Đột nhập “tử địa” vàng

 Phải chăng “địa ngục trần gian” là đây? Trả lời câu hỏi này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi lại chuyện tai nghe mắt thấy trong lần nhập vai phu vàng, đột nhập vùng nóng của bãi vàng Quảng Nam.
Ngày 3/4, gần 100 phu vàng của Công ty TNHH Phước Minh (khai thác vàng tại bãi Khe Tăng, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã cắt rừng, vượt núi, trốn chạy cả trăm kilômet ra đến thị trấn Khâm Đức. Đoàn người tả tơi như quân thất trận, vừa đi vừa hô to “Tự do… Tự do muôn năm”, “Đói cũng về”… và định đi bộ gần 600km để về quê ở Nghệ An do không chịu nổi điều kiện lao động “khổ sai”. 
Trước đó, ngày 27/3, hai phu vàng “nhí” quê Thanh Hóa cũng có cuộc vượt rừng sinh tử để đào thoát khỏi bãi vàng Phước Sơn sau hơn một năm bị vắt kiệt sức lực. 
Một đêm tiêu tiền ở Khâm Đức
“Thị trấn vàng” Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) nằm ngay dưới chân dãy Trường Sơn. Giá sinh hoạt ở đây còn đắt đỏ hơn cả Sài Gòn, Hà Nội. Hàng chục năm qua, vàng luôn là câu chuyện thời sự, hiển hiện trong mỗi lời nói, dáng vẻ và kiếp người nơi này.  
Chủ một khách sạn vào loại đẹp nhất ở thị trấn Khâm Đức nói: “Các anh gặp may vì khách sạn có hai phòng mới trả. Hôm qua không có chỗ đâu”. Giá mỗi phòng 500 ngàn đồng/đêm đủ biết khách đến đây “chơi sộp” cỡ nào. 
Người xứ này cho biết, ông chủ khách sạn trên cũng là dân đào vàng từ nơi khác lên. Sau cả chục năm chịu đựng đói khát, rách rưới, chừng đâu 5 năm trước mới trúng được một hầm vàng lớn, không rõ bao nhiêu. Có tiền, ông bỏ nghề, mua đất xây khách sạn và bám trụ lại. Nhờ chỉ quán ăn nhậu nơi dân vàng hay ngồi và các điểm ăn chơi khác, ông ta tủm tỉm dặn dò: “Đi đứng cẩn thận và mang nhiều tiền”.
Cái thị trấn vàng nhỏ bé, lộn xộn, giống như một khuôn mặt người khó coi khi các bộ phận được sắp xếp một cách bất hợp lý. Thỉnh thoảng, bên những con đường nhỏ hẹp đầy bùn đất bỗng có vài căn biệt thự ngạo nghễ hay khách sạn chọc trời. Người lái xe ôm vừa chỉ vừa kể lai lịch chủ nhân những căn nhà khổng lồ ấy. 
Lời kể, không biết có bao nhiêu phần thêu dệt nhưng nghe rất bí hiểm: ông A trúng cả chục ký vàng, ông B được trời cho sau khi suýt đổi mạng vì sập hầm… Tất cả câu chuyện đêm đó chúng tôi nghe đều liên quan đến chữ “vàng”. 
Cá niên, một loại cá như lòng tong, được coi là đặc sản của Khâm Đức. Đây là giống cá ở suối rừng đầu nguồn Quảng Nam, ăn có vị hơi đắng vì không ai làm ruột. Bà chủ quán vừa mang đĩa cá và nước lẩu ra, vừa tranh thủ giới thiệu với khách. Bữa ăn cho 5 người chỉ có hai món canh lẩu, mặn, cộng thêm hơn chục lon bia, hóa đơn tính tiền lên đến gần một triệu đồng. 
Quán buổi tối khá đông nhưng không thấy người bản xứ. Những khuôn mặt lầm lì, râu tóc xù xì, da xam xám, tay chân cáu bẩn… họ là dân đào vàng từ nơi khác đến, trong rừng ra. Tất cả lầm lũi ăn, ánh mắt chỉ nhìn vào thức ăn và hầu như im lặng, thỉnh thoảng mới nói nhỏ với nhau điều gì đó. Bia rượu vẫn uống ừng ực nhưng không một tiếng hô, tất cả ăn uống thật nhanh.
Cách đó dăm trăm mét, một quán Karaoke đèn chớp xanh đỏ, cũng người nườm nượp, toàn dân vàng. Giá cả chém “ngọt tới xương”: một két bia, vài ba cô phục vụ nhún nhảy, sau hai tiếng, hóa đơn đưa ra gần hai triệu đồng. 
Đi ngang các phòng, hình như không còn chỗ trống, trước ánh đèn, cạnh váy ngắn, những khuôn mặt lầm lì, bí hiểm trở nên ngây dại. Gần nửa đêm, Khâm Đức vẫn đông đúc, tuy không ồn ào. Kẻ đi người lại vẫn dập dìu, tất cả như miên man trong giấc mơ vàng.
