Vương Hồng Sển và viên ngọc quý lưu lạc xứ người

(PLO) - Đầu năm 1963, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Trần Thành, phó tổng thống Đài Loan ghé viếng Viện bảo tàng Sài Gòn. Không rõ sự ngạc nhiên nể trọng nào đó với cụ Vương Hồng Sển qua lần tiếp xúc duy nhất này, ông Trần Thành trân trọng mời cụ Vương qua Đài Bắc. Chuyến đi Đài Bắc, ông được "no con mắt" với thế giới phong phú của ngọc quý. Nhưng nỗi niềm dai dẳng trong lòng cụ Vương là sự tiếc nuối về những cây ngọc quý của nước Việt bị lưu lạc xứ người. 
 Những cây ngọc Như Ý được trưng bày trong bảo tàng.
Những cây ngọc Như Ý được trưng bày trong bảo tàng.
Thách thức về nguồn gốc 7 cây ngọc Như Ý
Trong chuyến đi Đài Loan, tại căn hầm bí mật trong hang núi ở Đài Trung, ông Bao Tôn Bành quán trường Bác vật quán đã cho ông cho xem riêng 7 cây ngọc lạ. Đây không chỉ là sự giới thiệu mà còn là thách thức, cụ Vương kể:  
“Không biết ông định thử sức mình hay sao, nên ông lấy ngọc cho xem mà trước đó không cho xem thẻ lý lịch. Ông chờ cho nhân viên ra về hết khi ấy ông mới lấy trong tủ sắt lớn ra 7 cây Như Ý, sắp đầy một mặt bàn. 
Mỗi cây ngọc đều đựng trong một hộp gỗ chạm khéo. Khi mở nắp hộp ra, tôi thấy hoa mắt và tim bỗng đập mạnh, vì tôi chưa bao giờ thấy một số ngọc nhiều, to lớn và quý đến bậc này. 
Mỗi cây đều có một vẻ sang riêng biệt không khác gì tôi đứng trước mắt 7 nàng hoa khôi bảy nước, mà nàng nào cũng thiên kiều bá mị không thua kém một ai”.
Theo lời cụ Vương, ngọc thứ nhất là một cây Như Ý nguyên khối, toàn một màu trắng ngà, danh từ chuyên môn gọi tuồng như mỡ cừu, Pháp viết Jou- I jade, graisse de mouton, Hoa: “Như Ý bạch ngọc dương”. Cán cây Như Ý này để nguyên vóc ngọc, cong cong queo queo, không sửa lại ngay, vì sửa ngay, mất nhiều ngọc quý, duy nét chạm thật tinh vi, chỗ khác chỉ cạo gọt sơ mà chỉ tô điểm thêm chút ít, tuỳ hòn ngọc lồi lõm, ngọc muốn trổ hình thì giữ y như vậy.
Nhưng lạ thay cho nét thần của tạo hoá, rõ ràng như hình tiên đứng trên mây tản vân, thật là trời khéo chiều ý người, vừa thiên tạo, cũng vừa nhân tạo, đôi bên tương trợ và giúp ý nhau. Còn phải nói, nhờ người thợ khéo tay, nên đã không mất chất ngọc mà món đồ thêm tôn thêm xứng đáng. Cái câu “ngọc bất trác, bất thành khí”, đến đây mới hiểu là gì. 
Cây ngọc thứ hai đẹp trội hơn nữa vì nhiều màu hơn, và đây là ngọc mã não bám khói đèn (agate fumée). Cây Như Ý này gồm một khúc toàn trắng và trong khe, màu như bánh xu xoa, có chỗ có vân đều đều, y như có bàn tay thợ khéo nào lấy thước kẻ từ nhiều đường song hành thẳng bon và rất đậm nét, rất sắc sảo. Còn chỗ khác lại nạm đen y như có khói đèn bám vào, làm cho ngọc thêm có vẻ kỳ diệu lạ lùng. 
Khi mới thấy có cảm tưởng đó không phải là ngọc, mà là bột làm xu xoa pha da lợn, trong Nam gọi bánh da lợn, của người thợ thức khuya nên làm bánh vấy khói đèn. 
Cây ngọc Như Ý thứ ba thì màu hường xen màu đỏ huyết (quarlz rose avec traces couleur de sang), cây này cổ quái không thể tả. 
Cây ngọc Như Ý thứ tư là ngọc thạch màu bí đao (joui jade blanc de melon). Loại này trắng pha thanh lục, cũng một loại với ngọc thạch mỡ cừu, nhưng giá kém hơn; nhưng có người lại thích, vì màu trong suối, tinh anh, khả ái.
Cây ngọc Như Ý thứ năm màu vàng đục, trổ lốm đốm đen đen. Nhìn kỹ, đây là mã não chứ không phải ngọc thạch. 
Cây Như Ý thứ sáu và cây Như Ý thứ bảy hình cong queo, không giống năm cây Như Ý trước nhưng vẻ xinh không kém.
Qua những nhận xét ban đầu nhận diện về chủng loại, cụ Vương tinh tế xem xét chi tiết và phát hiện thêm: “Qua lúc khớp sợ buổi ban sơ mới tiếp xúc với ngọc lạ lần đầu, sau đó tôi hoàn hồn tỉnh táo lại, tôi định thần và nhìn kỹ, trong khi ấy tôi tiếp tục mân mê 7 cây Như Ý liền tay, vì biết rằng vật này gặp đây và cầm trên tay đây cho đến chết không gặp lại nữa.”
