Kho báu Vua Hàm Nghi chỉ là tin che đậy tà ý?

(PLO) - Câu chuyện về kho báu của Vua Hàm Nghi gắn liền với việc vua xuất bôn rời khỏi kinh thành và phát hịch Cần Vương giành quyền độc lập. Nhiều quan điểm cho rằng những tin đồn về kho báu của Vua Hàm Nghi chỉ là “nhảm” để che dấu một âm mưu của thực dân.
Vua Hàm Nghi bị bắt (tranh vẽ của họa sỹ Pháp)
Vua Hàm Nghi bị bắt (tranh vẽ của họa sỹ Pháp)
Vua Hàm Nghi xuất bôn, cuộc dời đô của Vương triều Nguyễn
Phản ứng sự đô hộ của Pháp, vào đêm 22, rạng sáng 23/4 âm lịch (tức ngày 5 – 6/7/1885), hai quan phụ chính đại thần thuộc phe chủ chiến là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Một mặt Tôn Thất Thuyết tổ chức cho vua Hàm Nghi cùng Tam cung (ba bà Hoàng thái hậu) rời khỏi kinh thành. 
Nguyễn Văn Tường cho người rước Vua Hàm Nghi tới thành Quảng Trị. Việc làm này có ý nghĩa như một cuộc dời đô, Vua Hàm Nghi từ bỏ kinh thành và không thừa nhận sự bảo hộ của Pháp, lập thủ đô mới làm căn cứ kháng chiến. 
Ngày 9/7, do bị Pháp truy đuổi, vua Hàm Nghi tách khỏi đoàn chung với Tam cung, lên đường đi Tân Sở. Tại Tân Sở, Vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Vua Hàm Nghi, sĩ phu cả nước đã nổi dậy khởi nghĩa, nhưng vì rải rác các nơi nên lực lượng không mạnh. Nhà vua đã hai lần xuống dụ Cần Vương trong đó có một lần gửi thư cầu viện cho Tổng đốc Vân Quý của triều Mãn Thanh và rất nhiều chỉ dụ khác tới các quan lại, lãnh tụ của phong trào chống Pháp.
Trong suốt thời gian kháng chiến của Vua Hàm Nghi, Vua Đồng Khánh và 3 bà Thái hậu liên tục gửi thư kêu gọi vua trở về nhưng ông khảng khái từ chối. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Paul Bert đã định thỏa hiệp lập Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình nhưng cũng không thành. Nhà vua thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa của người Pháp.
Tại căn cứ địa lãnh đạo phong trào Cần Vương, Tôn Thất Thuyết cử con là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp hộ giá bảo vệ Vua Hàm Nghi, cùng đề đốc Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân chia nhau phòng thủ và tấn công lực lượng Pháp trong vùng. 
Tới tháng 9/1888, suất đội Nguyễn Đình Tình phản bội ra đầu thú với Pháp tại đồn Đồng Cá, lại dụ được Trương Quang Ngọc. Tình và Ngọc đem quân đi vây bắt Vua Hàm Nghi. 
Đêm khuya 26/9/1888, Tôn Thất Thiệp bị đâm chết. Vua Hàm Nghi bị bắt. Khi đó, ông mới 17 tuổi, chống Pháp được 3 năm. Nhà vua đã chỉ thẳng vào mặt Ngọc mà nói rằng: “Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây”. 
Tin đồn để che lấp việc cướp phá kinh thành Huế
Riêng về kho báu mà mang theo khi rời khỏi kinh thành Huế thì có thông tin cho rằng, vua đã kịp giấu vào một địa điểm bí mật tại Minh Hóa.
Nhà truyền giáo người Pháp Henri de Pirey đã viết trên tạp chí “Bulletin des amis du vieux Hué” vào năm 1914 cho rằng trước khi rút khỏi kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi đã chuyển kho báu của hoàng cung đến phía Bắc.
Kho báu này ước chừng 950 thùng, trong đó có 400 thùng đựng đầy vàng và 150 thùng đựng đầy bạc. Số còn lại là các đồ đá quý nhất trong nước. Tuy nhiên, vì cuộc chiến nên nhà Vua chỉ mang theo 100 thùng. Số còn lại đang được cất giấu ở một nơi nào đó. Chính tài liệu này đã là nguồn cho những lời đồn đoán về kho vàng của vua Hàm Nghi. 
Chiếu Cần Vương
Chiếu Cần Vương 
Một sự thực khác, là sau sự biến vua Hàm Nghi xuất bôn thì tài sản, báu vật của triều đình Huế và của hoàng gia bị thất thoát rất nhiều mà chủ yếu là do sự cướp phá của binh lính Pháp.
Sau ngày Vua Hàm Nghi xuất bôn, quân lính Pháp tràn vào chiếm đại nội, phần lớn kho báu trong hoàng cung đã lọt vào tay người Pháp. Cuộc thất thoát kho báu của các vua triều Nguyễn kéo dài 2 tháng sau ngày kinh đô Huế bị thất thủ bởi người Pháp vào tháng 7/1885 đã gây tai tiếng hơn cả cuộc cướp phá lâu dài của hoàng đế nhà Thanh ở Bắc Kinh.
Sau này, Vua Đồng Khánh nhiều lần đòi lại kho báu đã bị người Pháp lấy đi như biên bản ngày 21/3/1888 của Pháp đã ghi: “Trở lại chuyện đã bàn trước đây, hoàng thượng (Vua Đồng Khánh) nhắc rằng các vật phẩm quý giá của hoàng gia bị thất thoát sau biến cố ngày 5/7 và chắc chắn hiện giờ đang nằm trên đất Pháp, giá trị nhất là chuỗi kim cương kết lại từ đời Vua Gia Long cho đến đời Vua Tự Đức, cùng một bảo kiếm nạm ngọc quý truyền lại từ đời Vua Gia Long”.
Một trong những vật ấn tượng trong kho báu hoàng cung là con voi bằng vàng đúc rất tinh xảo, đã bị hai người Pháp có trọng trách tranh giành, cuối cùng con voi vàng (Kim Tượng) là báu vật truyền đời kia bị chặt ra làm hai chia mỗi người một nửa. 
Chắc hẳn, trong tình thế di dời gấp rút chỉ trong một đêm, với những phương tiện vận chuyển hạn chế thời đó, vua Hàm Nghi và đoàn tùy giá khó có thể đem theo nhiều báu vật. Những báu vật phần lớn bị thất thoát do sự cướp bóc của quân đội Pháp. Sự thổi phồng về kho báu vua Hàm Nghi phải chăng để lấp liếm cho sự cướp đoạt này?.
Chết vì giấc mơ chiếm kho báu Vua Hàm Nghi
Vào khoảng 7h ngày 6/10/2013, trên núi Mã Cú, một người dân địa phương phát hiện thi thể của ông Nguyễn Hồng Công tại lán trong tình trạng đang phân hủy. Hơn 33 năm qua ông Công (SN 1952, quê Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; thường trú TP.HCM) đã bám núi Mã Cú (thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình) tìm kho báu mà ông cho rằng của vua Hàm Nghi đang tồn tại ở đây nhưng không tìm được bất cứ vảy vàng nào. 
Chính quyền nhiều lần đưa ông về Đồng Hới, mua vé tàu cho ông đoàn tụ gia đình nhưng sau đó ông lại quay trở lại và tự dựng lán nhỏ trên núi, xa khu dân cư. Được biết, hàng chục năm tìm kiếm, ông Công đã tiêu tốn hàng tỷ đồng và đã nhiều lần tuyên bố tìm thấy kho báu nhưng tất cả đều là con số không.

Đọc thêm