Thú vị hội thi “ông ỉn” ở Bắc Ninh

(PLO) - Không biết từ bao giờ, chú lợn trong lễ hội đầu xuân ở thôn Ngọc Khám (xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh) được gọi cung kính là “Ông Hợp”. Ngày Xuân về thăm hội làng, để một lần nữa chứng kiến sự phong phú vô cùng của hội làng vùng Kinh Bắc.
Lợn ốm, cả làng mất ăn, mất ngủ
Đình làng Ngọc Khám thờ bốn vị thành hoàng làng với húy danh là: Hải, Chúc, Bạc, Chủng; trấn tứ phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Từ xa xưa, nơi đây đã có lễ hội to nhất Kinh Bắc nên mới có câu thơ: “Mùng 7 hội Khám, mùng 8 hội Dâu, mồng 9 đâu đâu cũng về hội Gióng”. 
Sở dĩ, hội làng Khám nổi tiếng như vậy vì thời gian hội kéo dài những 10 ngày (từ mùng 5 đến 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm), lại thêm nghi thức độc đáo “có một không hai”: Lễ cúng “Ông Hợp” sống.
Theo cụ Nguyễn Hữu Sinh (SN 1920), đại diện các cao niên, không biết tự bao giờ, chú lợn trong lễ hội đầu xuân được người làng cung kính gọi “Lợn Ông Hợp”. Chẳng ai nhớ nổi cái tên ấy xuất phát từ đâu, chỉ biết “Hợp” là chữ đọc chệch của “Hợi” để tránh “phạm húy”, tỏ lòng cung kính của dân làng. Vậy nên, dùng từ “lợn” để gọi ông Hợp được coi là điều cấm kỵ ở làng.
Việc chăm sóc ông Hợp để cúng tế khá kỳ công, trải qua nhiều quy định ngặt nghèo. Làng Ngọc Khám được chia làm bốn giáp, mỗi giáp nuôi một lợn. Giáp nào cũng phải bầu ra một gánh tế đám (trưởng đám) để phụ trách việc chăm sóc “ông”. 
“Ông Hợp” khiến cả giáp mất ăn mất ngủ chăm sóc.
 “Ông Hợp” khiến cả giáp mất ăn mất ngủ chăm sóc.
Đây là một vinh dự và quyền lợi rất lớn nên việc lựa chọn gánh tế đám cũng rất khắt khe. Người được chọn phải là người cao tuổi nhất giáp đó, gia đình hạnh phúc, con cái đề huề, có uy tín trong làng. Gia đình nào làm gánh tế đám sẽ được làng chia cho 13 mẫu đất, sử dụng trong một năm. Chỉ cần trích ba mẫu đất nuôi lợn, còn lại 10 mẫu gia đình đó hưởng. 
Tuy nhiên, mỗi gánh tế đám chỉ được chăm lợn một lần trong đời, năm sau vinh dự này lại trao cho người khác. Lễ hội Ngọc Khám có nguyên tắc, gia đình nào có “bụi” (có tang), không được tham gia lễ hội năm đó.
Lợn được chọn để tế sống cũng phải đáp ứng đủ những yêu cầu như: Giống lợn đầu nhỏ, chân ngắn, tai đứng, mặt nhăn, lưng võng, bụng phệ, đuôi thẳng. Lợn màu đen tuyền, không có lẫn lông trắng, giống tốt, khỏe mạnh. Sau khi chọn xong lợn, gánh tế đám cùng dân trong giáp đưa lợn ra đình làm lễ chứng giám giáp ấy sẽ nuôi lợn để năm sau tế Thánh.
Cụ Sinh chia sẻ: “Nói không ngoa, chăm sóc “Ông Hợp” công phu hơn cả chăm sóc con cái. “Ông” ốm là cả giáp mất ăn mất ngủ. Thời xưa, làng hay mất mùa, gạo chả có mà ăn, đói vàng mắt. Nhưng dù người đói, các giáp quyết không để “Ông Hợp” đói.
“Ông” được ăn cơm gạo nếp, ăn mía đã cắt khúc, ăn mật đường. Dân làng không dám nhốt trong chuồng mà để “Ông Hợp” “dạo mát” quanh làng. Cứ đến tối, gia đình gánh tế đám mới đi rước “ông” về. Tối nào không thấy, cả giáp lại hò nhau đốt đuốc đi tìm. Việc chăm sóc “Ông Hợp” kéo dài một năm cho tới ngày diễn ra lễ hội Ngọc Khám”. 
Lợn cứ thủng thẳng “dạo mát” khắp nơi, chẳng ai dám bắt trộm. Người làng không dám lớn tiếng, quát mắng “ông” vì sợ bị “ông” “dỗi”. Cụ Sinh kể câu chuyện khá thú vị. 