Báu vật của Việt Nam do vua Lê Chiêu Thống dâng tặng Càn Long
Đang lúc cụ Vương mân mê cây Như Ý, thì vị quán trưởng Bác vật quán Đài Bắc hỏi đố thật hóc hiểm: Ngọc này phải của nước ông không? Ngọc thuộc đời nào và do xứ nào chế tác? 
Vua Càn Long, người đã cho chế tác 7 cây ngọc Như Ý
Vua Càn Long, người đã cho chế tác 7 cây ngọc Như Ý 
Câu hỏi đưa cụ Vương vào tình thế khó. Ông đã xử lý rất khôn ngoan: “Trả lời làm sao. Nếu câu đáp sai trật, không đúng thì khác chi cho khỏi ông Bao cười nhạo? Ông không cười, người khác biết được thì cũng còn chi tên tuổi của mình, dầu chi cũng là quản thủ một Viện bảo tàng của một nước văn hiến lâu đời, thêm bấy lâu mình vẫn mang tiếng là tay chơi đồ cổ khá lành nghề về ngọc và đồ sứ men lam. Tôi không vội trả lời gấp, vẫn ung dung lấy ngọc xem thật kỹ từ cây số 1 đến cây số 7 xem rồi chậm rãi trả lời: 
- Thưa Bao tiên sinh, ngọc này bên tệ quốc ngày xưa chưa có thợ khéo làm nổi như vầy được”.
Câu giục hoãn cầu mưu của cụ Vương hiệu nghiệm như thần vừa làm mũi họ Bao thở phồng vì được khen gián tiếp thợ Tàu giỏi, vừa làm bật mí chuyện cụ Vương muốn biết.
 Cụ Vương nói tiếp: “Thưa Bao tiên sinh, tôi định cho các bảo vật này, phải có tay xảo thủ bên quý quốc, tôi định cho bảo vật khéo như vầy, ắt làm dưới triều đức Càn Long nhà Mãn Thanh, mới được toàn hảo như vậy”.
Tôi vừa nói chưa hết lời, ông Bao nhe răng cười, đôi mắt hí lại, và thú thật: 
- Quả Vương tiên sinh có con mắt ngọc: Trong thẻ lý lịch, 7 cây Như Ý này chế tạo vào đời Thanh Cao Tôn (Càn Long). Trúng một phần rồi đó, tiên sinh nói tiếp nữa đi.
Tôi lần lượt lấy ngọc ra nhìn, qua cây thứ sáu và cây thứ bảy, tôi thấy màu trắng vân đỏ vân hường, khúc trong khúc đục xen nhau, tôi bỗng mừng như bắt được vàng, tôi mạnh dạn nói tiếp:
- Về căn nguyên gốc tích 7 cây ngọc này quan trọng lắm, xin Bao tiên sinh nhớ giùm, khi tôi về nước, tiên sinh chụp ảnh cho tôi xin một bộ ảnh 7 cây ngọc này làm kỷ niệm đánh dấu buổi Đông du này.
Ông Bao gật đầu ưng chịu (và sau quả giữ y như lời). Tôi nói tiếp:
- Ngọc này tôi chắc gốc gác ở biển Nam. Như hai cây này quả là san hô. Cũng san hô nhưng vẫn có nhiều thứ. Các biển phần nhiều đều có nhưng xấu tối khác nhau. Có loại san hô tầm thường thì chỉ là chất vôi đá của loài sinh vật nhỏ tụ hội lại và kết lại thành giề, đóng vào gành đá hoặc biến thành cù lao lố rạn, thuyền bè đi biển rấn vào là nguy hiểm vô cùng. 
Nhưng đây, hai cây này màu đỏ xen màu trắng, san hô trắng vả chăng khó kiếm lắm, được cỡ lớn và đẹp như vầy, nước tôi ngày nay cũng tìm không ra. Ngọc này, 7cây Như Ý cả thảy, tôi định chắc xưa của nước Chiêm Thành, đã mấy chục đời tìm tòi và góp nhóp lâu lắm mới được toàn xinh tốt như vầy, rồi đem cống sứ cho vua chúng tôi.
Sau đó, dưới đời đức Càn Long có một ông vua bất tài là Lê Chiêu Thống đánh không lại vua nhà Tây Sơn, bèn chạy trốn qua bên quý quốc, lại dùng bảo vật của nước, còn nguyên khối, lấy đó làm lễ vật dâng đức Càn Long xin binh viện trợ, sống mái quyết tử chiến với Tây Sơn. Nhưng kế bất thành, thân luỵ bên quý quốc. Thanh Cao Tôn có sáng kiến sai thợ khéo chế ra bảy cây ngọc Như Ý này”. 
Đến đây, ông Bao Tôn Bành không trả lời, cười mỉm chi dáng rất bằng lòng, thong thả thu xếp 7 cây ngọc vào tủ, viện cớ đã trễ giờ và mời cụ Vương cùng đi với ông đi nhập tiệc.
Cụ Vương nhiều lần nhắc lại trong sự tiếc rẻ về 7 cây ngọc Như Ý này. Nhưng còn một bảo vật khác giá trị không kém ông càng tiếc nuối hơn đã bị mất đi trong bí hiểm. Đó là một cái nghiên mực được  vua Tự Đức phong tước hiệu cao quý là “Tức Mặc Hầu”. 
Cụ Vương đã viết: “Một nghiên Tức Mặc Hầu, còn lưu vong, đã quá lâu rồi, cũng bặt tin khó tìm lại được”. Tức Mặc Hầu là gì, giá trị nó ra sao? Vì sao cụ Vương luyến tiếc đến mức ấy? Hiện nó ở đâu? Mời độc giả đón đọc ở phần sau
(Còn tiếp) 

Đọc thêm