Nuôi trâu vỗ béo rồi bắt dân chịu cảnh ô nhiễm môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, người dân sống tại cụm dân cư Lũng Niềng, xóm Bản Pò, xã Đức Long, huyện Thạch An (Cao Bằng) phản ánh chuồng trại nuôi trâu vỗ béo của bà Lý Thị Dương hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân.
Chuồng trại chăn nuôi trâu gây ô nhiễm môi trường tại xã Đức Long, huyện Thạch An.
Chuồng trại chăn nuôi trâu gây ô nhiễm môi trường tại xã Đức Long, huyện Thạch An.

Tiếp nhận phản ánh người dân, ngày 18/8, phóng viên báo PLVN đã trực tiếp xuống cơ sở xác minh thông tin. Theo chia sẻ của các hộ dân, trước đó, ngày 19/6, gia đình anh Đinh Văn Bằng dùng nước sinh hoạt phát hiện nước chuyển màu, có mùi hôi tanh. Sau đó có thêm 2 hộ sống gần đó cũng có cùng hiện tượng trên. Ngay lập tức các hộ dân đã trình báo lên chính quyền xã Đức Long đồng thời phán ảnh đến chủ chuồng trại trâu.

Nguồn nước của hộ dân xóm Bản Pò bị đổi màu, có mùi phân trâu.

Nguồn nước của hộ dân xóm Bản Pò bị đổi màu, có mùi phân trâu.

Trao đổi với phóng viên, anh Vi Hùng Trường, Trưởng xóm Bản Pò cho biết: “Khu này có 11 hộ sinh sống thì hiện tại có gia đình anh Đinh Văn Bằng và anh Hứa Văn Dũng trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều, do quá ô nhiễm tất cả các hộ đều không dám sử dụng nước giếng nữa mà chuyển sang mua nước sạch để dùng. Trước đây nước giếng rất trong, được sử dụng sinh hoạt hàng ngày nhưng từ khi chuồng trại vào hoạt động người dân thấy môi trường bị ô nhiễm, ruồi nhặng xuất hiện nhiều.”

Được biết, ở thời cao điểm chuồng trại này có đến gần 100 con trâu nuôi vỗ béo. Khu chuồng trại này không hề có bể chứa để thu gom chất thải, quá trình chăn nuôi không đảm bảo về môi trường theo quy định pháp luật. Chuồng trại nằm gần mạch nước ngầm, khi tắm rửa chuồng trâu thì toàn bộ nước thải chảy trực tiếp ra môi trường theo đường cống xuống mạch nước ngầm gây ảnh hưởng các hộ dân.

Ông Hoàng Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Long đã tiếp nhận thông tin trên và chỉ đạo cán bộ xuống kiểm tra, ghi nhận nước giếng chuyển màu xanh, có mùi phân trâu. Tổ công tác đã lập biên bản, lấy mẫu nước làm báo cáo gửi về huyện kiểm định.

"Vị trí được sử dụng làm chuồng trại là đất nông nghiệp được thuê của một hộ dân" - ông Khanh cho biết thêm.

Đến ngày 24/6, huyện Thạch An đã có văn bản số 780 đình chỉ hoạt động chăn nuôi gia súc của bà Dương do không đảm bảo về môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Huyện cũng yêu cầu bà Dương khắc phục triệt để vi phạm, thực hiện các thủ tục về môi trường, đất đai, xây dựng chuồng trại theo quy định pháp luật. Chỉ được phép hoạt động chăn nuôi trở lại khi có chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Sau khi có ý kiến của chính quyền địa phương, chủ chuồng trại đã xây thêm công trình thu gom nước mặt chảy tràn và tổ chức buổi gặp mặt thoả thuận với người dân bằng cách chi trả toàn bộ tiền nước sách cho 11 hộ dân bị ảnh hưởng từ tháng 6/2021 và cam kết sẽ khắc phục, đảm bảo môi trường, nguồn nước cho người dân.

Nhưng hiện nước sạch không được ổn định, bà con vẫn phải sống phụ thuộc vào nguồn nước giếng để sinh hoạt. Trước thực trạng trên người dân xóm Bản Pò yêu cầu chủ trại khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đền bù thiệt hại cho người dân và đề nghị di dời chuồng trại này ra khỏi khu vực dân cư để ổn định đời sống, đảm bảo sức khoẻ cho bà con nhân dân.

Đồng thời đề nghị chính quyền huyện, các phòng chuyên môn liên quan có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm mỗi trường đảm bảo sức khoẻ cho người dân yên tâm sinh sống.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./

Đọc thêm