Tân cử nhân: Quyết tâm “bám trụ” lại thành phố

Tốt nghiệp ra trường, đa số tân cử nhân quyết tâm “bám trụ” lại thành phố để mong có được một công việc hấp dẫn đúng chuyên ngành...

Tốt nghiệp ra trường, đa số tân cử nhân quyết tâm “bám trụ” lại thành phố để mong có được một công việc hấp dẫn đúng chuyên ngành. Nhưng hành trình nơi đất khách chẳng “trải đầy hoa hồng” cho các tân cử nhân.

Làm trái ngành để chờ cơ hội

Không ít tân cử nhân sau khi ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên ngành, họ đành đánh đổi tấm bằng cử nhân để làm những công việc phổ thông như đưa hàng, lễ tân, bán hàng, gia sư… Có nhiều trường hợp tân cử còn chấp nhận vào làm công nhân may cũng chỉ với một mục đích kiếm sống qua ngày để chờ cơ hội.

 
Tân cử nhân: Quyết tâm “bám trụ” lại thành phố ảnh 1
 Đa số cử nhân đều quyết tâm bám trụ thành phố, dù chấp nhận làm trái ngành


Phan Thị Mỹ Chi, tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Kế toán đã hơn ba tháng nay và quyết tâm bám trụ mảnh đất Sài Gòn thế nhưng gửi đi nhiều hồ sơ xin việc mà chẳng thấy công ty nào hồi âm. “Tuy tốt nghiệp loại khá nhưng mình lại chưa có kinh nghiệm trong công việc, mà các công ty lại hay đòi hỏi phải có từ hai đến ba năm làm việc cùng chuyên ngành. Do đó những tân cử nhân như mình thường không được các công ty tuyển dụng” – Chi cho biết. Không công ty nào nhận, hiện nay Chi đang làm ở một công ty sản xuất da dày tại Khu chế xuất Linh Trung để chờ cơ hội khác.

Khó khăn nhất vẫn là các tân cử nhân tốt nghiệp ngành xã hội như: Văn hóa học, Xã hội học, Bảo tàng, Thư viện, Hán nôm… Có lớp 80 sinh viên, khi ra trường ở lại thành phố đã chiếm hơn phân nữa mà đa phần đều làm những công việc trái ngành, trái nghề vì các ngành xã hội rất khó xin được việc.

Trong căn phòng 8m2, ba tân cử nhân cùng tốt nghiệp Khoa Quản lý văn hóa, Hiếu, Hòa, Thành đang ngồi tính toán lại những chi tiêu. Ra trường đã hơn mấy tháng, đã có bằng tốt nghiệp chính thức trên tay nhưng kiếm việc chẳng phải dễ. Thế là mỗi người một công việc trái nghề khác nhau, Hiếu thì làm bồi bàn ở một Nhà hàng, Hòa thì lại chấp nhận bỏ tấm bằng cử nhân đại học để làm công việc của chàng rửa xe, Thành cũng chẳng khá gì hơn nhưng nhờ có khả năng đàn ghita được học trong trường nên được nhận vào làm việc tại một quán café nhạc sống với số lương cũng chỉ đủ sống qua ngày.

Nhiều tân cử nhân đều có chung một nhận định, đi xin việc làm tại thành phố bây giờ gặp quá nhiều trắc trở, ví như việc nhà tuyển dụng chỉ tiếp nhận hồ sơ của những ứng viên có hộ khẩu tại thành phố. Có cơ quan, đơn vị lại đòi hỏi ứng viên phải có ngoại hình, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, rồi bằng cấp đạt loại khá, giỏi sẽ được ưu tiên…

Gian nan mưu sinh

Ở lại thành phố, xin việc đã khó các tân cử nhận lại phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Nhất là về vấn đề tài chính, Đặng Văn Thoại (quê Phú Yên), hiện đang làm tại công ty xuất nhập khẩu Tuấn Hưng (TP. HCM) cho biết “Nhân viên mới nên làm với số lương cũng chỉ 2 triệu/tháng, trong khi đó chi phí sinh hoạt đã hết hơn triệu rưỡi, chưa kể tiền cưới xin của lũ bạn... Vì vậy tối đến mình còn phải đi dạy thêm ở một vài nơi nhưng xem ra cũng chỉ vừa đủ sống”.

 
 "Trường ĐH, CĐ hầu hết đào tạo nặng về lý thuyết, ít thực tiễn, nên tấm bằng cử nhân chỉ để tuyển dụng thôi" - Lê Thị Hoa, hiện đang làm việc tại công ty Mobifone chia sẻ


Tú Anh (tân cử nhân ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM), với dáng người khá chuẩn lại có tấm bằng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Quản trị văn phòng nên được nhận ngay vào một công ty về thương mại điện tử đảm nhận công việc văn thư. Thế nhưng, chỉ làm được hơn 2 tháng, Tú Anh đành nói lời chia tay. Tú Anh cho biết, trước khi vào làm công ty hứa hẹn đủ điều nhưng không làm đúng như thế, ngoài công việc của nhân viên văn thư Tú Anh còn phải kiêm luôn công việc bán hàng mà công ty lại làm theo kiểu “chạy theo doanh thu” nên cô không đủ sức để bám trụ.

Nguyễn Văn Thương cử nhân loại khá ngành Báo chí, trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, lại luôn “phấp phỏng” một nỗi lo khác: “Dù đang làm tại Phòng web, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC nhưng do môi trường làm việc ở đây cạnh tranh rất nghiệt ngã, nên nhiều bất trắc, nếu không học hỏi thêm về trình độ chuyên môn cũng như chấp hành không đầy đủ về tác phong, kỉ luật nguy cơ bị thuyên chuyển hoặc thôi việc là rất lớn”.

Nhiều tân cử nhân, tốt nghiệp loại khá giỏi, rất tự tin vào khả năng nhưng khi vào làm lại thất nhiều “bỡ ngỡ”. “Trong trường đào tạo nặng về lý thuyết nhưng lại thiếu hẳn thực hành, do đó các tân cử nhân như mình ra làm khá vất vả, buộc công ty phải đào tạo lại ngay từ đầu. Tấm bằng cử nhân chỉ dùng để tuyển dụng thôi chứ không khẳng định được gì”, Lê Thị Hoa (hiện đang làm việc tại công ty Mobifone) tâm sự.
 
Chật vật với cuộc sống như vậy nhưng nhiều tân cử nhân tỉnh lẻ vẫn quyết bám trụ lại đây, vì theo họ cuộc sống tại thành phố lớn đầy đủ, hiện đại mà cơ hội kiếm tiền cũng dễ dàng. Còn về quê thì xin việc cũng chẳng dễ, lại từ bỏ nhiều cơ hội làm việc ở môi trường tốt.

Theo VnMedia

Đọc thêm