Nỗi niềm gia đình thuê trực thăng cứu chân con dâu

Bố mẹ chồng nạn nhân cho biết ông bà đau lòng đến gần như kiệt sức sau tai nạn của con dâu. Đã không giữ được chân cho Thảo, nay gia đình còn phải đối diện với rất nhiều lời đồn đoán về sự giàu có và mối quan hệ “cỡ bự” khi gọi được trực thăng vào.

Ngày 10/8/2012, một tai nạn giao thông bất ngờ xảy đến với cô giáo Trần Thị Thảo (SN 1975, ngụ xã Thạch Đồng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) ngay khi cô vừa rời nhà để tới trường nhận lớp trong năm học mới. Vụ tai nạn làm chân phải của nạn nhân dập nát, các bác sĩ tại bệnh viện tỉnh cho biết bệnh nhân phải được chuyển lên tuyến trên trong thời gian sớm nhất có thể, nếu không sẽ phải cắt chân mới giữ được mạng sống.

Một quyết định táo bại đã được gia đình nhà chồng cô giáo đưa ra: Thuê trực thăng cấp cứu bệnh nhân để cố giữ lại đôi chân lành lặn. Hàng trăm triệu đồng đã “bay” theo quyết định này, dù chân nạn nhân vẫn không kịp giữ, gia đình lại thêm “tai tiếng” với những lời đồn đoán. Nhưng điều quý giá còn lại là tình cảm gia đình, và chân lý “người còn, của còn”.

Máy bay đưa nạn nhân từ Hà Tĩnh về Hà Nội. Ảnh: Duy Tuấn
Máy bay đưa nạn nhân từ Hà Tĩnh về Hà Nội. Ảnh: Duy Tuấn

Dám bán nhà cứu chân con dâu

Đã một tuần kể từ sau sự kiện máy bay trực thăng đáp xuống sân vận động thành phố Hà Tĩnh để cấp cứu bệnh nhân Thảo, người địa phương vẫn chưa hết xôn xao về vụ việc. Tại nhà của nạn nhân, chỉ còn bố mẹ chồng và hai đứa con nhỏ, chị Thảo hiện vẫn điều trị tại Hà Nội, đi theo phục vụ là chồng và một số người thân trong gia đình.

Bố chồng nạn nhân thở dài: “Cố gắng hết sức mà cuối cùng vẫn không giữ được chân cho con dâu. Khi nghe người nhà ngoài kia thông báo buộc phải cưa chân vì hoại tử không cứu được, chúng tôi gần như ngất lịm. Cứ nhìn thấy hai đứa cháu là nước mắt lại chảy”.

Chị Thảo là giáo viên dạy văn tại một trường THCS của huyện Lộc Hà. Bình thường chị ở nội trú tại trường cách nhà khoảng 10 km, nay đang thời gian nghỉ hè nên 3 mẹ con chị đều về ở với ông bà nội. Chồng chị Thảo làm nghề lái xe thường xuyên vắng nhà, hôm xảy ra tai nạn anh chồng cũng trên đường đi làm.

Ngày 10/8 là ngày đầu tiên chị nhận lớp trong năm học mới. Khoảng 14h30, cô giáo này đi xe máy từ nhà ra, bố mẹ chồng ở trong nhà ngay sau đó đã nghe tiếng xe phanh gấp, tiếng người dân hô hoán náo loạn. Nghe tiếng gọi thất thanh của người hàng xóm, ông bà lập cập chạy ra thì sự đã rồi. Vụ tai nạn cách nhà có 20m, chị Thảo bị xe chở đá cán phải, khiến dập nát hoàn toàn chân phải. Ngay lập tức người nhà đã đưa nạn nhân vào viện cấp cứu.

Bố mẹ chồng nạn nhân nhớ lại: “Khi cấp cứu, các bác sĩ tại đây nói không thể cứu được chân cho bệnh nhân. Chỉ có cách tìm một phương tiện gì đó thật nhanh và an toàn đưa nạn nhân ra Hà Nội mới có hy vọng, còn không thì phải chấp nhận cắt chân để giữ mạng sống”.

Ý tưởng thuê máy bay để chở nạn nhân ra Hà Nội là do một người con của ông bà làm trong ngành quân đội đề xuất. Đây là phương án nhanh nhất nên cả gia đình quyết định thuê trực thăng, sẵn sàng bán cả nhà đất vườn tược chỉ mong sao cứu được chân cho con dâu.

Sau khi quyết định đưa nạn nhân “bay” ra Hà Nội, gia đình đã đề nghị các bác sỹ tại viện tỉnh sơ cứu vết thương, chờ máy bay trực thăng vào chở bệnh nhân đi cấp cứu. Ngay khi nghe thông tin này, không chỉ người dân mà nhiều y bác sỹ tại bệnh viện đã vô cùng sửng sốt, nhiều người chưa bao giờ biết việc trực thăng đi cấp cứu nên tưởng gia đình Thảo “cuống quá nói nhịu”.

Khi chưa thấy máy bay đâu, người dân thành phố đã nhốn nháo vì sự xuất hiện của rất nhiều cán bộ, chiến sỹ quân đội, yêu cầu người dân đang chơi bóng tại sân vận động giữ khoảng cách an toàn cho trực thăng chuẩn bị đáp xuống.

