Đi lao động “chui” ở nước ngoài: Rủi ro rình rập!

Hơn 165 công ty XKLĐ phải chăng không còn đủ uy tín để người lao động “chọn mặt gửi vàng” nên ngày càng nhiều người chọn đi XKLĐ bằng con đường cá nhân dù biết trước có nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng…

 “Làn sóng” xuất ngoại bằng “hợp đồng cá nhân”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có nghề thợ xây trong tay, sau gần chục năm bôn ba khắp trong Nam ngoài Bắc theo các chủ thầu xây dựng, anh Hoàng Quốc Bình ở Đô Lương- Nghệ An quyết tâm đi lao động xuất khẩu để “đổi đời”. Nhưng thay vì đi theo con đường chính thống là đăng ký nguyện vọng ở Ban chỉ đạo XKLĐ huyện Đô Lương, anh Bình lại “ôm tiền” đến nhờ “ cò” H ở Quỳnh Lưu.

Vốn đi giúp việc gia đình ở Đài Loan về, H nổi tiếng trong vùng như một “đầu dây” đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Đi đâu H cũng “khoe” mình có nhiều “mối” với chính chủ sử dụng ở nước ngoài và các “đại gia” trong làng XKLĐ. H từng tổ chức thành công cho nhiều chị em trong vùng đi giúp việc gia đình ở Macao. Năm 2008 khi “làn sóng” đi Séc lan tới vùng quê này, H cũng “nhanh chân” làm quen được với một “đầu dây” chuyên đưa người Việt Nam sang Séc theo diện visa kinh doanh và tổ chức đưa nhiều người đi Séc theo hợp đồng cá nhân.

 H “tư vấn” anh Bình nên đi lao động ở LB Nga bởi lương cao và phù hợp với tuổi vì anh H đã gần 40. Nộp 4000 USD cho cò H lo mọi thủ tục, cuối tháng 7.2009 anh Bình khăn gói sang Nga.

Thế nhưng chỉ chưa đầy 3 tháng, người làng lại thấy anh quay về, không một đồng xu dính túi. Nguyên do xưởng may anh làm ở bên Nga bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế nên nợ lương lao động rồi sau đó tuyên bố phá sản. Gần 30 lao động Việt Nam làm việc tại xưởng trong đó có anh Bình phải về nước trước hạn.

Song khác với những lao động được các công ty XKLĐ Việt Nam đưa đi, theo quy định, về nước trước hạn được bồi thường chi phí và hỗ trợ thêm, anh Bình không được bồi thường đồng nào. Đi tìm cò H thì thị đã biến vào miền Nam “trốn” do quá nhiều người đi Séc cũng bị về nước và một số lao động nữ thị đưa đi Macao cũng gặp rủi ro với chủ nhà.


Nếu như mười năm trước, người đi làm việc theo hợp đồng cá nhân thường là những chuyên gia, kỹ sư có thời gian làm việc với các đối tác nước ngoài sau đó được mời sang làm việc. Hoặc chủ yếu là một số người có kỹ năng “săn” việc toàn cầu qua mạng Internet. Thì giờ đây đối tượng đi lao động theo hợp đồng cá nhân đã mở rất rộng.

Một số vùng và lãnh thổ dễ dàng tiếp nhận lao động theo dạng hợp đồng cá nhân là U.A.E, Libia, Séc, Nga, Angola, Ixarel…Đặc biệt, một số nơi như Macao, việc đi theo hợp đồng cá nhân lại thuận tiện hơn cả con đường chính thống qua các công ty XKLĐ. Vì vậy, khi thị trường này mở cửa, hàng ngàn lao động nữ ở các vùng quê dù kiến thức và trình độ không có vẫn hăm hở qua các đường dây cò mồi để sang Macao làm giúp việc gia đình, bất chấp mạo hiểm.

Con số thống kê của cơ quan quản lý nhà nước cho thấy hiện có gần 5000 nữ lao động Việt Nam đang làm việc tại Macao mà không thông qua các công ty XKLĐ Việt Nam. Tương tự, khu vực U.A.E, số lao động đi theo hợp đồng cá nhân cũng lên tới gần 1 vạn người.


