Nước mắt người vợ liệt sỹ

Chiều muộn ngày 28/7, TAND huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã tuyên án vụ “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” nhưng hàng trăm người dân thôn Đồng Bằng (xã An Lễ) vẫn cố nán lại sân tòa để bày tỏ lòng thương cảm, bênh vực bị cáo và sự bất bình đối với bị hại. Họ không đồng tình với bản án của Tòa.

Chiều muộn ngày 28/7, TAND huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã tuyên án vụ “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” nhưng hàng trăm người dân thôn Đồng Bằng (xã An Lễ) vẫn cố nán lại sân tòa để bày tỏ lòng thương cảm, bênh vực bị cáo và sự bất bình đối với bị hại. Họ không đồng tình với bản án của Tòa.

Lai lịch món tiền nợ

Vụ án xuất phát việc đòi nợ 90 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Thu (65 tuổi, vợ liệt sỹ). Bà Thu là mẹ các bị cáo Bùi Trung Oanh và Nguyễn Thị Luých. Bà cho biết, đây là số tiền tuất, tiền trợ cấp gia đình liệt sỹ đã được bà dành dụm hơn 40 năm qua.

Nhìn bà cụ tóc bạc trắng, gương mặt đẹp quý phái, hiền hậu ít ai nghĩ rằng cuộc đời bà lại toàn gặp những đắng cay, sóng gió. Ngày gạt nước mắt tiễn chồng lên đường nhập ngũ, bà mới hai mươi mốt tuổi, đang mang thai anh Oanh. Năm sau, bà nhận được giấy báo tử của chồng. Trong tột cùng nỗi đau, bà Thu vẫn ấp ủ niềm hy vọng có sự nhầm lẫn nào đó. Rồi nước mắt đã hóa thành niềm tin sắt đá rằng liệt sỹ Bùi Trung Năm (chồng bà) còn sống, sẽ trở về, đơn giản vì một thanh niên dũng cảm, đẹp đẽ nhường ấy thì không thể chết!

Một mình gánh vác gia đình, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng, bữa đói bữa no nhưng tuyệt nhiên bà Thu không đụng đến số tiền tuất của chồng vì bà hy vọng người chồng sẽ trở về, sẽ đem trả lại số tiền đó cho Nhà nước hoặc ngược lại sẽ dùng để đi tìm mộ chồng. Số tiền tích cóp ngày càng nhiều, con trai bà cũng dần khôn lớn. Bất cứ khi nào có tin báo thì sẵn có tiền đó mà đi. Bước chân bà đã có ở khắp chiến trường Tây Ninh, miền Đông tìm chồng nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. Cảm kích trước cảnh ngộ của bà, nhà ngoại cảm nổi tiếng trong việc tìm mộ liệt sỹ Phan Thị Bích Hằng đã tìm đến tận nhà, nhận lời tìm giúp.

Đến đầu năm 2007, khi số tiền vừa chẵn 100 triệu đồng thì bà Thu để vợ chồng con trai đứng tên số tiền này và cho vợ chồng Đinh Gia Thự - Bùi Bảo Trúc (con bà Nguyễn Thị Hồi, cùng thôn) vay, với hứa hẹn khi cần chỉ báo trước 5 ngày sẽ thanh toán dứt điểm. Nhưng thực tế, gia đình bà Thu đã đòi nhiều lần mà vợ chồng Thự - Trúc không trả.

Đến tháng 3/2008, biết vợ chồng Thự - Trúc làm thủ tục đi lao động nước ngoài, anh Oanh yêu cầu nếu không trả sẽ ngăn cản không cho xuất ngoại. Nhưng Thực - Trúc chỉ trả 10 triệu, số còn lại khất trả sau. Thấy thế, bà Hồi đứng ra hứa sẽ có trách nhiệm trả nợ, để các con đi nước ngoài trót lọt. Tuy nhiên, bà Hồi chỉ hứa miệng chứ không thực hiện. Bức xúc vì bị bội tín và trước nguy cơ mất trắng những đồng tiền có được từ xương máu của chồng, bà Thu đã sai các con lên nhà bà Hồi đòi nợ...

b
Bà Thu thẫn thờ tại Tòa

Cuộc đòi nợ bất thành

Khoảng 7h sáng ngày 18/6/2008, anh Oanh chở mẹ đến nhà bà Hồi, yêu cầu bà này ký giấy nhận nợ thay cho con. Bà Hồi không chấp nhận và hai bên tranh cãi. Người dân kéo đến xem rất đông. Thấy vậy, bà Hồi tuyên bố không có tiền trả nợ, vợ chồng Oanh - Luých muốn lấy đồ thì cứ lấy, nên vợ chồng anh Oanh đã khuân đồ đạc từ trong nhà bà Hồi ra ngoài, nhiều người cũng nhập cuộc. Bà Hồi quát: “Hôm nay tao chỉ trả đồ cho nhà Oanh - Luých chứ không trả cho nhà ai khác!”. Sau đó, bà Hồi gọi điện báo công an xã.