Hoang tàn, hung hãn, bãi vàng “chẳng sợ ai”
Từ xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn), đi đò vượt Hòn Kẽm Đá Dừng lên xã Hiệp Hòa (huyện Hiệp Đức). Buổi chiều không mưa nhưng nước sông Thu Bồn đỏ quạch, bọt bèo trôi lềnh bềnh. Người lái đò cảnh báo: “Đừng thò chân xuống, coi chừng ghẻ ngứa”. 
Làng Trà Linh (thuộc xã Hiệp Hòa) nằm trên thượng nguồn, từ con đò nhỏ nhìn vào chỉ thấy núi cát và hố sâu. Ba chiếc tàu cuốc chuyên dùng để khai thác vàng cao bằng tòa nhà 3 tầng, đang khoan hút quặng với sự hỗ trợ của xe xúc, xe ủi. Những núi cát khổng lồ che lấp đường ra bến sông, khuất mất lũy tre làng. Nước thải đỏ ngầu từ những hố khoan của tàu cuốc được khơi dòng chảy ầm ầm ra sông. 
Thượng nguồn sông Thu Bồn ở đoạn này bị đá sỏi từ hầm vàng đổ ra lấp hẳn, chỉ nhỏ như một con suối. Toàn cảnh bãi vàng sa khoáng tại làng Trà Linh hoang tàn hơn cả một công trình thủy điện bạt núi lấp sông. 
Phu vàng ở Trà Linh.
Phu vàng ở Trà Linh. 
Chúng tôi vừa bước lên bãi, những chiếc tàu cuốc, xe xúc bỗng nhiên tắt máy. Một thanh niên đi tới, mặt lạnh tanh, hất hàm: “Các anh vào đây làm chi?”. Ngay lập tức, từ trong những chiếc tàu cuốc, các thợ đào đãi vàng khác đồng loạt bước ra, dùng điện thoại gọi í ới những người khác ở lán trại từ trên cao đi xuống. 
Một đám đông liều lĩnh, hung hãn vài ba chục người đều cầm “hàng nóng” trên tay, tràn xuống bến sông, nơi có khách không mời. Người lái đò cho biết: “Bọn này đang khai thác mỏ giai đoạn cuối, tàn phá tận lực chẳng sợ ai”. Mấy năm trước, hội đào vàng phá từ bãi đầu làng, nay đã tới đây, dài mấy cây số. 
Bãi vàng sa khoáng làng Trà Linh của Công ty TNHH Nhất Phương (trụ sở tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Giữa năm 2008, Công ty này được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác cát sạn, tuy nhiên hoạt động mấy tháng bị người dân địa phương phát hiện không khai thác cát mà chỉ đào quặng khai thác vàng sa khoáng. 
Bị dư luận phản ứng, UBND tỉnh Quảng Nam “sửa sai” bằng cách cấp giấy phép bổ sung cho Nhất Phương được tận thu vàng sa khoáng trong quá trình khai thác cát sỏi từ ngày 24/11/2008. Có được giấy phép, Công ty này làm tới, huy động lúc cao điểm lên tới sáu chiếc tàu cuốc, đào hút quặng vào tận rìa làng, gây sạt lở đất trồng hoa màu. Dân làng chịu không thấu, năm 2009 đã kéo ra đập phá tàu cuốc, đuổi kẻ khai thác đi chỗ khác, song chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn. 
Bài ca sầu oán bên dòng sông chết
Bãi vàng sa khoáng Trà Linh bị đào xới.
Bãi vàng sa khoáng Trà Linh bị đào xới.
Sau 3 năm đào xới, bãi vàng sa khoáng Trà Linh coi như đã bị “làm thịt” xong. Điểm khai thác còn lại mà chúng tôi chứng kiến 3 chiếc tàu cuốc đang hoạt động đã là cuối bãi. Khi vàng đã tận thu, kẻ khai thác bỏ đi, để lại một đống ngổn ngang đất đá, hầm hố. Nhìn từ trên cao xuống, suốt chiều dài 3km là những dãy núi cát sạn ngổn ngang lấp dòng Thu Bồn, những hố sâu hun hút chẳng dễ gì san lấp. 
Ở thượng nguồn sông Thu Bồn không chỉ có mỗi điểm này. Ven sông Tranh (thuộc huyện Hiệp Đức) còn có hai công ty khác cũng được cấp giấy phép khai thác vàng sa khoáng kiểu tương tự. 
Sông Thu Bồn và sông Vu Gia, hai con sông lớn nhất tỉnh Quảng Nam đã thành những con sông chết. Ngày nay, đi dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, vẻ đẹp thanh bình của những làng mạc bãi bồi ngày xưa đã thực sự biến mất. Hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu tắm sông, những cô gái chiều chiều ra gánh nước, những chiếc thuyền chài buổi hoàng hôn đã trở thành dĩ vãng. 
Những làng chài như Tí, Sé, Khánh Bình, Bến Đồn… nổi tiếng đánh cá sông giờ xơ xác. Ngư dân đã bỏ thuyền lên bờ kiếm sống vì tôm cá không còn. Cái còn lại duy nhất là những bài ca sầu oán của những con người muôn đời gắn bó và sống lầm lũi hai bên bờ sông.                                    
(Còn tiếp)

Đọc thêm