Một số sàn BĐS Hà Nội là “cò đất” lên đời"?

Chị Hà đặt cọc để mua một lô đất tại dự án Đô thị mới Vân Canh. Tuy nhiên, gần nửa năm sau thì sàn BĐS Info chính thức thừa nhận rằng, “giao dịch mua nhà không thành công do lý do khách quan” và chấp nhận chịu phạt “sau khi làm việc với chủ đầu tư”.

Cùng với việc nở rộ các sàn giao dịch bất động sản trong thời gian qua thì nhiều vụ lừa đảo thông qua môi trường mua bán nhà đất mới mẻ này cũng đã xuất hiện. Ngoài cả tin của bị hại vào “sàn” thì yếu tố chính để các đối tượng lợi dụng là việc mập mờ thông tin về các bất động sản được đưa ra giới thiệu trên sàn, cộng với các giao dịch “tay đôi” đầy bất trắc…

Cảnh báo một thủ đoạn mới

Dường như có tâm lý, BĐS được đưa lên “sàn” là đã đủ điều kiện mua bán, nhiều khách hàng sẵn sàng lao vào những giao dịch hàng tỷ đồng mà không biết rằng, đây có thể là những căn nhà chưa hề đưa ra giao dịch trên thị trường. 

Điển hình là vụ Giám đốc và Phó Giám đốc Cty CP Đầu tư Phát triển Đài Việt lừa đảo bán nhà đất tại một dự án được gọi là “Indochina Dương Nội” (Hà Đông - Hà Nội). Các đối tượng này đã dùng giấy tờ giả để bịa ra dự án “Indochina Dương Nội” rồi tiến hành rao bán các lô của dự án này trên các sàn BĐS. Tại sàn BĐS Galaxy, anh Nguyễn Hữu Dũng - trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội- đã bị “sập bẫy” khi được các nhân viên ở đây gợi ý,  sẽ để lại 1 lô để bán cho anh Dũng với giá tiền chênh lệch 12,5 triệu/m2, nếu mua thì phải nộp tiền đặt cọc cho sàn. Sau khi nộp cho nhân viên sàn 50 triệu đồng tiền đặt cọc, anh Dũng mới phát hiện khu đất trên thực chất là của Tập đoàn Nam Cường nên đã tố cáo vụ việc đến cơ quan công an.

bds.jpg

Mới đây, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội khám phá một vụ lừa đảo mua bán căn hộ tương tự. Đối tượng Nguyễn Ngọc Thành - khi biết thông tin về dự án Petromanning - đã nhận mình có thỏa thuận góp vốn với Cty CP Phát triển Nguồn lực và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (Petromanning) để liên hệ rao bán nhà đất qua Sàn BĐS Hà Thành. Sau khi nhận 50 triệu đồng tiền cọc của người mua thì vụ việc bị phát giác vì Thành không có thoả thuận góp vốn nào cả. Còn chủ sàn BĐS Hà Thành đã phải thừa nhận là mình đã "rao bán khống"- gặp khách rao bán nhà đất dự án là lập tức đăng quảng cáo rao bán như thể dự án đó là của mình. Tuy cam kết với khách là "đã ký hợp đồng với chủ đầu tư" nhưng bản thân sàn BĐS cũng không biết "mặt mũi" dự án như thế nào, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của nhà đất rao bán ra sao.Sàn làm ẩu, khách hàng lãnh đủ?

Sàn giao dịch bất động sản là nơi diễn ra các giao dịch BĐS và cung cấp các dịch vụ cho kinh doanh BĐS, phải từ chối đưa lên sàn những BĐS  không đủ điều kiện giao dịch. Nhưng với cách làm ẩu như trên thì các sàn BĐS không thể thoái thác trách nhiệm trong những vụ việc lừa đảo này; nhất là khi các sàn này lại tự đứng ra nhận tiền đặt cọc của khách hàng mặc dù sàn không có uỷ quyền hoặc không có hợp đồng đưa BĐS lên sàn của chủ đầu tư.

Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi đã tiếp nhận thêm thông tin phản  ánh từ một số khách hàng khác của sàn Bất động sản Info Việt Nam, cho thấy rõ hơn sự bất bình thường trong các phương thức giao dịch của “sàn”: mập mờ về sổ sách, chứng từ và trên hết khách hàng luôn là người gánh chịu rủi ro. Ngay ở các mẫu văn bản giao dịch do “sàn” này soạn sẵn thì rủi ro cũng luôn treo trên đầu khách hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.

Mới đây, sàn Bất động sản Info Việt Nam (Cty CP BĐS Info Việt Nam-Toà nhà 15 T, Nguyễn Thị Định, Hà Nội) cũng phải trả lại cho một khách hàng 100 triệu đồng tiền do đã nhận đặt cọc để “giao dịch” giúp mua nhà nhưng không thành.

Tuy nhiên, khách hàng (chị Bùi Thị Thanh Hà, trú tại phường Giảng Võ, Hà Nội) vẫn không chấp nhận việc trả lại tiền mà yêu cầu sàn BĐS Info phải chịu phạt 100 triệu theo đúng nội dung “Hợp đồng đặt cọc” mà hai bên đã ký trước đó. Theo Hợp đồng này, chị Hà đặt cọc để sàn BĐS giao dịch giúp mua một lô đất tại dự án Đô thị mới Vân Canh- HUD (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Tuy nhiên, gần nửa năm sau thì sàn BĐS Info chính thức thừa nhận rằng, “giao dịch mua nhà không thành công do lý do khách quan” và chấp nhận chịu phạt “sau khi làm việc với chủ đầu tư”.

Khi được hỏi “chủ đầu tư” nêu trên là đơn vị nào, bà Đỗ Kim Tuyến (Giám đốc phòng Giao dịch Trung Hoà II, Cty BĐS Info) thừa nhận,“không phải trường hợp giao dịch nào, chúng tôi cũng có BĐS từ chủ đầu tư” và “lô đất liên quan đến Hợp đồng đặt cọc của chị Hà là suất đất ngoại giao chứ không phải trực tiếp từ Công ty HUD” .

Như vậy, có thể hiểu, sàn BĐS Info ký hợp đồng nhận đặt cọc với chị Hà để giao dịch một BĐS không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Đáng nói hơn, việc nhận đặt  này lại chỉ do nhân viên Phòng giao dịch thực hiện bằng một văn bản chỉ có dấu treo của Cty mà không có uỷ quyền của Giám đốc Cty. Thay vì làm đúng chức năng là đảm bảo tính pháp lý của BĐS, thực hiện môi giới và hưởng phí thì sàn BĐS Info lại đứng ra thoả thuận giá cả với chị Hà mà không để khách hàng trực tiếp giao dịch, đặt cọc với người có BĐS.

Bức xúc trước việc làm mập mờ này, chị Hà cho biết: “Dường như sàn BĐS cứ thấy khách hàng là đề nghị họ ký hợp đồng đặt cọc rồi mới liên hệ với người có nhà đất để thoả thuận. Nếu không có BĐS  thì sàn lại trả lại tiền cho khách trong vòng 24h sau mà không phải chịu phạt. Và cũng  không loại trừ sàn BĐS đã tự ý nâng giá để ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng, hưởng chênh lệch khi giao dịch thành công” .

Việc mua bán BĐS như trên cho thấy, rủi ro thì nhiều mà cơ hội giao dịch thành công là rất ít vì bản thân BĐS đưa ra giao dịch đã không hợp lệ, hợp đồng đặt cọc có nhiều vi phạm… Nếu hoạt động như vậy, phải chăng một số sàn BĐS chỉ là “cò đất” được lên đời hay “Trung tâm môi giới nhà đất” được đổi tên?. 

Khoa Lâm
     

Đọc thêm