Vương Hồng Sển từ chối "đặc ân ngàn năm" của Ngô Đình Diệm

(PLO) - Được làm việc với tổng thống đã là đặc ân, được tổng thống mời ăn uống thân mật lại càng là đặc ân hiếm hoi, nhưng cụ Vương đã thẳng thắn từ chối, không phải chảnh chọe làm eo, mà cụ xem đó là nguy cơ hiểm họa. 
Vương Hồng Sển từ chối "đặc ân ngàn năm" của Ngô Đình Diệm
Phần 3: "Đã thi tốt, đừng có chạy theo quan chủ khảo"
Sau khi trao đổi về những món đồ cổ, cụ Vương Hồng Sển đã khiến với Ngô Đình Diệm hết sức hài lòng. Kết thúc buổi làm việc, Ngô Đình Diệm mời cụ dùng trà. Lời mời tưởng như một đặc ân, nhưng với Vương Hồng Sển thì không. Cụ đã kể về sự dứt khoát của mình một cách chân thành: “Sau khi tôi trả lời đầy đủ như học trò trả bài cho thầy, ông tổng thống gật đầu, quay lưng lại, và vừa đi vừa nói: Thôi được? Mời ông lên lầu dùng trà.
- Đội ơn tổng thống, tôi đáp. Nhưng tôi không dám làm mất thì giờ quý báu của tổng thống. Xin cho tôi về.
Ông gật đầu, bước thẳng lên thang. Tôi vừa mừng thoát nạn, bỗng ông chánh văn phòng Võ Văn Hải đến gần khều tôi và nói nhỏ:
- Sao cụ không nhận lời ông tổng thống mời, ngàn năm một thuở mà?
- Thưa ông, - Tôi đáp lẹ - Cũng biết vậy đó, nhưng ông nghĩ lại: phàm một tên học trò đi thi, một khi ứng đáp được trôi chảy, kể chắc có hy vọng thi đậu, là đủ mừng. Há tham lam và đèo bòng, chạy theo chủ khảo, ông chất vấn thêm, rồi bí là bao nhiêu công khó cũng trôi dòng nước, chằng là uổng công tu luyện hay sao?
Giờ tôi bước vào phủ tổng thống, nhớ lại là 15h. Nay bước chân ra khỏi phủ, là đồng hồ đã điểm 17h40. Thế là ngót hai giờ bốn mươi phút. Khi bước vô, lòng nặng như núi đè. Nay bước ra, lòng nhẹ như được đầu thai kiếp mới”.
Bức công văn đặc biệt
Vài hôm sau, ông nhận được một bức công văn của Đổng lý Văn phòng Phủ tổng thống gửi Bộ trưởng Quốc gia Giáo Dục Sài Gòn truyền đạt chỉ thị của Ngô Đình Diệm: “Có nhiều đồ cổ cần mua cho Viện bảo tàng, xin ngân khoản mà mua thì có khó khăn, cho nên cho phép ông Quán thủ Viện bảo tàng là người rành rọt và biên khá về đồ cổ, khi nào có gặp đồ cổ thì ông ấy có thể trình gấp, vì theo thủ tục giấy tờ mất ngày giờ, trễ kẻ khác đã mua rồi. Nếu thiếu ngân sách, thì trình lên thượng cấp để xin ngân khoản đặc biệt.
Công văn này còn ghi phụ chú: Sao y kính gửi ông Giám đốc Viện Khảo cổ, Sài Gòn Quản thủ Viện bảo tàng, Sài Gòn “để thi hành”.
Công văn này giống như “thượng phương bảo kiếm”, như là chìa khóa vạn năng giúp cụ Sển có toàn quyền mở kho ngân sách mua đồ cổ theo ý của mình. 
Người khác, nếu được như vầy, ắt mừng lắm vì tương lai hy vọng tràn trề. Nhưng một lần nữa cụ Sển lại nhìn nó khác đi: “Nhưng đối với tôi, vốn sẵn tính bi quan từ thuở nào, tôi chỉ thấy kể từ đây thiếu gì nguy hiểm khó phòng ngừa được: Mỗi lần trên phủ muốn mua đồ cổ, sẵn tôi đang được tin dùng, thiếu chi người, từ bọn buôn đồ cổ, bọn đứng trung gian đến kẻ hám lợi chưa biết được, họ có thể sẽ bán đứng tôi có ngày”.
Sự khiêm tốn vô giá
Không chỉ với Ngô Đình Diệm mà với bà Nhu, cụ Sển lại càng giữ kẽ, không khoe mẽ, không kết thân lập công mà giả dại giả ngu để tránh những lụy phiền danh vọng. Cụ Sển kể lại việc đã từng né bà Nhu: “Một hôm trên dinh kêu dây nói lại Viện bảo tàng đòi tôi gấp, lên giảo nghiệm ngọc của bà cố vấn mua từ Hương Cảng này đem về.
Có tám con ngựa bằng ngọc thạch xinh tốt, có ly rượu bằng ngọc lưu ly trong vắt, có sư tử bằng hổ phách đỏ bầm, có đấu rượu bằng hồng mã não. Các món này đã quá quen với tôi, khi tôi nhìn qua một loạt thì đã biết rồi, nhưng tôi giả bộ lừng khừng và nói rằng tôi chỉ chuyên về đồ sành cũ và đồ sứ men lam Huế, không dám xen qua nghề biết ngọc. 
Cũng vì bộ tịch tôi hôm ấy khó thương, cho nên có trục trặc khi có giấy toà đại sứ Trung Hoa đề nghị cho tôi công du Đài Bắc, có người sau đó trách tôi quả là ngu dại nên không biết hôm ấy cầu thân với bà cố, nhưng ít ngày sau, khi dinh bị hoả tiễn đốt cháy một góc, các ngọc kia một mớ cũng cháy theo và chảy ra thành hai cục, nó là ngọc giả, khi ấy trên dinh mới cho rằng tôi là thiệt thà, có học mà ít nói, và nhờ có người nhắc khéo việc ấy, mà cuộc sang viếng Đài Bắc được trơn tru”.
Sự sắc sảo, uyên bác của cụ Sển không chỉ làm Ngô Đình Diệm quý trọng mà ngay đến phó tổng thống Đài Loan Trần Thành cũng kính nể, đài thọ mọi chi phí mời cụ sang Đài Bắc và quản thủ bảo tàng Đài Bắc phải nghiêng mình bái phục cụ trong việc tìm ra gốc tích 7 cây ngọc Như Ý mà vua Lê Chiêu Thống tặng Càn Long hơn 100 năm trước. Chúng tôi sẽ giới thiệu câu chuyện thú vị này trong số báo tiếp theo.
(Còn tiếp)

Đọc thêm