Ở chung cư có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn nhà mặt đất?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 với biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh đang diễn biến phức tạp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương. Đặc biệt, tình hình lây nhiễm xảy ra phổ biến tại nhiều tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng nơi có mật độ dân cư đông đúc cao hơn so với nhà mặt đất.
Ảnh minh họa (nguồn: VOV).
Ảnh minh họa (nguồn: VOV).

Hiện nay, tại TP. Hà Nội và TP. HCM là 2 địa điểm có mật độ chung cư dày đặc, nhiều công trình có không gian quy mô lớn, có sự tập trung đông người, không gian làm việc, sinh hoạt thường được khép kín nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lớn về lây lan dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, với biến chủng Delta mới rất phức tạp, có khả năng lây nhiễm trực tiếp và nhanh trong không khí nên những khu vực như các tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng là việc hết sức lo ngại.

Mới đây nhất, chiều ngày 27/8, TP. Hà Nội đã tiến hành phong tỏa tạm thời tòa G2, chung cư Vinhome Green Bay tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm sau khi ghi nhận 01 ca dương tính COVID-19 tại đây. Hơn 2.800 cư dân ở 720 căn hộ được yêu cầu không ra khỏi nhà, khoảng 106 người ở tầng 27 nơi có ca dương tính và 100 nhân viên tòa nhà đang được lấy mẫu xét nghiệm.

Trước đó, vào ngày 25/8, UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông đã tiến hành phong tỏa tòa nhà chung cư CT8C thuộc khu đô thị Dương Nội, phường Yên Nghĩa để lấy mẫu xét nghiệm và truy vết các trường hợp có liên quan do nơi đây xuất hiện 01 ca nhiễm COVID-19.

Cách đó vài ngày, vào ngày 20/8, lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã tiến hành phong tỏa cứng và phong tỏa mềm toàn bộ 12 tòa nhà trong Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) khi có nhiều ca mắc COVID-19 tại đây.

Việc lây nhiễm nhiều ca mắc COVID-19 tại các chung cư trong thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, một trong những con đường chính làm tăng cao số lượng người bị lây nhiễm chéo trong tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng chính là hệ thống thông gió và điều hòa không khí tại các khu vực chung của cư dân như sảnh chính, thang máy, hàng lang tầng, nhà để xe...

Do hiện nay, các tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng được thiết kế tổ chức thông gió dù đảm bảo an toàn, tiện nghi, PCCC, nhưng hầu hết chưa được tính toán để có khả năng ngăn chặn sự lan truyền lây nhiễm, cũng như cô lập có hiệu quả các loại dịch bệnh có khả năng lan truyền qua không khí như COVID-19 có thể xảy ra trong tương lai.

Kể cả các căn hộ chung cư mặc dù được thiết kế có tính riêng tư tương đối nhưng vẫn có nhiều nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua hệ thống điều hòa không khí – thông gió. Bên cạnh đó, việc sử dụng các không gian sử dụng chung như sảnh chính, sảnh tầng, hành lang tầng, thang máy, thiết kế chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm cho nên nguy cơ lây nhiễm và lan truyền dịch bệnh rất lớn.

Theo chị M. là cư dân sống tại tòa nhà chung cư trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết: “Mặc dù, khu chung cư nơi tôi sinh sống là “vùng xanh”, chính quyền địa phương cùng phía Ban quản lý tòa nhà cũng áp dụng nhiều biện pháp triệt để nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, theo tôi thấy với biến chủng mới của COVID-19 lây lan nhanh trong không khí thì nguy cơ lây nhiễm khi ở chung cư vẫn cao hơn so với ở nhà mặt đất. Do việc sử dụng chung thang máy, ra vào sảnh chính, hàng lang tầng chung, siêu thị mini, khu để xe của cư dân mà các khu vực này đều phải có quạt thông gió cho nên việc lây nhiễm trong không khí khi có ca F0 là rất khó tránh khỏi”.

Còn anh N.K một cư dân sống tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội cho biết: “Khu nhà tôi ở, mặc dù áp dụng đầy đủ các biện pháp 5K của Bộ Y tế, tuy nhiên theo tôi thấy thì với biến chủng COVID-19 như hiện nay thì cũng khó tránh khỏi việc lây lan chéo nhau giữa các căn hộ trong chung cư. Đành rằng, giãn cách xã hội, nhà nào ở nhà ấy nhưng mật độ cư dân ở mỗi tòa chung cư là rất lớn, họ vẫn phải đi chợ để mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt và phải dùng chung thang máy, ra vào cùng sảnh chung nên chắc chắn nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn so với ở nhà mặt đất.

Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì khi biến chủng COVID-19 đã lây lan trong không khí thì rất khó có thể hạn chế được việc lây nhiễm dù bất cứ nơi đâu. Để hạn chế được việc lây nhiễm thì cư dân nên nghiêm túc và có ý thức hơn trong việc thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm đảm bảo một môi trường sống và làm việc thông thoáng, trong lành sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.

Các ban quản lý tòa nhà ở các khu chung cư và cư dân có thể tự xem xét đánh giá hệ thống điều hòa không khí và thông gió trong công trình đang sử dụng (cả theo chiều đứng và chiều ngang), Cần tăng cường xây dựng các phương án triển khai, tự thích ứng, tự chủ động cô lập nguồn bệnh khi có phát sinh nguy cơ.

Sau đại dịch COVID-19, để lựa chọn ở nhà mặt đất hay nhà chung cư thì tôi vẫn thích ở nhà chung cư hơn vì mọi thứ đều tiện lợi, sạch sẽ và hiện đại. Còn việc phòng tránh dịch bệnh là do ý thức của mỗi cá nhân với bản thân mình và cộng đồng. Vì rất nhiều trường hợp hiện này mặc dù ở nhà mặt đất nhưng không thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nên việc lây nhiễm dịch bệnh vẫn còn là rất lớn”.

Trước đó, trả lời báo chí, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho biết: Virus biến chủng Delta có thể lưu trong không khí nhưng rất nhỏ và thời gian ngắn. Đặc biệt, khi ở môi trường không khí nóng, virus gần như không thể tồn tại. Vì vậy, ở khu chung cư, việc lây lan dịch bệnh từ căn hộ này sang căn hộ khác qua hệ thống thông gió là chưa có cơ sở khẳng định. Việc lây nhiễm trong chung cư thường do tiếp xúc chung thang máy hoặc các khu vực sinh hoạt chung.

Hiện nay, các chung cư có hệ thống thông gió chung, không khí được hút từ các phòng và đẩy ra ngoài, không phải chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác. Vì vậy, khó có khả năng virus lan từ căn hộ này sang căn hộ khác.

Tóm lại, việc ở nhà chung cư hay nhà mặt đất thì việc lây nhiễm COVID-19 vẫn có thể xảy ra nếu người dân không tự ý thức với bản thân, cộng đồng và thực hiện nghiêm chỉnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và các biện pháp ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh của cơ quan chức năng.

Đọc thêm