Nước mắt sản phụ thả con thơ vào lu nước

Những mảnh vỡ của chiếc lu nước nằm chỏng chơ góc sân nhà sản phụ Đinh Thị Bích Lan (23 tuổi, ngụ ấp Bàu Mây, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) mấy ngày nay như cứa vào lòng người mẹ trẻ mới mất con. Bà mẹ trẻ mắc chứng trầm cảm sau sinh, mới thả đứa con 3 tháng tuổi vào lu nước rồi dùng dao tự sát bất thành lại gạt nước mắt, giấu những tiếng nấc cứ chực bật ra nơi cổ họng.

Những mảnh vỡ của chiếc lu nước nằm chỏng chơ góc sân nhà sản phụ Đinh Thị Bích Lan (23 tuổi, ngụ ấp Bàu Mây, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) mấy ngày nay như cứa vào lòng người mẹ trẻ mới mất con. Người nhà vỗ về: “Thôi gắng lên con, vài bữa nữa chờ mãn tang mới dọn dẹp đống xà bần đó đi được”.  Bà mẹ trẻ mắc chứng trầm cảm sau sinh, mới thả đứa con 3 tháng tuổi vào lu nước rồi dùng dao tự sát bất thành lại gạt nước mắt, giấu những tiếng nấc cứ chực bật ra nơi cổ họng.

Chiều 5/10, sau khi ra ngoài khoảng một giờ đồng hồ trở về, người cô chồng của chị Lan không thấy cháu gái và đứa bé đâu. Bà bỗng thấy lạ vì dù cháu đã sinh con 3 tháng, lâu nay bà vẫn dặn dò cháu ở cữ trong nhà, chưa được ra ngoài. Mở cửa bước ra phía bếp, bà thấy có vệt nước dọc hàng lang. Cất tiếng gọi, nghe tiếng rên khẽ phía hông nhà, bà tiến thêm vài bước thì gặp tượng kinh hoàng đập vào mắt. Ở góc tường, cô cháu dâu đang nằm ngửa, trên bụng là vết thương lớn; bên cạnh là một con dao và một chiếc chày.

Vết thương sâu và rộng đã khiến sản phụ trẻ mất máu và ngất lịm đi. Bà cô xốc nách cháu dâu định dìu ra phía trước nhà không nổi, đành chạy ra đằng trước nhà kêu hàng xóm sang cứu giúp. Mấy người hàng xóm ngay lập tức đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu, còn lại bà cô tất tả vào nhà tìm đứa cháu nội mới sinh. Kiểm tra tất cả các phòng trong nhà không thấy, nhà bếp cũng không, bà lão ra vườn tìm quanh khu vực mẹ đứa bé nằm cũng không dấu vết. Linh cảm khiến bà nghĩ tới những vệt nước dọc hành lang. Lần theo vết nước đến chiếc lu ở góc vườn, vừa nhìn vào lu trữ nước mưa, bà lão lạnh toát người thấy cảnh đứa bé nổi trên mặt nước.

Chiếc lu nước nơi phát hiện xác em bé đã bị đập bỏ
Chiếc lu nước nơi phát hiện xác em bé đã bị đập bỏ

Liên tiếp những sự việc đau lòng ập đến là những cú sốc quá lớn với người đàn bà suốt một đời chỉ biết lầm lũi hi sinh bản thân mình cho người khác. Đau đớn, bàng hoàng vẫn còn nguyên trên nét mặt, giọt nước mắt lăn dài trên những nếp nhăn rúm ró, nén đau xót, người cô kể lại câu chuyện buồn của gia đình mình. Cách đây 29 năm, anh trai và chị dâu của bà li hôn, người chị bỏ đi để lại đứa con trai còn đỏ hỏn. Thương anh nên bà đón cháu về nuôi. Một thời gian sau, anh trai bà lấy vợ khác sinh được mấy người con, kinh tế khó khăn nên ông cũng không đón con trai đầu về.

Đứa bé được người cô vất vả “nuôi bộ” bằng sữa bò, nước cơm. Bà đặt tên cháu là Hưng, những mong cháu có cuộc sống “hưng thịnh” sau này. Cậu bé từng ngày khôn lớn thì tuổi xuân của người cô cũng qua đi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thành lỡ dở. Bao nhiêu yêu thương bao yêu tâm huyết, bà dồn cả vào người cháu này, chẳng những như người mẹ ruột mà còn như người cha nuôi dạy con thành người.

Cách đây hai năm, trong một lần đi cắt tóc, người cháu trai quen cô thợ cắt tóc xinh đẹp rồi hai người làm lễ cưới. Bà cô nhớ lại: “Chúng nó yêu nhau, về báo gia đình làm lễ cưới, chứ chúng tôi không hề ép gả”. Thời gian đầu, chồng làm lái xe, vợ mở tiệm cắt tóc ở nhà, kinh tế không dư dả nhưng ở vùng nông thôn, vợ chồng đều có nghề nghiệp như vậy thì cũng không phải vất vả thiếu thốn.

Theo lời người cô đánh giá: “Tụi nó tình cảm lắm, từ khi lấy nhau lúc nào cũng ríu rít, chưa thấy cãi nhau bao giờ”. Một năm sau khi cưới, cô cháu dâu mang bầu khiến ngôi nhà nhỏ càng thêm rộn rã. Cô gái vốn được mọi người yêu quí, lại càng được chăm chút nâng niu. Bé gái sinh ra được khỏe mạnh, bụ bẫm, nặng 3,7kg trong niềm vui tột cùng của cả gia đình. “Vợ chồng nó cưng con lắm. Chồng đi làm thì thôi chứ về là tranh nhau ôm ấp cưng nựng cả ngày”, người cô rưng rưng nhớ về hạnh phúc của họ cách đó chưa lâu.