Đúng 18h, chiếc trực thăng mang số hiệu VN – 8416 đáp xuống sân bóng trong sự ngỡ ngàng của toàn thành phố. Hàng ngàn người đã tụ tập chờ xem máy bay cấp cứu người bị tai nạn. Người dân không ngừng bàn tán, chuẩn bị sẵn máy ảnh, máy quay phim và tất cả các thiết bị ghi hình để sẵn sàng “chộp” được khoảnh khắc chưa từng có trong lịch sử Hà Tĩnh.

Khoảng nửa tiếng sau, chiếc xe cấp cứu nhanh chóng chạy tới, đưa nạn nhân chuyển lên trực thăng, liền sau đó trực thăng chở nạn nhân bay lên trời trong sự chứng kiến ngạc nhiên tột độ của hàng ngàn người.

Cái giá đắt đỏ

Bệnh nhân Thảo tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vừa được đưa về phòng hậu phẫu khoa Chấn thương chỉnh hình tổng hợp, gương mặt vẫn còn tái nhợt vì mất máu sau tai nạn. Dù đã được vận chuyển bằng phương tiện hiện đại nhất nhưng thời gian ác nghiệt vẫn chiến thắng, khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ thì các bác sĩ đầu ngành tại Hà Nội vẫn phải cắt chân nạn nhân.

Số tiền thuê trực thăng vào Hà Tĩnh đưa người ra Hà Nội cấp cứu vẫn chưa được gia đình nạn nhân tiết lộ, chỉ biết ban đầu số tiền đó được một người thân ở Hà Nội chi trả. Theo thông tin từ Phòng Thương mại Công ty Trực thăng Miền Bắc, giá dịch vụ của công ty là 4,5 – 7,3 ngàn USD/giờ bay (tương đương 90 triệu– 150 triệu VNĐ). Thời gian bay cả đi và về ước tính gần bốn tiếng đồng hồ, có thể ước lượng chuyến bay cấp cứu cô giáo nghèo “ngốn” ít nhất 400 triệu đồng.

Bố mẹ chồng nạn nhân cho biết ông bà đau lòng đến gần như kiệt sức sau tai nạn của con dâu. Đã không giữ được chân cho Thảo, nay gia đình còn phải đối diện với rất nhiều lời đồn đoán về sự giàu có và mối quan hệ “cỡ bự” khi gọi được trực thăng vào.

Thực tế thì đại diện Tổng Công ty trực thăng Việt Nam cho biết, bất cứ người dân bình thường nào cũng có thể liên hệ đến Công ty Trực thăng Miền Bắc, trụ sở tại Gia Lâm - Hà Nội và Công ty Trực thăng Miền Nam ở Vũng Tàu (hai đơn vị trực thuộc Tổng Công ty trực thăng Việt Nam) để sử dụng dịch vụ cấp cứu y tế.

Các chuyến bay cấp cứu bằng trực thăng thuộc quyền cấp phép của Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) trong thời gian rất nhanh chóng. “Chỉ có điều trở ngại nhất là giá thành của các chuyến bay hiện rất cao và khách phải đặt cọc 100% chi phí dự toán ban đầu dựa trên độ dài đường bay. Vì thế chúng tôi rất ít nhận được yêu cầu bay cấp cứu của dân thường. Dịch vụ này chủ yếu được yêu cầu bởi các công ty khai thác dầu khí để vận chuyển người bệnh từ các dàn khoan dầu khí vào đất liền; hoặc vận chuyển người bệnh từ các đảo vào bệnh viện trong đất liền theo chính sách nhân đạo của Nhà nước”, vị đại diện này cho biết.

Thượng tá Tạ Xuân Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Công ty Trực thăng miền Bắc cho biết, trước chuyến bay cấp cứu nạn nhân Thảo, từ đầu năm đến nay, Công ty đã bay cấp cứu một ca sản phụ sinh thiếu tháng tại Lai Châu vào ngày 1/1/2012; và cấp cứu một bệnh nhân người Pháp bị gãy chân khi đang du lịch tại Lào Cai ngày 18/4/2012.

Như vậy, cô giáo Trần Thị Thảo là người thứ 3 từ đầu năm đến nay “dám” sử dụng dịch vụ bay cấp cứu với giá “bỏng tay” tại Việt Nam. Trước đó, chuyến bay cấp cứu sản phụ ở Lai Châu đã không thực hiện được do máy bay không thể hạ cánh xuống Lai Châu trong điều kiện thời tiết xấu. Gia đình sản phụ này sau đó đã phải vận chuyển hai mẹ con bằng ô tô nhưng cháu bé vẫn may mắn sống sót do có thiết bị điện duy trì lồng ấp.

Gia đình chị Thảo không muốn tiết lộ thêm những khó khăn mà họ gặp phải sau quyết định sinh tử ngày hôm ấy. Nhưng điều dễ nhận thấy là với số tiền bỏ ra bằng cả một gia tài như thế, gia đình một giáo viên bình thường có thể sẽ phải “kéo cày trả nợ” trong thời gian dài để bù đắp. Những người dân không may gặp tai nạn hiểm nghèo chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu các chuyến bay trực thăng có giá thành bớt “chát chúa” hơn?.

Giá bay cấp cứu trên thế giới chỉ 300 USD/giờ ?

Theo giám đốc công ty Hành tinh xanh (Green Planet), một công ty đã nhập về Việt Nam bốn chiếc máy bay cá nhân vào năm 2011, trên thế giới dịch vụ cho thuê máy bay có lái, hoặc tự lái rất phát triển. Giá mỗi giờ thuê có phi công kèm theo chỉ vào khoảng 300 USD" – vị giám đốc này cho biết.

Nguyễn Phượng – Phạm Tuyết

Đọc thêm