Nếu sống trong phê phán, trẻ thành thạo kết án; Sống trong nghịch thù, trẻ sẽ thích gây gổ nhau; Sống trong tủi nhục, trẻ hổ thẹn cúi đầu; Sống trong khoan dung, trẻ sẽ biết độ lượng; Sống trong khích lệ, trẻ sẽ đầy tự tin; Nếu sống trong ngợi khen, trẻ tập rèn thưởng thức.(*)
Tranh minh họa. |
Ngày……….. Tháng……….. Năm…………
Anh em con đang chơi ngoài sân vui vẻ, thoáng nghe có tiếng cãi vã trong nhà của ba mẹ. Bữa cơm trưa dọn ra mà không ai ngồi vào bàn. Mẹ rón rén bước tới bàn ăn, chỉ chờ có thế anh em con cũng ùa đến. Ba vẻ mặt bực dọc. Anh em con lại không biết chuyện gì xảy ra nữa, chỉ biết những lúc ba mẹ cãi nhau chúng con rất sợ, mặt đứa nào cũng tái mét, rụt rè không dám cười nói. Ba mẹ có nhận ra điều đó không?. Con bới cơm cho gia đình rồi sao không ai ăn cả…
Cả nhà im lặng nhưng một sự im lặng đáng sợ, đầu óc con nghĩ ngợi muốn nổ tung trong sợ hãi, hoảng loạn. Ba giận quá đá văng cả nồi cơm. Con muốn chạy lại lượm từng miếng cơm lên nhưng nó đã bết đất cả rồi. Ba ơi, nhà mình chưa ai ăn cơm mà…Mỗi lúc ba mẹ lớn tiếng, ba đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ không nhìn chúng con nữa mà đi thẳng. Anh em con co ro trong góc nhà và oà khóc. Ba mẹ đã không nhận thấy sự hiện diện của tụi con rồi, không ai hỏi han gì hết. Sao ba mẹ lại đối xử với nhau như vậy?!.
Mẹ đi rồi, ba bảo coi như mẹ đã mất, chúng con nấc lên từng hồi, miệng cứ lẩm bẩm “mẹ về đi, mẹ ơi!”. Tối mẹ về, chúng con mừng khôn xiết, cứ quấn lấy mẹ mà khóc, năn nỉ mẹ đừng đi. Con sợ mỗi khi ba mẹ cãi vã nhau lắm, những lúc ấy bữa cơm gia đình mình trở thành gánh nặng đối với chúng con. Con chỉ ước ao sao nhà mình sẽ cùng nhau ăn chung trong niềm vui vẻ, tụi con được ba mẹ quan tâm, chăm sóc đến.
Ngày……….. Tháng……….. Năm…………
Sáng nay, mẹ dậy thật sớm đốt hết sách vở, hình ảnh, kỷ niệm tình yêu một thời con gái của mẹ và ba. Mẹ khơi lên từng đụn tro, ngọn lửa bừng lên nhanh chóng thiêu rụi tất cả, con thấy mắt mẹ đỏ hoe, mẹ dặn dò chúng con ráng mà học, mẹ về ngoại mấy hôm rồi về với tụi con. Mẹ tranh thủ nấu cho tụi con bữa cơm trưa, nồi canh nghi ngút khói mới bưng ra, ba mang tạt hết rồi ba tự nấu nồi canh khác. Tại sao lại như vậy hả ba mẹ?.
Giờ canh đã nấu nhưng anh em con không đứa nào dám ăn hết. Ba ra một góc mẹ ra một góc ngồi tư lự. Nếu nhà mình như vậy, thà đừng nấu ăn nữa làm gì, con thấy ba mẹ cũng không ai ăn cơm hết, chúng con lại càng sợ và buồn…Chiều mẹ lén tụi con đi về ngoại, sao nhà mình không sum họp để tụi con có niềm vui hả mẹ. Con nhớ mẹ quá, mẹ ơi!
Ngày……….. Tháng……….. Năm…………
Chúng con đi học, mẹ đến cổng trường đón con và anh hai, mẹ bảo đưa hai anh em về ngoại chơi rồi kéo đi thật nhanh, mẹ dặn nếu thấy ba hai đứa phải trốn đi kẻo ba sẽ bắt về. Mẹ gạt chúng con sao mẹ ơi, mẹ không muốn con thấy ba. Ở ngoại vui lắm nhưng con không muốn chơi và trò chuyện cùng ai hết, con buồn lắm, con nhớ ba. Con thầm mong ba sẽ ra đây, sẽ đưa mẹ và chúng con về, gia đình mình sẽ được sống cùng nhau. Anh em con cần có ba và mẹ chăm sóc mà.
