Để dân trọng cán bộ thay vì… nể “cái ghế”

(PLO) - Nhiều người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp đã có những sửa chữa, khắc phục hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đó là tác dụng rõ rệt sau khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn lần đầu tiên vào năm 2013.
ĐB Đỗ Văn Đương: “Lấy phiếu tín nhiệm là cảnh tỉnh, răn đe, không để có những cán bộ “chỉ ngồi hưởng lợi”
ĐB Đỗ Văn Đương: “Lấy phiếu tín nhiệm là cảnh tỉnh, răn đe, không để có những cán bộ “chỉ ngồi hưởng lợi”
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đây là lần đầu tiên Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc quy định và quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi hạn chế, vướng mắc nên phải sửa đổi Nghị quyết 35. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường chiều qua (13/6), nhiều ĐBQH chưa thống nhất với hướng sửa đổi Nghị quyết 35 như Dự thảo được trình ra Quốc hội bởi “cái được khen thì mang ra sửa, cái bị chê thì giữ lại”.
Lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ, không có ý nghĩa
Đa số ĐBQH thống nhất đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm có nhiều tác dụng cho việc “nhắc nhở” các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn quan tâm hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và là cơ sở quan trọng để bố trí, đánh giá cán bộ. 
Lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm khiến thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, một năm là chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao vì có những hạn chế cần nhiều thời gian để khắc phục, nhất là những hạn chế có nguyên nhân khách quan.
Còn lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ thì chưa phù hợp “vì khó nâng cao trách nhiệm của những người được lấy phiếu tín nhiệm trong khắc phục hạn chế, thiếu sót, không đảm bảo tính kịp thời đánh giá cán bộ, làm cơ sở bố trí cán bộ” như nhận định của ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu). 
Do đó, đa số ĐBQH nhận thấy, “lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ như Dự thảo không có ý nghĩa gì vì không có cơ hội để đánh giá kết quả sửa chữa sau lấy phiếu tín nhiệm, nên kiến nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ (vào kỳ họp cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ). Như vậy, Quốc hội, HĐND sẽ đánh giá được việc sửa chữa, khắc phục hạn chế trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Và theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), nếu trong lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai của nhiệm kỳ mà vẫn tiếp tục có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì phải từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.
Không để lợi dụng việc lấy phiếu để trù dập, hạ uy tín cá nhân
Đó là kiến nghị của ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) khi đề cập đến mục đích và các giải pháp bảo đảm hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Trong thực tế, đã có không ít trường hợp lợi dụng các hoạt động bầu cử, lấy phiếu đánh giá để hạ uy tín cá nhân của cán bộ, công chức. Vì thế, ĐB Trương Minh Hoàng cho rằng, phải đưa qui định này vào Dự thảo Nghị quyết để việc lấy phiếu tín nhiệm không bị lợi dụng, ảnh hưởng đến công tác cán bộ vì kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 cũng là một cơ sở quan trọng để đánh giá, bố trí cán bộ. 
Cùng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thấy rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được nhìn nhận dưới góc độ “có làm thì có khuyết điểm”, chứ không nên biến việc lấy phiếu tín nhiệm như việc “bới móc” khuyết điểm, hạ thấp cá nhân vì những lợi ích, mục đích không có tính xây dựng, đi ngược bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm là “cảnh tỉnh, răn đe” cán bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, không để có những cán bộ “chỉ ngồi hưởng lợi” khiến người dân “chỉ nể “cái ghế” mà không nể trọng bản thân con người cán bộ”.
Bên cạnh đó, việc Dự thảo vẫn giữ 3 mức “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, “tín nhiệm cao” khiến nhiều ĐBQH không hài lòng. Như phân tích của một số ĐBQH: “Lấy phiếu ở 3 mức như vậy làm phân tán số phiếu và đánh giá không sát thực tế năng lực, trách nhiệm, tín nhiệm của cán bộ”. 
Khẳng định “trước áp lực của công việc mới bộc lộ ai là người vì công việc, vì dân, vì nước”, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, “trong công tác cán bộ nên trọng uy tín, quản lý lãnh đạo bằng uy tín” nên lấy phiếu tín nhiệm chỉ cần ở 2 mức để việc đánh giá được rõ ràng hơn... Đó cũng là kiến nghị của nhiều ĐBQH khi góp ý vào việc sửa đổi nội dung về các mức lấy phiếu tín nhiệm trong Dự thảo.
Theo nhiều ĐBQH, sau lần lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013), một số Bộ trưởng, Trưởng ngành có phiếu thấp như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chuyển biến, được đánh giá tốt, trong khi một số Bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo… lại chưa có chuyển biến đáp ứng yêu cầu.
Trước thực tế đó, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, “Quốc hội cũng nên xem xét trên tổng thể những người đã được lấy phiếu tiến bộ đến mức nào, đã đến mức phải bỏ phiếu chưa, phải đánh giá toàn diện, chứ không phải nhìn khơi khơi bên ngoài hay đánh giá phiến diện là không công bằng, chính xác. Nếu góp ý, đánh giá, lấy phiếu mà “tâm phục, khẩu phục” thì mới đạt kết quả chứ không chỉ nhìn phiến diện. Đối với những thành viên Chính phủ chưa có chuyển biến thì phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó phải có sự tác động, chỉ đạo quyết liệt hơn để các thành viên này khắc phục, uốn nắn, Chính phủ cũng phải tập trung chỉ đạo nguồn lực, đạo đức, nâng cao thêm trách nhiệm của cán bộ cho những ngành này”. 

Đọc thêm