OCOP thời thương mại điện tử

(PLVN) -Tại Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại” được tổ chức hôm qua (11/12) tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ, hiệu quả của chương trình OCOP đã được tổng kết rõ, nhưng một vấn đề gian nan không kém với sản phẩm OCOP cũng tiếp tục được đặt ra: làm sao đến được tay người tiêu dùng?
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo nhân dân).

OCOP hay còn gọi là Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật ở mỗi địa phương; giúp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo ra công ăn việc làm cho người dân.

Chủ thể trực tiếp làm ra các sản phẩm OCOP là người dân và các tổ chức kinh tế, có vai trò nòng cốt khi thực hiện. Dựa vào thực tiễn, tiềm năng của quê hương, họ sẽ tính toán đưa ra quyết định “trồng cây gì, nuôi con gì, có sản phẩm nào” có tiềm năng phát triển, có lợi thế cạnh tranh; lập kế hoạch; bắt tay vào sản xuất; tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn có chất lượng cao, bán ra thị trường.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, sau gần 6 năm triển khai, cả nước có 10.811 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể. Sản phẩm đạt chuẩn đã rất nhiều, nhưng vấn đề tiếp theo là bán như thế nào, bán được nhiều hay không, lời lãi xứng đáng hay không? Đã thành công trong sản xuất, nay các chủ thể OCOP lại gặp khó trong kinh doanh, nói cách khác là đưa đến tay người tiêu dùng.

Tại Hội nghị, đại diện một thương hiệu là chủ một chuỗi siêu thị có tiếng Việt Nam, cho rằng “các chủ thể OCOP cần hiểu rõ được người tiêu dùng cần gì”, “cách làm đơn giản nhất là kể câu chuyện về sản phẩm và cho người tiêu dùng ăn thử” và “siêu thị sẵn sàng đưa các sản phẩm OCOP lên kệ hàng nhưng (…) các sản phẩm phải có đặc trưng, tính khác biệt (…) thương hiệu phải ấn tượng, bắt mắt nhất”.

Trong kinh doanh, có những điều lý thuyết thì không khó, nhưng để làm được trong thực tế thì lại cực kỳ khó. Tại Hội thảo, một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ rõ các chủ thể OCOP hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, các DN tương đối nhỏ; nên năng lực tiếp cận thị trường còn khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng thị hiếu còn hạn chế. Và đặc biệt, các chủ thể OCOP khẳng định có năng lực sản xuất, song đưa vào các siêu thị, cửa hàng phải chiết khấu tới 30 - 36%. Như vậy, người sản xuất không còn gì, làm sao có thể làm tiếp?

Nói về giải pháp để khơi thông thị trường cho sản phẩm OCOP, một ý kiến tại Hội nghị nhấn mạnh, các chủ thể cần tiếp cận thương mại điện tử, bởi đây là xu hướng tiêu dùng.

Đặc thù sản phẩm OCOP thường là hàng tươi sống, thời gian bảo quản không lâu, vận chuyển khó khăn hơn bình thường; nên bản thân người bán phải nghĩ cách tạo ra sản phẩm có thể để lâu hơn mà chất lượng vẫn bảo đảm, các sàn thương mại điện tử và DN vận chuyển cũng cần nhìn ra tiềm năng của các sản phẩm này để có các phương thức giao nhận hàng nhanh hơn. Làm được như vậy, từ người sản xuất, người tiêu dùng đến các khâu trung gian đều được hưởng lợi từ các sản phẩm OCOP.

Đọc thêm