Khi được hỏi có thấy gần đâu cô cháu dâu có biểu hiện gì khác thường không, người cô trầm giọng: “Cách đó khoảng nửa tháng, con bé thường than vãn “sao con khó ngủ quá cô à””. Nghĩ cháu dâu mới sinh, lại đêm nào cũng phải thức dậy mấy lần cho con bú, thay bỉm… nên chưa quen, người cô đêm nào cũng thức dậy hỗ trợ cháu. Trừ khi bà mẹ trẻ cho bé bú, những việc khác như thay bỉm, dỗ bé nín khóc thì bà cũng giành làm để cháu dâu có thêm thời gian ngủ nghỉ. Mấy ngày sau thì tình trạng không khá hơn, bà mẹ trẻ hầu như thức trắng đêm, dù cả nhà đã làm đủ mọi cách như cắt thuốc, ăn uống những đồ an thần… nhưng giấc ngủ vẫn không quay lại.

Theo lời người cô kể lại, đặc biệt cách hôm xảy ra sự việc khoảng một tuần, Lan bắt đầu có biểu hiện lạ như ít nói hẳn, hay tỏ ra bứt rứt buồn bực. Thỉnh thoảng Lan còn ngồi một mình ở góc giường cấu cấu móng tay, khi cô góp ý là nên dùng cắt móng tay để cắt thì Lan lại đưa lên miệng cắn.

Ngoài những bất thường đó, hầu hết sinh hoạt của bà mẹ trẻ vẫn bình thường, vẫn ẵm con, nựng con rất tình cảm, khi em bé bị tưa lưỡi nên khó bú, bà mẹ trẻ thương con còn ngồi khóc thút thít. Khoảng 2h30’ chiều hôm đó, bà cô thấy Lan đang ẵm con ngủ thì tranh thủ đi ra ngoài đồng hái nắm lá lưới dại, định bụng tối sắc lấy nước cho cháu dâu uống để dễ ngủ. Do không biết đi xe nên bà cuốc bộ, khoảng một tiếng đồng hồ sau quay về nhà thì phát hiện sự việc trên.

Theo thông tin từ những người trong gia đình, hiện Lan đã qua cơn hiểm nghèo nhưng còn khá yếu, tinh thần hoảng loạn. Trong những lúc tỉnh táo hiếm hoi, người mẹ trẻ vẫn hỏi tin con mình và không hề biết em bé đã chết.

Cảnh báo chứng trầm cảm sau sinh

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau lòng nêu trên, các chuyên gia y tế cho biết rất có thể bà mẹ trẻ đã mắc chứng trầm cảm sau sinh. Theo nhiều nghiên cứu, có tới 41% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh và nguy cơ tái phát của hội chứng này là 50%. Các rối loạn tâm thần thường xuất hiện khoảng vài ngày đến sáu tuần sau sinh với nhiều mức độ khác nhau. Ở dạng trầm cảm nhẹ, sau khi sinh khoảng 3 - 4 ngày, người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân, khóc lóc vô cớ...

Nếu bị trầm cảm nặng, từ trạng thái lo lắng, người mẹ trở nên buồn rầu, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với đứa con mới đẻ và những đứa trẻ khác. Nếu tình trạng trầm cảm nặng kéo dài quá hai tuần, người mẹ sẽ rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, với các biểu hiện như luôn cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo, buồn rầu và hay khóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Nếu ở thể nặng, có người mẹ còn không quan tâm tới con của mình, bỏ mặc, hành hạ con, thậm chí giết hại hoặc tự sát.

Trong vụ án này, được biết hiện cơ quan chức năng chưa ra quyết định tố tụng nào. Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định: “Theo thủ tục tố tụng, trước tiên cần phải chờ bà mẹ trẻ hồi phục sức khỏe, đưa đi giám định tâm thần, từ kết quả đó mới có thể đi đến kết luận bà mẹ có phạm tội hay không”.

Bà lão tuổi ngoài 60 khóc nấc lên thương cháu: “Con bé ai đến chơi cũng khen đẹp, nó ngoan lắm, đói thì cằn nhằn tí chứ no thì nằm chơi cả ngày, giờ đã nằm dưới 3 thước đất. Thằng chồng con Lan thì khi nghe tin đã ngã lăn ra đất, từ hôm bữa tới giờ như bị mất trí, nằm cả ngày trên võng ngẩn ngẩn ngơ ngơ hỏi không nói, gọi không thưa. Nó 30 tuổi mà từ hôm xảy ra chuyện, đêm nào tôi cũng phải dỗ nó ngủ”.

* Để điều trị chứng trầm cảm sau sinh, có thể can thiệp bằng thuốc ngủ, giúp giải quyết những cơn mất ngủ trước mắt. Các bà mẹ trẻ cũng nên nghỉ ngơi, thư giãn càng nhiều càng tốt. Sự chuẩn bị tốt về tâm lý của sản phụ, những lời khuyên giải, động viên, nâng đỡ của người thân cũng giúp tinh thần của các bà mẹ bình thường trở lại. Nếu có biểu hiện các rối loạn tâm thần nặng, bệnh nhân cần được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa - Theo suckhoedoisong.vn

Hoàng Giang

Đọc thêm