Bị bắt giam và truy tố nhưng được Tòa giải oan, đến nay, người đàn ông này đã thành ông lão 80 nhưng hành trình khiếu kiện đòi đền bù oan sai vẫn chưa có hồi kết.
Bất ngờ bị bắt oan
Ông Lưu Việt Hồng (SN 1931, trú tại xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) cho biết: Đến nay, vụ kiện đòi bồi thường của ông đã trải qua 6 lần xét xử, trong đó hai phiên sơ thẩm, hai phiên phúc thẩm, rồi đến kháng nghị và cuối cùng là giám đốc thẩm. Đáng nói là cứ mỗi phiên tòa lại cho ra một kết quả khác nhau, cho dù các tài liệu, chứng cứ về sự thiệt hại đối với ông đã thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ án.
Ông Hồng kể: Năm 1989, UBND tỉnh Bến Tre cho phép tổ hợp sản xuất của ông bỏ 100% vốn đầu tư xây dựng chợ Rau quả tại thị xã Bến Tre. Ngày 15/12/1989, ông ký hợp đồng kinh tế thuê xí nghiệp vật liệu xây dựng xây lắp nội thương “Long Tiền” (Xí nghiệp Long Tiền) thi công với hơn 1,6 tỷ đồng. Ngày 21/12/1989, ông nộp 100 triệu đồng – tiền tạm ứng theo hợp đồng đã ký với Xí nghiệp Long Tiền và triển khai thi công gồm các hạng mục như: Đóng cọc định vị công trình, khảo sát – thiết kế, đúc đan bê tông, mua sắt…với số tiền hơn 38 triệu đồng.
Ngày 7/2/1990, Ủy ban Vật giá tỉnh Bến Tre phê duyệt công trình Rau quả, ông Hồng được hưởng 25% giá trị công trình (hơn 1,6 tỷ đồng), tức ông Hồng được hưởng hơn 400 triệu đồng.
|
Ông Lưu Viết Hồng. |
Bất ngờ ngày 12/6/1990, ông bị Công an bắt giam. Ngày 1/6/1991, VKSND tỉnh Bến Tre truy tố ông về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”, nhưng tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm đều tuyên ông không phạm tội như VKSND truy tố.
Vì vậy, ông khởi kiện VKSND tỉnh Bến Tre đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Bến Tre chỉ đồng ý bồi thường cho ông hơn 84 triệu đồng về tổn thất tinh thần. Không đồng ý, ông Hồng khởi kiện đòi cơ quan này phải bồi thường thêm cho ông các khoản mà ông đã ký với Xí nghiệp Long Tiền trong quá trình bắt đầu tiến hành xây dựng chợ Rau quả gồm chi phí đóng cọc (hơn 1,6 triệu đồng), khảo sát – thiết kế (7 triệu đồng) và tiền đúc đan bê tông (hơn 24,6 triệu đồng)…
Bắt dễ, bồi thường quá khó!?
Ngày 14/5/2007, TAND TX Bến Tre sơ thẩm và tuyên VKSND tỉnh Bến Tre bồi thường cho ông Hồng 215.362.437 đồng. Không đồng ý, ông Hồng kháng cáo. Ngày 5/9/2007, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên tòa xử phúc thẩm buộc VKSND tỉnh Bến Tre bồi thường cho ông Hồng 350.246.000 đồng. Vẫn chưa thỏa mãn, ông Hồng tiếp tục khiếu nại nên ngày 13/5/2008, VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm trả hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại. Ngày 26/6/2008, TANDTC có quyết định giám đốc thẩm, giao hồ sơ về địa phương xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.
Gần một năm sau, TAND TX Bến Tre mở phiên xử sơ thẩm (lần 2) và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hồng, buộc VKSND tỉnh Bến Tre chỉ có trách nhiệm bồi thường cho ông hơn 321 triệu đồng (thấp hơn bản án trước đó); kể từ ngày quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án, nếu khoản tiền nêu trên không được thi hành thì hàng tháng phải trả lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Quá bức xúc, ông Hồng tiếp tục kháng cáo một phần bản án sơ thẩm của TAND TX Bến Tre, vì cho rằng Tòa không buộc VKSND tỉnh Bến Tre chi trả cho ông những thiệt hại về tài sản đã bị mất (hơn 400 triệu đồng) và lãi suất cùng với khoản mất thu nhập của ông là hơn 231 triệu đồng.
Ngày 26/8/2009, TAND tỉnh Bến Tre phúc thẩm tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Hồng, Tòa sửa án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Bến Tre bồi thường thiệt hại cho ông Hồng hơn 179 triệu đồng. Chồng chất bức xúc, ông Hồng cho rằng, bản án Dân sự Phúc thẩm số 380/2009 ngày 26/8/2009 của TAND tỉnh Bến Tre vẫn chưa phản ánh đúng những thiệt hại mà VKSND tỉnh Bến Tre đã gây ra cho ông.
Điều đáng nói là “án sau” mức bồi thường lại còn thấp hơn “án trước”. Vì vậy ông đề nghị Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Chúng tôi cho rằng, thiệt hại đối với ông Hồng là mất mát quá lớn, khó bù đắp được. Vì vậy, phán quyết của cơ quan tố tụng đối với vụ án này không nên “cứng nhắc ” mà cần xem xét một cách toàn diện hoàn cảnh của người bị oan để ra một phán quyết “thấu tình, đạt lý”; âu đó cũng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật và cơ quan tố tụng đã gây ra oan sai cho dân…
Phong Trần