Nuôi con thời 4.0: Cơn lốc chất kích thích tấn công giới trẻ Việt Nam

(PLVN) - Sinh nhật, liên hoan chơi thuốc lắc, cắn cỏ Mỹ, đi bar, cà-phê hút bóng cười… đang là một trong những trào lưu, thú vui không còn lạ lẫm và ngày càng trở nên phổ biến ở thanh thiếu niên Việt Nam. Bạn bè rủ rê, áp lực gia đình, cuộc sống, sự thờ ơ và thiếu hiểu biết của gia đình và người trẻ khiến cho tình trạng trẻ hóa sử dụng chất kích thích ngày càng tăng.

 

Nuôi con thời 4.0: Cơn lốc chất kích thích tấn công giới trẻ Việt Nam

Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội cho biết, sơ kết 5 tháng đầu năm 2020, Cơ quan công an phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy như đối tượng chế biến thành các loại bánh có chứa cần sa. Thành phần gồm cần sa, bơ, bột mì, socola, đường... và rao bán trên mạng hướng đến giới trẻ là học sinh, sinh viên.

Báo động tình trạng “trẻ hóa” sử dụng chất kích thích

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất kích thích ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ. Tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn. Những chất kích thích hiện nay phổ biến trên thị trường Việt Nam, được giới trẻ sử dụng ngày càng nhiều bao gồm: Ma túy, ma túy đá, cần sa, thuốc lắc, lá khát, cỏ Mỹ, bóng cười, nấm ảo giác, tem giấy; rượu bia… 

Ngày 11/6 vừa qua, Hội thảo chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã được tổ chức. Dự và chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm, nước ta có thêm mười nghìn người nghiện ma túy và đáng lo ngại là tiếp tục có xu hướng trẻ hóa. Thậm chí, có những trường hợp nghiện ma túy là học sinh THCS.

Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma túy. Điều đág chú ý, có khoảng 70% trong số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Đáng lưu ý, trẻ em dưới 16 tuổi nghiện ma túy chiếm 50%. Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường.

Hiện nay, tình hình người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) ở Việt Nam tiếp tục gia tăng ở tất cả các địa phương, chiếm khoảng 70% tổng số người nghiện. Riêng ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến  85 – 90 %. 

Đặc biệt, theo khảo sát Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tại một số địa phương, từ năm 2016 tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện tăng cao. Tình hình người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) ở Việt Nam tiếp tục gia tăng ở tất cả các địa phương, chiếm khoảng 70% tổng số người nghiện. Các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Trà Vinh có trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống và ATS, thì các loại ma túy khác như: cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều. 

Các chất kích thích phổ biến trong giới trẻ Việt Nam hiện nay
 Các chất kích thích phổ biến trong giới trẻ Việt Nam hiện nay

Tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, nhiều bệnh nhân có tuổi đời còn rất trẻ, ngây dại, lúc tỉnh lúc mê vì sử dụng chất kích thích. Theo các bác sỹ, điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa tới con cái. Khi thấy các biểu hiện như: sa sút học hành, rối loạn hành vi, ngay lập tức cha mẹ phải can thiệp bởi khi đã “dính” vào các chất này, người sử dụng không chỉ đứng trước nguy cơ loạn thần mà có thể phạm tội, gây án.

Mới đây, ngày 22/6, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trần Tuấn Phương (19 tuổi, trú tại quận Đống Đa) để điều tra về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy.

Trước đó, Phương bị cảnh sát bắt quả tang khi đang đi bán một lượng cây nấm khô, được chứa trong các túi nylon màu trắng. Đây thực chất là một loại ma túy, còn gọi là nấm thức thần hoặc nấm “thần” có chứa Psilocine và Psilotcin gây ảo giác mạnh cho người dùng. Theo Nghị định 73/2018 Quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất, Psilocine và Psilotcin là hai chất nằm trong danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. 

Tại thời điểm bị bắt, Phương đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm đại học Bách khoa Hà Nội. Phương khai nhận rằng, do áp lực học tập, bị căng thẳng nên đã tìm đến nấm thức thần để giải khuây. Vì là sinh viên nghèo, không có tiền thường xuyên mua chất kích thích tương tự như nấm thức thần nên Phương đã nảy ra ý định tự trồng loại nấm này để sử dụng và bán cho những đối tượng khác, đặc biệt là sinh viên. 

Vì đâu nên nỗi? 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở trẻ em. Đối với hầu hết thanh thiếu niên, sự tò mò đối với những điều mới lạ và áp lực từ bạn bè là những lý do chủ yếu dẫn đến việc thử dùng thuốc. Trẻ thường cảm thấy hứng thú khi làm bất cứ điều gì nếu có sự kích thích từ phía bạn bè. 

Một số thanh thiếu niên cho rằng việc hút cần sa hay sử dụng các chất gây nghiện khác có thể giúp làm giảm lo âu và giúp chúng vượt qua sự chán nản, căng thẳng, áp lực từ gia đình, bạn bè. Nhiều bạn trẻ còn cho rằng, việc sử dụng chất kích thích bởi thích cảm giác lạ, giúp tỉnh táo hoạt bát và để tìm niềm vui…vô số lý giải của giới trẻ về việc sử dụng chất kích thích.

Ông Lê Trung Tuấn, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho biết, nhận thức chưa đầy đủ cùng với tâm lý chủ quan khi cho rằng những loại ma túy trá hình này không có khả năng gây nghiện và không nguy hại đến sức khỏe là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sử dụng ma túy ở học sinh hiện nay. 

Nhiều bạn trẻ vô tư xử dụng bóng cười tại một quán nước ven đường
Nhiều bạn trẻ vô tư xử dụng bóng cười tại một quán nước ven đường 

Kết quả khảo sát trên 1.100 học sinh các trường phổ thông ở 5 quận của TP Hà Nội và một số địa phương khác cho thấy, chỉ có 4,5% số học sinh nói rằng mình hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy, trong khi đó có tới 42,2 % tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này; 44% các em không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết phòng tránh ma túy.

Đặc biệt, những loại ma túy tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng và đang trở nên phổ biến hiện nay, nhất là trong giới trẻ như methaphetamine (ma túy đá) thì chỉ có 56,4% số học sinh cho rằng chất đó khả năng gây nghiện, còn một số chất khác như shisha, bóng cười cũng rất ít học sinh biết đến.

Đi cùng với đó, Viện PSD còn tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện. Kết quả, 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút;  25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy. 

Phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Việc hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào, tác hại và hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như phụ huynh, giáo viên chưa hề nắm vững. Đồng thời, kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em mình có dấu hiệu sử dụng ma túy, cũng chiếm tỷ lệ rất thấp. Bên cạnh đó, thực trạng các chất kích thích được bán một cách tràn lan, công khai trên các trang mạng xã hội khiến giới trẻ càng dễ sa vào cạm bẫy ma túy. 

Đọc thêm