Một gia đình gánh tế đám lỡ “mạo phạm”, lấy tay tát vào má lợn. Chẳng hiểu “ông” dỗi hờn thế nào, bỏ ăn một ngày rồi đi tìm những lợn ở giáp khác. Tối đó, “ông” cùng các “đồng bọn” tìm về nhà gánh tế đám ấy, rống lên từng hồi, lấy chân đạp mạnh xuống đất rồi bỏ đi. 
Gánh tế đám sợ hãi phải sửa lễ lên đình tạ lỗi. Hôm sau, lợn thủng thẳng từ đâu đi về, ăn uống như thường. Sự việc xảy ra có thể ngẫu nhiên, nhưng dân làng từ đó “hãi” và càng cung kính “Ông Hợp”. 
Ngặt nghèo cuộc thi “lợn đẹp – lợn béo”
Bắt đầu mùng Năm tháng Giêng, cả làng đã rộn ràng chuẩn bị lễ hội. Người dân từng giáp lấy giếng nước đầu làng tắm rửa sạch sẽ cho Ông Hợp. Mùng Sáu, dân làng kéo hội, bốn con ngựa đi theo, cờ hoa, bát bửu, rước đèn quanh làng. 
Sáng mùng Bảy, cả làng đón khách thập phương, buổi chiều tế lễ. Lúc này, bốn lợn ở bốn giáp được rước ra đình để tham dự cuộc thi. Dân làng không được phép trói, buộc vào cũi mà phải tìm cách đánh trống, chiêng, dong lợn ra đình. 
Theo cụ Sinh, lợn đoạt giải phải có hình thức “ưa nhìn”, lông đen tuyền, không dị tật, nặng trên 200kg, béo tốt, mắt híp, đuôi thụt vào trong, “ngã ngửa không dậy được”. Lợn của giáp nào đoạt giải sẽ được thưởng 10 quả cau. 
Tuy không có ý nghĩa vật chất nhưng phần thưởng đó khiến cả giáp ấy hò reo, vui sướng bởi dân làng quan niệm, giáp thắng cuộc năm ấy sẽ được thánh phù trợ mạnh khỏe, ăn nên làm ra, đại phúc đại lộc.
Sau lễ trao giải và tế lễ, bốn lợn để lại ở sân đình. Sang hôm sau, gia đình gánh tế đám sẽ tiến hành mổ thịt lợn. Thịt sống được đem dâng lễ Thánh, kèm cặp bánh dày to bằng lòng mâm, trứng sống, gạo sống, hai con cá to nướng chín. 
Tế lễ xong, thịt lợn được chia đều cho người làng. Riêng gia đình gánh tế đám sẽ được hưởng lộc gồm: Một chiếc bánh dày bảy tấc, một khoanh giò lụa hai tấc, một con cá mè to… Công việc cuối cùng, dân làng sẽ lựa chọn người gánh tế đám tiếp theo cho lễ hội năm tới.
Mùng 10, dân làm làm lễ chay bánh mứt kẹo. Từ 11 đến 15 tháng Giêng, dân làng tổ chức sắm sửa cỗ bàn lễ Thánh. Hội Khám kéo dài 10 ngày, buổi sáng thực hiện các nghi lễ, buổi chiều tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, cờ người… Buổi tối, dân làng thưởng thức các làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người. 
Cụ Sinh bùi ngùi: “Từ năm 1948 trở về trước, năm nào làng cũng tổ chức lễ hội. Cả năm, ai cũng mong tới ngày lễ hội, dân quanh vùng lũ lượt tới chơi hội, có khi dòng người kéo dài hàng vài cây số. Vui tới nỗi, khi hết hội, ai cũng cảm thấy bâng khuâng, tiếc nuối. Sau 1948, do chiến tranh, lễ hội bị gián đoạn”.
Chủ tế đình Ngọc Khám, ông Tạ Quang Đông cho hay: “Lo sợ bản sắc văn độc đáo làng quê bị mai một, năm 1997 dân làng Ngọc Khám đã quyết định mở lại hội. Cũng may, các vị bô lão trong làng vẫn nhớ các nghi thức nên việc hướng dẫn phục dựng lại lễ hội được thuận tiện và tươm tất hơn.
Tuy vậy, lệ nuôi lợn cũng không còn phải tuân thủ ngặt nghèo như trước. Lễ vật dâng Thánh chỉ cần một chiếc thủ lợn. Các giáp cũng không còn đủ 13 mẫu đất để trao cho gánh tế đám. Hiện, chúng tôi đang xin ý kiến các cao niên để chỉnh lại quy định, trách nhiệm, quyền lợi của người chăm nuôi lợn cho phù hợp hoàn cảnh hiện tại, để nét văn hóa chăm sóc lợn dâng Thánh độc đáo mới được khôi phục trọn vẹn”.

Đọc thêm