Đừng yêu nước theo kiểu quá khích!

(PLO) - Những công nhân quá khích, có cả những phần tử đội lốt công nhân kích động, xúi giục phá hoại hàng loạt nhà máy, công xưởng có biển chữ Tàu. Không chỉ ở Bình Dương, làn sóng bất thường này đang có chiều hướng lan ra ở nhiều tỉnh thành khác có người Trung Quốc sinh sống và làm việc. Hành vi này vô hình trung tạo ra một sự bất ổn chính trị làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên “đáng sợ” trong mắt các nhà đầu tư. Cùng với bài viết "Quá khích không phải là biểu hiện của lòng yêu nước" chúng tôi đã gặp gỡ nhiều chuyên gia hàng đầu để lắng nghe ý kiến của họ về vấn đề này.
Đừng yêu nước theo kiểu quá khích!
* PSG - TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, Chuyên gia đầu ngành về Quốc tế học - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học
Yêu nước theo kiểu quá khích sẽ hết sức nguy hiểm
“Tôi thực sự quan tâm và lấy làm lo lắng về vụ việc gần 20.000 công nhân gây rối và phá hoại tài sản ở Bình Dương. Nhiều người quá khích không chỉ phá công xưởng Trung Quốc mà còn của các nước khác, điều này gây ra những quan ngại trong quan hệ quốc tế với các nước đang có quan hệ ngoại giao và kinh tế với nước ta. Việc tuần hành phản đối là một chuyện, còn đi đập phá tài sản lại là chuyện khác. Sự việc này nó nguy hiểm không kém cuộc chiến ở ngoài vùng biển Hoàng Sa. Việc đập phá các cơ sở kinh tế sẽ làm cho tình hình thêm hỗn loạn và căng thẳng. 
Sự quá khích ấy hoàn toàn không có lợi cho ta, bởi biết đâu đằng sau đó có những sự xúi giục, chống đối để gây rối loạn, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị. Và biết đâu đây là một hành động có chủ ý để kẻ khác mượn cớ gây hấn và can thiệp. Và Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ sẽ bảo vệ công dân và lợi ích của họ tại Việt Nam. Nếu việc đập phá lan rộng, kéo dài, không kiểm soát thì vô cũng nguy hiểm. Sự kiện này ở Việt Nam về bản chất không giống ở Ucraina, nhưng biết đâu Trung Quốc lại dùng chiêu bài này để có các hành động can thiệp. Hẳn các bạn còn nhớ Nga đã cảnh báo chính quyền Ukraina phải bảo vệ người nói tiếng Nga và rồi họ tìm cớ để can thiệp cũng từ điều này.
Như vậy lòng yêu nước phải được đặt đúng nơi, đúng chỗ và các hành động thể hiện lòng yêu nước phải xuất phát từ các nền tảng văn hóa, truyền thống và hơn cả là đúng pháp luật. Lòng yêu nước không được kiểm chế sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Hiện tại tất cả cần phải bình tĩnh, nhẫn nại và hết sức kiềm chế. Chúng ta phải kiên định con đường đấu tranh ngoại giao. Sự thiếu kiềm chế có thể làm cho chúng ta thất bại trên mặt trận này.Và sự thiếu kiềm chế cũng chính là cái bẫy họ giăng ra để khiến chúng ta rơi vào thế khó xử.
Nhân đây tôi cũng làm tôi gợi nhớ đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Bài học về cái cớ để xâm lược vẫn còn đó. Vậy nên tất cả những người yêu nước theo tôi đấu tranh thì phải có phương pháp, và đừng để lòng yêu nước quá khích bị địch lợi dụng biến thành chính một loại vũ khí hữu dụng để họ chống lại chúng ta…”
* PGS.TS  Nguyễn Thị Minh Thái - Giảng viên Khoa báo chí - Truyền thông ĐHKHXH&NV Hà Nội
Yêu nước mà phản ứng tiêu cực như thế, có nên?
“Tôi nghe tin ở một số nơi trên đất nước mình,  một số không nhiều người Việt mình đã có những phản ứng nông nổi và tiêu cực đối với người Trung Quốc, bằng cách đập phá những cơ sở sản xuất, những công ty, những máy móc thiết bị của Trung Quốc và cư xử một cách thù địch với người Trung Quốc đang làm ăn hoặc du lịch hợp pháp trên đất nước ta, nhằm biểu lộ tinh thần yêu nước và phản đối việc giàn khoan 981 của Trung Quốc  ngang ngược xâm phạm lãnh hải của Việt Nam.