Ngày……….. Tháng……….. Năm…………
Đêm nay Noel, mẹ về nấu nồi chè thật to và thật nhiều đồ ăn, anh em con rất mừng cứ nôn nao chờ ba về cả nhà cùng ăn. Ba đi nhậu cùng bạn bè về, mẹ dọn ra nhưng mắt ba hằn lên những tia lửa giận, chẳng ai dám nói một lời. Bỗng ba hất văng tất cả làm nước bắn tung tóe, chiến tranh lại xảy ra nữa rồi. Ba tát mẹ mấy cái, anh em con chạy đến ôm mẹ đứng khóc thật to. Ba tát luôn chúng con mỗi đứa một cái đau lắm ba ơi. Ba đóng sầm cửa bỏ đi…
Mẹ đi trốn ba nhưng không dắt chúng con theo, ba về thấy tụi con ôm nhau khóc, ba đuổi luôn hai anh em đi. Ba mẹ có biết tụi con sợ như thế nào không, nhưng vẫn lầm lũi bước trong bóng đêm, vừa đi vừa khóc nức nở, con bấu chặt vào anh hai như điểm tựa cuối cùng trong sợi dây tình cảm. Đêm lạnh và hoang vu quá, tụi con lang thang khắp các nẻo đường làng tìm mẹ mà không dám đi về nhà.
Khi nhà nhà đã đi ngủ, anh em con mới dám rón rén bước về phía ngôi nhà của mình nhưng cửa thì đóng, điện cũng tắt, con hiểu đêm nay chúng con không thể vào nhà. Con hình dung đủ thứ chuyện trên đời, con sợ lắm, sợ bóng đêm, giờ đây con thấy đời mình cũng một màu đen bao phủ. Sao ba mẹ lại để mặc tụi con trong đêm ghê sợ như thế này, sao không đi tìm và cho chúng con về nhà nữa, tủi thân quá ba mẹ ơi!.
Ngày……….. Tháng……….. Năm…………
Hôm nay đầu óc non nớt của tụi con cứ thu nạp những từ ngữ khó hiểu của người lớn nào là: li dị, chia con, chia tài sản…Con không thể hiểu chỉ thấy ba trầm ngâm, mẹ cũng khóc và tụi con thì được hỏi sẽ ở với ai? Tại sao lại phải chọn sống cùng ai khi chúng con có cả ba mẹ cơ mà. Con không muốn thế đâu, con không muốn! Con thấy gia đình các bạn vui lắm, ba mẹ thương các bạn lắm, sao nhà mình buồn quá vậy. Con ước được như các bạn, có ba mẹ thương yêu.
Có lẽ ba mẹ hết thương chúng con rồi! Sao lúc nào ba mẹ cũng cãi nhau, đánh nhau, cũng để chúng con khóc khan cả tiếng mà không ai thấy, giờ lại muốn tách rời chúng con, muốn chúng con phải xa ba hoặc mẹ. Con sợ lắm ba mẹ ơi! Tim con hằn lên những vết nứt, ba mẹ không cho chúng con những ngày tươi sáng sao? Đêm qua con nằm mơ thấy gia đình mình quây quần bên mâm cơm đầm ấm, yêu thương. Ba mẹ ơi con ước…
(Trích từ nhật kí của bé Lê Thu Na, trường tiểu học Lý Thường Kiệt, TPHCM)
Những đứa con phải chứng kiến cảnh ba mẹ chúng đánh đập, cãi vã nhau thật bất hạnh. Người ta nói khi con người hạnh phúc mới tạo được hạnh phúc cho người khác. Nền tảng của gia đình là sự hòa hợp của hai nhân cách. Gia đình vững chắc khi mỗi người tự biết rõ chính mình, sống cởi mở, nhạy bén với nhu cầu tình cảm của người kia, thành thật, thẳng thắn với nhau. Phải tổ chức cuộc sống gia đình cách nào để trẻ hưởng được bầu không khí đầm ấm. Cha mẹ phải rất yêu thương nhau mới tạo được cho con mình những giây phút này.
“Lời nói hương bay, gương bày lôi kéo”. Môi trường gia đình như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, các em bắt chước hành vi và lối sống của người lớn, đặc biệt là cha mẹ chúng. Một môi trường không lành mạnh trẻ sẽ không học được nhân cách để sau này hòa nhập vào cộng đồng, không biết yêu thương đúng mức, đúng chỗ, không thể đạt đến sự cân bằng giữa lí trí và tình cảm. Mối quan hệ của cha mẹ không lành mạnh sau này khi trẻ lập gia đình do tình cảm bị sứt mẻ, họ cũng khó xây dựng một gia đình riêng hạnh phúc.
Đặc biệt bữa cơm gia đình là khoảng thời gian mà các thành viên quây quần lại bên nhau, chia sẻ với nhau mọi vui buồn, là lúc để cha mẹ thể hiện sự quan tâm của mình cho con cái. Có thể coi đây là cao điểm để nạp năng lượng tình cảm, những giây phút như thế này góp phần tạo nên nhân cách lành mạnh cho trẻ. Xã hội hiện đại lắm khi giành của trẻ nhiều giây phút gia đình thiêng liêng. Xin hãy cho con trẻ một mái ấm thật sự hạnh phúc để chúng tự tin bước vào đời.
NGUYỄN QUÂN
(*)(Trích từ FILIUM- Arghentina)