Nước mắt người làm cha mẹ có con mắc bệnh tự kỷ

Có những đứa trẻ trầm lặng, ngồi co ro trong góc nhà suốt buổi không nói một lời. Có em la hét, đập phá, cào cắn nát tay giáo viên. Hình ảnh đó diễn ra hằng ngày ở trường dạy trẻ tự kỷ.
Có những đứa trẻ trầm lặng, ngồi co ro trong góc nhà suốt buổi không nói một lời. Có em la hét, đập phá, cào cắn nát tay giáo viên. Hình ảnh đó diễn ra hằng ngày ở trường dạy trẻ tự kỷ. Dõi theo bước chân con vào lớp học dành cho trẻ tự kỷ, nhiều cha mẹ đã rơi nước mắt.

Bỗng dưng...

Gần 10 năm sau ngày cưới, vợ chồng bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm vẫn chưa có con. Phải nhờ đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, họ mới có cặp song sinh là hai cháu trai kháu khỉnh. Nhưng đến khi con lên 2 tuổi, bác sĩ Mẫm phát hiện cả hai đứa bỗng dưng khác thường: không nói được, thích chơi một mình, không nhận biết người thân ngay cả cha mẹ. Qua chuyên gia y tế, họ mới biết chúng bị hội chứng tự kỷ.

Nhìn con trai cả ngồi thất thần, ánh mắt xa xăm, không đoái hoài đến người xung quanh, vợ chồng ông Mẫm ứa nước mắt. Họ không nghĩ đứa con hiếu động và dễ thương của mình giờ ẩn mình như thế. Đứa em song sinh đến 10 tuổi cũng không nói được một lời nhưng lại nhảy nhót, quậy phá không ngơi nghỉ.

Anh T. vui mừng thấy con đã biết nô đùa vui vẻ. (Ảnh: L.N - Q.P)

Xót lòng vì hai con ông Mẫm lặn lội đi tìm hiểu nhiều trường dạy trẻ tự kỷ mong con sớm thoát khỏi hội chứng này. Ông tham gia nhiều lớp học ở BV Nhi đồng 1 và hội thảo về tự kỷ để tìm cách dạy con. Sau nhiều năm dạy dỗ con không biết mệt mỏi, ông đã giúp đứa con trai đầu dần trở lại bình thường và đi học trở lại.

Còn đứa thứ hai tên T.M, đã 10 tuổi nhưng vẫn cứ la hét chứ không nói. Là học sinh lớn tuổi nhất trong lớp học dành cho trẻ tự kỷ nhưng T.M như một đứa trẻ mới lên hai. Đang ngồi chơi đột nhiên T.M đứng dậy chạy loanh quanh rồi nằm dài trong lớp học. Cô Lan, người chăm sóc T.M hơn một năm nay, nói: “Mấy bữa nay cháu đã biết đi nhà vệ sinh. Chứ cách đây một năm ngồi đâu đi đấy, không vừa ý là gào thét, cấu xé mọi người”.

Chở đứa con trai độc nhất Q.A, 3 tuổi, đến trường Khai Trí, anh T. lặng người khi bé không chịu nói một lời. Gặp các cô giáo nhưng cháu cứ chui đầu vào áo bố. “Cháu A. bị đẻ non và được chăm sóc ở bệnh viện. Sau một thời gian khám tai thì mới phát hiện cháu không nghe được. Đến nay đã 3 tuổi nhưng cháu cũng không chịu nói, chỉ ú ớ thôi và rất sợ người lạ” - anh T. tâm sự.

Trói con để cứu con

Trải qua 6 trường mầm mon dành cho trẻ tự kỷ nhưng đứa con trai 4 tuổi của anh Hoàng ở Gò Vấp vẫn thất thần không nói năng. Phát hiện con mắc chứng tự kỷ từ lúc hơn 1 tuổi, anh Hoàng đưa con đi các trường để chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà ngày càng tăng lên. “Cháu la hét ngày càng nhiều, vớ cái gì là đập rồi cứ lẩm bẩm một mình” - anh Hoàng buồn bã kể. Vợ anh lau nước mắt khi nhìn con ngồi bất động. “Lúc một tuổi cháu cứ gọi “ba”, “mẹ” suốt ngày. Nhưng từ khi mắc bệnh, cháu không mở miệng nói được một lời”.

"Chúng tôi phải từ bỏ rất nhiều thứ trong cuộc sống riêng, cả thời gian, sự nghiệp... để cứu con. Mỗi tiến bộ nhỏ của con, một từ mới, một kỹ năng giản đơn như đạp xe 3 bánh, thổi bong bóng phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt." -Tâm sự của một phụ huynh có con tự kỷ.

Đau lòng hơn là bố mẹ của cháu G.B. Vì con bị hội chứng tự kỷ tăng động nên bố mẹ buộc lòng phải trói tay con mỗi khi bận việc. “Mỗi lần nhìn đôi tay con in hằn vết dây trói, vợ chồng tôi lại chảy nước mắt. Cháu như người vô hồn, chạy đi bất cứ đâu mà cháu muốn mà chẳng biết xung quanh có gì”- bố G.B nghẹn ngào.

Quê ở Tiền Giang, lên Sài Gòn mưu sinh, vợ chồng anh H. mang theo đứa con mang chứng tự kỷ tăng động nên lúc nào cũng canh chừng thằng bé như hình với bóng. Thuê được một quán nhỏ làm nghề vá xe, lúc anh H. đi làm thì vợ ở nhà trông con, tối đến vợ đi bán trứng vịt lộn thì chồng trông con. Thấy con lúc nào cũng khó chịu, có lúc tự cào cắn vào mình, thấy gì trước mặt là đập phá rồi chạy băng qua đường, anh H. đành phải trói con lại.

10 tuổi nhưng T.M vẫn chỉ như đứa trẻ lên 2

Vượt qua cú sốc

Khi phát hiện con trai mắc chứng tự kỷ, tôi gần như mất hết nghị lực sống” - anh Đỗ Q.T kể về đứa con 3 tuổi. Nhưng rồi anh vượt qua cú sốc để tìm hiểu thông tin về hội chứng này. Sau một thời gian lặn lội tìm trường gửi con, anh trở thành thầy giáo của con. 3 năm sau nỗ lực và tình thương của người bố, giờ đây con trai anh T. đã hòa nhập với cuộc sống, trở lại trường học dành cho những đứa trẻ bình thường.

Chị Kim Tâm kể: “Tôi đã đau đớn, không thể tin nổi đứa con yêu quý của mình mắc chứng tự kỷ!”. Nhưng chị không đầu hàng số phận. Chị cùng những người bạn trong nhóm có con tự kỷ cùng nhau vượt qua cơn sốc, để cật lực giành lại hy vọng nhỏ bé cho con. Họ viết thư, gọi điện, gặp các nhà chuyên môn, tự mày mò trong cả rừng tài liệu, giằng co giữa những quan điểm và phương pháp chữa tự kỷ khác nhau...

Có lúc lóe lên hy vọng, lúc lại hoang mang, nhưng họ biết mình không thể bỏ cuộc. Để cứu con, những phụ huynh như chị Tâm đúc kết kinh nghiệm từ mỗi người và chẳng biết từ khi nào, đã trở thành chuyên gia, bác sĩ bất đắc dĩ về tự kỷ. (Còn nữa)

Theo
Lê Nguyễn - Quang Phương
Tiền Phong

Đọc thêm