nhạc rất nổi tiếng đang giảng dạy tại RAM, đã yêu cầu Trang đánh đàn cho nghe và có một quyết định bất ngờ: Yêu cầu RAM tổ chức một cuộc thi riêng cho Trang dù các kỳ thi tuyển đã qua từ lâu. Kết quả là cả hội đồng giám khảo đều nhất trí nhận Trang vào học.
"Âm nhạc chính là mình. Hãy đàn với lòng khát khao thể hiện bản thân, với niềm tự hào dân tộc".
Không phụ công vị giáo sư đáng kính, Trang đã có một bản thành tích học tập sáng chói. Trang thường được chọn chơi bài mẫu trong các giờ giảng dạy của các nghệ sĩ tên tuổi như Alexander Satz, Leslie Howard. Đặc biệt, năm 2006, cô gái nhỏ nhắn đã vượt qua hàng trăm ứng cử viên xuất sắc đến từ các quốc gia để giành giải nhất cuộc thi chọn người độc tấu cho tuyệt tác Điệu nhảy Thần chết (Totentanz) của Franz Liszt và biểu diễn với ông Edward Gardner, nhạc trưởng của Nhà hát Kịch Quốc gia Anh. Luyện tập 12 tiếng mỗi ngày là một thách thức không nhỏ đối với bất kỳ ai theo đuổi con đường nghệ thuật. Không chỉ có thế. Trang cho biết, để thể hiện tốt một tác phẩm của Beethoven, thầy giáo thường yêu cầu phải tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, tâm lý, thời đại của tác giả, tác phẩm. Cho nên, người học phải đọc Kinh thánh hay các quyển sách cổ còn sót lại. Một bí quyết để ngón đàn ngày càng điêu luyện của Mai Trang là… dạy đàn cho các em nhỏ. Việc dạy đàn piano khá khác biệt so với việc dạy các môn học khác, chủ yếu một thầy một trò. Phần lớn học sinh của Trang là các cô cậu bé nước ngoài. Đơn giản vì đối với học sinh nước ngoài, việc theo học một môn nghệ thuật bên cạnh việc học văn hóa là rất phổ biến, thậm chí sẽ thật lạ lùng nếu như con cái của họ không tham gia hoạt động nghệ thuật hay thể thao nào đó. Và kết quả của những năm tháng thực sự lao tâm khổ tứ ở RAM - bài nghiên cứu và buổi biểu diễn tốt nghiệp về những hình ảnh của Beethoven trong cuộc sống của Chopin, Lizst, Brahms, Schumann của cô được nhà trường đánh giá rất cao, ấn tượng và giàu sự sáng tạo. Trang luôn ghi nhớ trong lòng lời dạy của giáo sư Christopher Elton: "Âm nhạc chính là mình. Hãy đàn với lòng khát khao thể hiện bản thân, với niềm tự hào dân tộc". Nói về dự định của mình trong tương lai, cô gái 24 tuổi "sẽ trở về quê hương và hy vọng góp phần xây dựng được một học viện âm nhạc với điều kiện học tập tốt như ở nước ngoài, để các bạn đi sau được học tập trong môi trường tốt hơn".
Theo Dân trí

Đọc thêm