Dù thông cảm và rất ủng hộ việc biểu lộ lòng yêu nước mãnh liệt, trong những thời điểm, tình thế lịch sử gay cấn, nhất là khi Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa an ninh biển Đông, song, tôi vẫn không thấy mình không đồng thuận với những cử chỉ thiếu kiềm chế và tiêu cực như trên của một số đồng bào. Tôi bỗng nhớ một câu thơ trong Kiều của Nguyễn Du, khi thi hào vĩ đại này bình luận về cách yêu không phải lối của một nhân vật trong Kiều, với nàng Kiều, rằng: “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”. 
Từ đó, tôi chạnh nghĩ rằng yêu nước có rất nhiều cách biểu lộ và trong đó, cái cách vừa nêu ra ở trên không phải là cách tích cực, đúng hướng và đúng cách. Lại càng không phải là cách biểu lộ lòng yêu nước một cách thông minh, trong trẻo, sôi nổi và đẹp nhất, trong thời khắc lịch sử này, khi toàn dân Việt đồng lòng hướng về biển Đông, cùng bạn bè quốc tế phản đối âm mưu làm bá chủ biển Đông của Trung Quốc.
Thay vì biểu lộ tiêu cực như thế, tại sao không chọn một hay nhiều cách tích cực hơn, như xuống đường biểu tình phản đối hành động ngang ngược đối với chủ quyền biển trong biển Đông của Việt Nam, tố cáo vi phạm luật biển quốc tế của Trung Quốc, gửi tiền, quà tặng, sách báo… quyên góp cho những người lính, những người kiểm  ngư viên, chiến sỹ cảnh sát biển bị thương khi làm nhiệm vụ, hay bày tỏ sự kiên quyết giữ vững quan điểm lập trường của người Việt trước lãnh hải, trước hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, một cách tích cực và đúng hướng. Hơn nữa, Việt Nam lại đang được bạn bè quốc tế ủng hộ những hành vi chính đáng của người Việt trong phản ứng yêu nước và kiên tâm bảo vệ Tổ Quốc.
Vậy can cớ gì mà một số người Việt mình lại chọn lựa những phản ứng nông nổi và cạn nghĩ như trên? Và như thế, có thể bị sa bẫy “manh động” mà Trung Quốc đã giăng. Và yêu nước mình, theo cách ấy, có thể đã làm tổn hại đến chính mình, vậy thì có nên yêu theo cách ấy không? Câu trả lời của tôi là không!”
* ThS. Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu Nghệ An
Người dân biểu tình phải phân biệt Nhân dân Trung Quốc và thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc
Tổ quốc lâm nguy cũng là khi lòng yêu nước từ ngàn đời của dân tộc Việt luôn được phát huy một cách cao nhất. Nhân dân cả nước đã và đang phẫn uất trước kiểu hành xử theo “luật rừng”, bất chấp đạo lý và pháp lý của giới cầm quyền Trung Quốc. Việc bày tỏ lòng yêu nước là rất đáng trân trọng và yêu nước cũng có nhiều cách. Tuy nhiên, lợi dụng những cuộc míttinh, biểu tình của quần chúng phản đối những lời nói và hành động  ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc, một số phần tử xấu đã làm những việc có tính chất lưu manh, vi phạm pháp luật của Việt Nam, phá hoại quan hệ giữa nhân dân hai nước. Tất cả những ghành động đó, theo tôi phải nghiêm trị theo pháp luật.
Trong khi thể hiện lòng yêu nước, mỗi chúng ta phải hết sức cảnh giác, đề phòng, ngăn chặn và xử lý kịp thời những phần tử lưu manh, quá khích và phản động. Mỗi người Việt Nam yêu nước cần phân biệt rõ nhân dân Trung Quốc với những thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam giành thắng lợi vì có sự ủng hộ và đoàn kết của nhân dân Pháp và Mỹ. Ngày nay, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhân dân Việt nam cũng cần có sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc.
Hãy phân biệt rõ bạn và thù. Phải bảo vệ các doanh nghiệp của các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Trung Quốc. Hãy yêu nước một cách tỉnh táo và đừng vì cách thể hiện yêu nước thái quá sẽ rơi vào cái bẫy của kẻ thù. Đừng làm méo mó hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trước nhân dân thế giới./.

Đọc thêm