Nữ giúp việc chuốc thuốc mê gia chủ để cướp tài sản tại Hà Nội: Thêm nạn nhân tố cáo nghi phạm “lừa đảo”

(PLVN) -Sau khi vụ việc nữ giúp việc cho gia chủ uống thuốc ngủ để cướp tài sản được báo chí thông tin, chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã liên hệ đến Báo PLVN, cho rằng bản thân cũng là nạn nhân của nghi phạm.
Trần Thị Thắng lấy tên Nguyễn Thùy Nhung, là tên trong chứng minh nhân dân mua từ hiệu cầm đồ.

Gây án sau 2 ngày giúp việc

Trước đó, Công an quận Nam Liêm (TP Hà Nội) đã thi hành lệnh tạm giữ hình sự với Trần Thị Thắng (SN 1989, ngụ xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) để điều tra hành vi cướp tài sản.

Theo điều tra ban đầu, ngày 14/2/2023, một phụ nữ (tạm trú phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) thuê người phụ nữ tự xưng tên Nhung làm giúp việc cho mình.

Sau hai ngày (16/2/2023), chủ nhà mua cam về, được người giúp việc pha hai ly nước cam cho chủ nhà và bạn trai uống. Uống nước cam xong, gia chủ và bạn trai đều chìm sâu vào giấc ngủ, chiều cùng ngày được hàng xóm gọi nhiều lần mới tỉnh dậy.

Chủ nhà không thấy người giúp việc đâu, điện thoại di động Iphone XR và balô có để tiền bên trong đã bị mất. Tiếp nhận vụ việc, công an xác định trong cốc nước cam có thuốc ngủ.

Điều tra, công an xác định nữ nghi phạm là Trần Thị Thắng. Ngay trong tối 16/2, công an đã truy vết và bắt giữ được nghi phạm khi đang lẩn trốn tại thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận đã bỏ thuốc ngủ vào cốc nước cam. Khi hai nạn nhân ngủ mê man, Thắng lấy balo màu nâu xám có 335 nghìn đồng, một số đồ dùng cá nhân và điện thoại iPhone XR màu đỏ rồi bắt xe khách bỏ trốn.

Nghi phạm từng hai lần bị kết án

Sau khi sự việc được đăng tải trên báo chí, ngày 22/2/2023, Báo PLVN nhận được đơn của chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) phản ánh việc bị người tự xưng tên Nguyễn Thùy Nhung (SN 12/4/1989) lừa đảo, chiếm đoạt 80 triệu đồng vào năm 2022. Chị Hiền cho rằng Nhung chính là Trần Thị Thắng trong vụ án trên.

Trao đổi với PV, chị Hiền cho rằng, tháng 5/2022, chị quen nghi phạm tại nơi làm việc trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ” để phòng chống dịch COVID-19.

Khi đó, nghi phạm giới thiệu tên là Nhung, nhà ở Hà Nội, gia đình giàu có, đang làm nghề môi giới bất động sản. Sau khoảng 1 tháng (6/2022) từ khi quen biết, Nhung hỏi mượn tiền chị Hiền để lo công việc.

“Do tin tưởng, tôi đã đi vay người quen và đưa tiền cho nghi phạm (3 lần chuyển khoản, 2 lần đưa tiền mặt) tổng số 80 triệu đồng. Sau khi cầm tiền của tôi, đối tượng bỏ trốn và cắt đứt mọi liên lạc”, chị Hiền nói.

Cũng theo chị Hiền, tại Bình Dương, còn một số người cũng bị nghi phạm vay tiền, mượn tài sản rồi bỏ trốn. Các nạn nhân đã trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ, xử lý.

“Mới đây, qua báo chí, tôi thấy bài viết về Trần Thị Thắng bỏ thuốc ngủ vào nước cam cho chủ nhà uống để cướp tài sản. Xem hình ảnh, tôi cho rằng Trần Thị Thắng chính là đối tượng đã lừa tiền tôi. Vì vậy, tôi liên hệ Báo Pháp luật Việt Nam để thông tin, phản ánh về sự việc của tôi và các nạn nhân tại Bình Dương. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng sau khi nắm biết sự việc sớm điều tra, làm rõ, xử lý đối tượng theo đúng quy định”, chị Hiền nói.

Theo Công an quận Nam Từ Liêm, trước khi gây ra vụ cướp, Thắng có 2 tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cướp tài sản.

Lần phạm tội đầu tiên, Thắng quen một đầu bếp ở quán cơm tại quận Long Biên, chiếm đoạt của người này chiếc xe máy rồi bị TAND quận Long Biên tuyên phạt 12 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến năm 2016, bằng thủ đoạn bỏ thuốc ngủ vào cốc nước, Thắng đã chiếm đoạt điện thoại di động, xe máy và tiền mặt của một người đàn ông quê Tuyên Quang rồi mang đi bán lấy 10 triệu đồng. Nghi phạm sau đó bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ tại địa phận tỉnh Ninh Bình khi đang trên đường bỏ trốn vào Đắk Lắk bằng xe khách vào ngày 22/2/2016.

Sau khi thi hành án xong, dưới cái tên Nguyễn Thùy Nhung và một giấy CMND mua được từ hiệu cầm đồ, Thắng xin đi làm giúp việc rồi gây ra vụ cướp nêu trên.

LS Nguyễn Quang Huy (Đoàn LS Hà Nội), nhận định, hành vi sử dụng tên giả, dùng thuốc ngủ để chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 174 BLHS.

Thủ đoạn dùng thuốc ngủ để thực hiện hành có thể xác định là “thủ đoạn xảo quyệt”, nên khung hình phạt nghi phạm sẽ phải đối diện từ 2 - 7 năm theo khoản 2 Điều 174 BLHS.

Đọc thêm