Có những con người dường như càng lớn tuổi, nhiệt huyết trong họ càng “say”. Điều này không sai đối với chị Nguyễn Thị Hương (ảnh), 56 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.
|
Mở câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh có thể được coi là một “cơn gió lạ” như thế.
Tập dưỡng sinh nào bà con ơi!
Hình ảnh các cụ cao tuổi tươi tắn, ung dung tập dưỡng sinh trong ánh bình minh đã trở nên quen thuộc tại thành thị, nhưng ở thôn quê, nơi người già coi công việc đồng áng, cày cuốc, bắt sâu đã là bài thể dục muôn đời, thì chuyện dưỡng sinh xem ra quá… xa xỉ. Ấy thế mà chị Nguyễn Thị Hương đã khiến các cụ thay đổi quan niệm, để rồi mê dưỡng sinh lúc nào không hay.
Lúc đầu, khi chị Hương kêu gọi bà con tham gia tập dưỡng sinh, nhiều người cho là vẽ chuyện! “Mình làm nông, tay chân vận động cả ngày còn đòi thể dục chi nữa. Chẳng qua “bả” còn trẻ nên ham thích cái mới”, nhiều người phê chị như vậy. Khi gần như cả xã phản đối, thì còn hai người chịu đứng về “phe” chị.
Ba con người sáng sớm nào cũng miệt mài đi tập dưỡng sinh, bất kể mưa hay nắng. Trong số họ, có người đỡ bệnh nhức mỏi, có người nhờ tập luyện mà trở nên vui tính, yêu đời hơn. “Mình làm theo cách truyền miệng. Bà con thấy hay thì chuyền tai nhau, minh chứng bằng người thật, việc thật”, chị Hương cho biết. Thế rồi từ con số hội viên ít ỏi ấy, các câu lạc bộ dưỡng sinh tại xã Hòa Tiến hiện đã lên 165 cụ! Đây cũng là xã duy nhất trên địa bàn thành phố có số hội viên tham gia tập dưỡng sinh đông nhất. Đặc biệt, họ không chỉ tập theo phong trào.
Những ngày đầu, cái khó là vận động còn bây giờ cái khó của chị Hương lại là việc tuyển lựa những cụ múa giỏi để đi giao lưu, bởi chọn ai, bỏ ai đều bị các cụ… dỗi. Chị cho hay: “Được tham gia tập luyện, biểu diễn không chỉ giúp nâng cao sức khỏe rõ rệt, mà các cụ ở nông thôn còn cảm thấy tự tin hơn khi không kém cạnh những người đồng trang lứa khác. Thêm vào đó, mỗi sáng tạm gác bỏ những lo toan để chăm sóc thân thể và ngồi hàn huyên bên nhau khiến cụ nào cũng trẻ ra trông thấy”.
Sau 35 năm gắn liền với phong trào Hội tại địa phương, chị Hương tâm sự: “Tôi đã đến với phong trào Hội từ những ngày gian khổ nhất, từ hồi phải cầm cái lon bỏ đèn gió vào soi đường mà đi đến từng thôn. Công việc đã khiến nước mắt rơi nhiều lần, nhưng tiếng cười thì nhiều hơn nên càng làm lại càng yêu phong trào Hội”.
Bài và ảnh: THU HOA