Cận cảnh "lý do" dân C8 Giảng Võ không chịu di rời

(PLO) - Phớt lờ yêu cầu của Thành phố, 37 hộ dân ở C8 Giàng Võ vẫn không chịu di rời đến nơi ở mới. Có tận mắt chứng kiến ở nơi tạm cư này mới thấy sự chậm trễ của họ cũng có lý do đáng cảm thông.
Cận cảnh "lý do" dân C8 Giảng Võ không chịu di rời
Theo “lệnh” của UBND thành phố Hà Nội, trong tháng 9/2014 toàn bộ 37 hộ dân đơn nguyên III nhà C8 khu tập thể Giảng Võ phải tiến hành di dời xong xuống khu nhà NƠ6 khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp. Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân vẫn bám trụ lại C8 Giảng Võ. Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ là chất lượng của nơi ở tạm cư. 
Sáng ngày 01/10 PV PLVN đã thực địa tại tòa nhà NƠ6 Pháp Vân –Tứ Hiệp. Đúng như lời ông Hoàng Văn Nhâm –Phòng 216 nhà C8 nói: “ Sống trong nhà đổ, vẫn còn dễ chịu hơn”.
Chuyển đến định cư tại phòng 516 đã 5 năm, cũng ngần ấy thời gian gia đình anh Hưng cũng như những hộ dân đang sinh sống tại đây phải đi mua nước sinh hoạt của tòa nhà đối diện với giá 8,500 đồng/m3 . Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là giá trên giấy tờ, vì thực chất với 1m3 nước sinh hoạt, các hộ dân nơi đây phải trả 11.000 đồng, cộng thêm tiền thuê người đi thu tiền hàng tháng cũng như phí thuê người bảo trì sữa chữa khi có hỏng hóc... con số đó còn đội lên cao nữa.
Hóa đơn nước tự chế tại tòa NO6 Pháp Vân - Tứ Hiệp
Hóa đơn nước tự chế tại tòa NO6 Pháp Vân - Tứ Hiệp 

Được biết, trình trạng này đã kéo dài từ năm 2004 đến nay, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân được xác định do nhà đầu tư không kí hợp đồng với công ty nước sạch khi bàn giao nhà.

Dù đưa vào sử dụng đã 10 năm, nhưng phòng kĩ thuật ở các tầng đều chỉ được sử dụng để làm phòng chứa rác. Tường nhà bám đầy rêu mốc, thậm chí trần hiên phía sau tòa nhà bị nứt, thấm dột còn bám lại những giọt vôi khô bị nước mưa hòa tan. Những bậc tam cấp, bồn hoa xuất hiện những vết nứt gãy dài, có nơi thể đút lọt cả một viên gạch.

Phía trong, hầu hết sàn, sảnh, cầu thang các tầng đều bẩn thỉu, tường trốc lở, sơn tường bị ẩm rơi lỗ chỗ. Rác thải vứt đầy các bồn phía ngoài hiên các tầng 3,4. Sàn tầng 1 ngay cửa chính vào bị sụt võng, gạch lát nền nứt gãy.
Cầu thang máy “cái chột cái què” cảnh báo nguy hiểm
Cầu thang máy “cái chột cái què” cảnh báo nguy hiểm 
Nếu như mới đây, nhiều người dân giật mình khiếp vía vì thang máy tòa nhà Lotte bị trôi 30 tầng và 7 người trong đó bị kẹt lại 40 phút, thì suốt 10 năm nay, gần 30 hộ dân nhà NƠ6 đã quá quen với những tình huống tương tự. 
Điều kinh hoàng nhất của cư dân NƠ6 là tình trạng thang máy lắc, giật, kêu cót két, siêu chậm. Tình trạng mất điện bất ngờ hay bị nhốt cả tiếng đồng hồ trong thang máy là "chuyện thường ngày ở huyện". 
Tệ hại hơn nữa, bên cạnh chiếc thang máy "già cỗi" trước thời hạn, chiếc còn lại đã bị niêm phong bằng biển báo “ thang máy gặp sự cố nguy hiểm, người dân không phận sự miễn vào”. "Sự cố " như vậy tồn tại suốt mấy năm qua, nhưng không hề được khắc phục, xử lý. Để an toàn, đa phần người dân đều chọn phương án chậm mà chắc đó là đi thang bộ.

Sau 10 năm tòa nhà NO6 Pháp Vân mới chỉ có 23 hộ đến sinh sống. Có lẽ đó cũng là một lí do khiến nhà đầu tư “lãng quên” công tác quản lí, bảo trì, sửa chữa.

UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo yêu cầu cho các ban ngành về việc, chỗ ở tạm cư phải tốt hơn chỗ ở cũ. Tuy nhiên, một sự thật có thể thấy rõ ràng chỗ tạm cự của 37 hộ dân đơn nguyên III nhà C8 Giảng Võ vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu ấy.

Ngoài những trăn trở về sự bất tiện trong sinh hoạt, đi lại, thì chất lượng chỗ ở tạm cư cũng là một trong những lí do khiến 37 hộ dân đơn nguyên III thuộc nhà C8 chung cư Giảng Võ chầy ỳ, “chống lệnh” của UBND thành phố Hà Nội./.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc...
Một số hình ảnh nơi ở tạm cư của 37 hộ dân C8, Giảng Võ:
Trần nhà loang lổ tại một căn hộ NO6
 Trần nhà loang lổ tại một căn hộ NO6
Hành lang ẩm mốc, tối tăm
 Hành lang ẩm mốc, tối tăm
Đường vào tòa nhà NO6
 Đường vào tòa nhà NO6
Những vết nứt”khủng”
 Những vết nứt”khủng”
Sảnh hành lang nhếc nhác
Sảnh hành lang nhếc nhác 

Đọc thêm