Sau U.A.E thì Séc và Nga cũng là hai thị trường hấp dẫn đối với những lao động đi theo hợp đồng cá nhân. Phần vì cả hai nước này đều khá quen thuộc với người Việt Nam, đều có những khu vực người Việt sinh sống rất đông, phần vì thu nhập khá hấp dẫn ( trên 500 USD/tháng).


Có thể nói, “làn sóng” xuất ngoại bằng hợp đồng cá nhân đã trở thành một xu thế mới trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thậm chí, có nhiều thị trường, Bộ LĐTBXH chưa cho phép doanh nghiệp làm, doanh nghiệp cũng chưa khai thác được đơn hàng thì đã có tình trạng môi giới cá nhân đứng ra làm cầu nối đưa lao động đi theo diện hợp đồng cá nhân.

Bungari và Angola là một ví dụ điển hình. Một con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy tại Anggola đang có cả ngàn lao động Việt Nam đi theo hợp đồng cá nhân trong khi chưa có bất cứ lao động nào sang nước này làm việc theo hợp đồng của các công ty cung ứng lao động xuất khẩu.


 . Rủi ro và cảnh báo

Chân dung một
Chân dung một "siêu lừa"XKLĐ

Đầu tháng 3 vừa qua, dư luận nóng lên khi 3 lao động Việt Nam đi theo diện hợp đồng cá nhân bị giết tại Luanda, Angola. Điều đáng nói là Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết chưa cho phép doanh nghiệp nào khai thác đơn hàng từ thị trường này.

Song trao đổi với phóng viên PLVN, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết số lượng lao động Việt Nam đi theo hợp đồng cá nhân tại Angola không phải là ít. Ông Lê Thanh Hà- giám đốc công ty XKLĐ Inmasco- cho biết do có đối tác chào đơn hàng nên gần đây công ty ông bắt đầu quan tâm tới thị trường này. Khảo sát ban đầu cho thấy Angola cần nhiều lao động kỹ thuật, nhất là thợ hàn có tay nghề.

 Với mức lương từ 800 USD- 1000 USD/ tháng, Angola rõ ràng là thị trường mới rất hấp dẫn. Tuy nhiên, do trước đây Angola đã tiếp nhận nhiều chuyên gia từ Việt Nam sang làm việc và ở lại định cư nên có nhiều lao động đã thông qua những “người ở lại” này sang Angola làm việc theo hợp đồng cá nhân. “

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thủ tục làm visa để sang Angola khá đơn giản. Cứ nộp 4500 USD cho môi giới ( cá nhân) ở Việt Nam là xong. Giấy tờ chủ bên kia gửi về sau khi lao động hoàn tất thủ tục sẽ gửi sang Trung Quốc để lấy visa”, ông Hà cho biết.


Chính bởi dễ dàng như vậy nên dòng người đổ sang Angola đang ngày một nhiều, bất chấp những cảnh báo rủi ro.


Điều đáng nói là gần đây, chính bản thân các doanh nghiệp XKLĐ cũng “né” luật để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân hoặc đi du học. Mới đây, công ty Sovilaco- một doanh nghiệp chuyên doanh XKLĐ có uy tín thuộc Bộ LĐTBXH đã nhập nhèm trong tuyển dụng lao động đi giúp việc nhà ở Mỹ với hình thức đưa lao động đi du học.

Công ty này thông báo tuyển lao động đi giúp việc nhà trong khi Mỹ không cho phép tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Vì vậy, tiếng là đi lao động song những ứng viên lại được “dán mác” là sinh viên đi du học, tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng thực hành và nâng cao trình độ tiếng Anh.

Cũng may chương trình sớm bị báo chí cảnh tỉnh nếu không người lao động lại “dẫm vào vết xe đổ” trước đây, khi một số doanh nghiệp đưa lao động sang Mỹ hái cam, cắt cỏ…nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng lao động đã phải về nước.

Thay lời kết


Đã đến lúc, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an và chính quyền các địa phương cần phối hợp để ngăn ngừa hiện tượng lợi dụng hình thức hợp đồng cá nhân để  đưa người ra nước ngoài trái phép cũng như hiện tượng cò mồi địa phương trục lợi từ hoạt động môi giới trái phép này.

Còn người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng cá nhân, kẻo  “tiền mất, tật mang”.

Anh Phương

Đọc thêm