Khoảng 10h30 cùng ngày, anh Viêng (Trưởng Công an xã An Lễ) và anh Quỳnh (Công an huyện Quỳnh Phụ) đã có mặt tại nhà bà Hồi để nắm bắt hiện trường nhưng không lập biên bản mà chỉ nói: “Bắt nợ nhưng không được gây rối trật tự!”. Chiều hôm đó, gia đình anh Oanh chở đồ về nhà, ra điều kiện nếu 20 ngày sau vợ chồng Thực - Trúc trả nợ thì anh sẽ trả đồ, nếu không sẽ bán trừ nợ.

Thực tế, sau đó vợ chồng anh Oanh có bán một số đồ nhưng đã phải chuộc lại để đem trả lại cho bà Hồi, nhưng vẫn bị bà này làm đơn tố cáo về hành vi cướp tài sản. Trước đó, Cơ quan điều tra Công an huyện Quỳnh Phụ đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì xác định đây chỉ đơn thuần là quan hệ dân sự vay nợ, không cấu thành tội phạm. Nhưng sau đó, cơ quan công an lại phục hồi điều tra, khởi tố Oanh - Luých về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Tại Tòa, các bị cáo thừa nhận có hành vi đòi nợ và bắt nợ nhưng khẳng định được sự đồng ý của bà Hồi chứ họ không hề đe dọa, cưỡng ép. Cả 13 nhân chứng được triệu tập đến Tòa cũng khẳng định nghe thấy bà Hồi tuyên bố: “Hôm nay tao chỉ trả đồ cho nhà Oanh - Luých chứ không trả cho nhà ai khác!”.

Theo các nhân chứng, sở dĩ bà Hồi tuyên bố như vậy vì bản thân bà này đã vay nợ khá nhiều người nên sợ các chủ nợ khác cũng kéo đến bắt nợ. Cũng tham gia với tư cách nhân chứng, anh Viêng (Trưởng Công an xã) khẳng định khi xuống hiện trường thấy vụ bắt nợ được thực hiện công khai giữa ban ngày, với sự chứng kiến của nhiều người, không thấy có dấu hiệu của vụ án hình sự, nếu có sự cưỡng ép thì nhìn thấy công an tại sao bà Hồi lại không kêu cứu? Tuy nhiên, những lời khai là chứng cứ khẳng định đây là vụ đòi nợ dân sự đều bị Tòa bác bỏ.

Đọng lại sau phiên tòa...

Trong vụ án này có những sự việc khách quan: Có việc vay nợ, có việc gán nợ, có hành vi bắt nợ và ranh giới mỏng manh giữa quan hệ dân sự với hình sự. Đường lối xử lý là áp dụng triệt để nguyên tắc có lợi cho bị cáo; nếu phân vân giữa xử lý hình sự với xử lý hành chính thì nên chuyển xử lý hành chính. Các bị cáo thuộc đối tượng gia đình chính sách, bị cáo Oanh là con duy nhất của liệt sỹ, nhân thân tốt, nhận thức được sai lầm và đã sửa sai, khắc phục hậu quả, bị hại cũng có phần lỗi... lẽ ra hoàn toàn có thể áp dụng tình tiết miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

 Nhưng ở vụ án này, có vẻ như Hội đồng xét xử không đi theo chiều hướng đúng đắn đó khi tuyên phạt anh Oanh 15 tháng tù, chị Oanh 12 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Phiên tòa kéo dài suốt cả ngày 28/7 và kết thúc khi chiều muộn, nhưng hàng trăm người dân vẫn cố nán lại và tỏ thái độ không đồng tình với người bị hại và bản án của Tòa. Anh Nguyễn Như Bền (40 tuổi, ở thôn Đồng Bằng, xã An Bài) bức xúc: “Các cơ quan pháp luật xử vợ chồng anh Oanh như thế là không công bằng. Thực tế, bà Hồi cũng thực hiện nhiều vụ bắt nợ, sao không bị xử lý?”. Chị Phạm Thị Hải (cùng địa chỉ trên) thì thương cảm: “Tội nghiệp bà cụ Thu hiền lành, nhân hậu thế lại toàn gặp cảnh ngang trái, tiền thì mất, con mang tội”.

Bà Thu chỉ biết lặng lẽ chấm nước mắt... Có ai ở vào hoàn cảnh của người vợ góa từ lúc mới 22 tuổi, thắt lưng buộc bụng dành dụm những đồng tiền xương máu của chồng để rồi bị người ta lợi dụng lòng tin mà “cướp trắng” thì mới hiểu được nỗi xót xa, phẫn uất của gia đình bà! Bước thấp, bước cao ra về, giọng bà cụ Thu ứ nghẹn: “Mai này, may ra có tin báo tìm mộ ông nhà tôi, thì lấy tiền đâu...”.

Thành Nam


Đọc thêm