Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

“Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu “nhất quán, số một, hàng đầu” của cả năm 2011” – Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tại Hội nghị Chính phủ với 63 tỉnh, thành trực thuộc TƯ nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2011, hôm qua.

“Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu “nhất quán, số một, hàng đầu” của cả năm 2011”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tại Hội nghị Chính phủ với 63 tỉnh, thành trực thuộc TƯ nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2011, hôm qua.

Phục hồi rõ nét

Năm 2010, với những giải pháp quyết liệt về chỉ đạo, điều hành vĩ mô ngay từ đầu năm của Chính phủ, nền kinh tế đất nước đã có sự phục hồi rõ nét ở hầu hết các ngành kinh tế. GDP năm 2010 tăng 6,78%; trong đó tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh.

Phân tích, đánh giá tình hình về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, đó là nhờ thực hiện đồng bộ và có hiệu quả những giải pháp của Chính phủ đã đề ra.

Đối với công tác quản lý, điều hành, kiểm soát giá cả, hàng hóa năm 2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Công Thương điều chỉnh một bước giá theo lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu…; cùng với các Bộ, ngành trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương kiểm soát phương án giá, mức giá của những hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá...

Với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán khoảng 20%, tín dụng khoảng 25%, ổn định thị trường vàng và tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu khẳng định, NHNN đã điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức cân bằng với các điều kiện và mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ ra trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2010, sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu cao, nông thôn tiếp tục được đổi mới và phát triển, các nguồn tài nguyên nông nghiệp được bảo vệ và sử dụng có hiệu quả hơn.

Các vấn đề an sinh xã hội cũng đạt thành tựu khá toàn diện. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện giảm nghèo theo chuẩn mới đã góp phần giảm số hộ nghèo xuống còn 9,45% (giảm 1,85% so với năm 2009), hoàn thành kế hoạch trước 1 năm so với mục tiêu Chương trình và Nghị quyết Đại hội Đảng X đề ra. Riêng với 62 huyện nghèo, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm xuống còn 37% (cuối năm 2010), bình quân giảm 5%/năm.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện nhiều.

Cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chất lượng phát triển đô thị còn hạn chế, chưa đồng bộ, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị; đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo còn khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng giao dục không đồng đều, chậm được cải thiện; công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN vẫn chưa tạo được kết quả mang tính đột phá, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém…

Tạo đà cho các năm tiếp theo

Năm 2011, dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi, đem lại những thuận lợi, thách thức cho nền kinh tế xã hội của Việt Nam. Cơ hội tăng trưởng cao hơn cho Việt Nam trong năm 2011 là có triển vọng, ở mức 7-7,5%. Và đây sẽ là bước chạy đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm cũng như chiến lược phát triển 10 năm tới.

Các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất nhiều giải pháp tập trung, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm để triển khai tốt các cơ hội và điều kiện thuận lợi, đồng thời, hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến nền kinh tế bằng việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những vấn đề được coi là động lực hay nguyên nhân của các những thành tựu “vượt khó khăn, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế - xã hội” như đã nêu trên cũng như các vấn đề còn bất cập trong điều hành, quản lý và thẳng thắn yêu cầu Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm các chỉ tiêu còn chưa đạt, như môi trường, hiệu quả một số lĩnh vực, giá cả, lạm phát,… trong bài toán ổn định kinh tế vĩ mô…

Bước sang năm 2011 – năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt tinh thần chỉ đạo sát sao, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. 

Thủ tướng lưu ý: “Đề ra nhiệm vụ, chỉ đạo nhưng cũng hết sức chú ý công tác giám sát, kiểm tra” và yêu cầu các Bộ, ngành quan tâm hơn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là 3 lĩnh vực mà quản lý còn yếu là đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng và doanh nghiệp nhà nước, tăng cường hợp tác, phối hợp trong xây dựng chính sách, điều hành các vấn đề kinh tế quan trọng".

H.Giang

Đọc thêm