“Nở rộ” đại học “xé rào” liên kết đào tạo

Từ mở lớp đến đào tạo liên kết trình độ ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, hầu như “đụng” đâu sai đó.

Đào tạo liên kết tạo một nguồn thu đáng kể cho không ít trường. Thế nhưng, từ mở lớp đến đào tạo liên kết trình độ ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, hầu như “đụng” đâu sai đó. Thông tin Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 khối các trường ĐH, CĐ tổ chức ngày 25/8.

Gần 4.000 học viên/ 10 máy vi tính

Kết quả thanh tra hoạt động liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT cho thấy, hầu hết các trường ĐH đều có hoạt động liên kết đào tạo, trong đó một số trường có quy mô liên kết đào tạo lớn như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Cần Thơ…

Chờ con thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chờ con thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thậm chí, các đơn vị chủ trì đào tạo đều liên kết với nhiều cơ sở khác nhau từ trường ĐH đến các Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) của một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp như Hội Khoa học Đông Nam Á, Hội Khuyến học.

Tuy nhiên, điều kiện và thủ tục mở lớp liên kết đào tạo của Trung tâm GDTX Long An, Trung tâm GDTX Tiền Giang còn nhiều sai phạm: Một số lớp mở tại địa phương không có văn bản đề nghị của địa phương, bộ ngành liên quan.

Cơ sở vật chất ở nhiều đơn vị phối hợp đào tạo chưa đảm bảo điều kiện mở lớp liên kết, chưa đáp ứng được quy mô liên kết đào tạo hiện có. Nhiều nơi không có phòng thực tập, thực hành: Trung tâm GDTX Tiền Giang; Trung tâm GDTX tỉnh Bình Dương, Trung tâm GDTX tỉnh bà Rịa Vũng Tàu…

Đặc biệt, Trung tâm GDTX Long An với quy mô đào tạo 34 lớp với tổng số 3.842 học viên (778 vừa học vừa làm, 3.046 từ xa) nhưng chỉ có 8 phòng học (2 phòng cấp 4, 3 hội trường 120 chỗ, 3 phòng 150 chỗ) và 10 máy vi tính.

Trong tuyển sinh một số trường tuyển vượt chỉ tiêu so với đề nghị của UBND tỉnh như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân liên kết với Trường trung cấp Kế toán - Kỹ thuật và tại chức Ninh bình tuyển 205/80 chỉ tiêu lớp cử nhân Tài chính kế toán; Trường ĐH Luật TP.HCM liên kết với Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ tuyển vượt 70 chỉ tiêu của lớp Luật K4 (220/150 chỉ tiêu được giao)…

Cùng với đó, các truờng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)…đã miễn thi tuyển sinh không đúng đối tượng.

Hoặc, một số trường không ra quyết định công nhận trúng tuyển hoặc chỉ lập danh sách trúng tuyển có phê duyệt của thủ trưởng đơn vị như: Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Nông lâm và ĐH Sư phạm (ĐH Huế).

Thậm chí một số trường ĐH Văn hoá Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Công đoàn, ĐH Ngoại thương… bổ sung người học nhưng không có quyết định trúng tuyển bổ sung, chuyển địa điểm học cho sinh viên nhưng không có quyết định.

Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý

Theo kết quả thanh tra của Bộ, hầu hết các đơn vị chủ trì đào tạo đều thành lập khoa đào tạo tại chức, phòng quản lý đào tạo hoặc khoa GDTX để trực tiếp quản lý các lớp liên kết đào tạo.

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH không lập hoặc không lưu giữ sổ theo dõi lên lớp của các lớp liên kết như: ĐH Công đoàn, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Văn hoá, ĐH Ngoại thương, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)…

Nhiều đơn vị phối hợp đào tạo không nắm được chương trình tổng thể toàn khoá học mà có phiếu báo giảng từng kỳ do đơn vị chủ trì đào tạo gửi như Trung tâm GDTX Long An, Trung tâm GDTX Tiền Giang, Trung tâm GDTX Bình Dương.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hầu hết các lớp liên kết được tổ chức học cuốn chiếu từng môn, nhiều môn học không dạy đủ số tiết quy định: Lớp ĐH Mầm non (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) liên kết với Trung tâm GDTX tỉnh Tiền Giang có môn Triết học 60 tiết dạy trong 5 ngày; lớp Kế toán 2007 liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với Trung tâm GDTX Long An, môn Triết học Mác – Lênin 60 tiết dạy trong 3,5 ngày; môn Tin học 60 tiết dạy trong 3,5 ngày; môn Toán xác suất chỉ dạy 45/60 tiết quy định trong 3 ngày…

Một số trường mở lớp đào tạo Sau ĐH ngoài trường, đào tạo theo chương trình chính quy nhưng đối tác liên kết không phải là cơ sở có chức năng liên kết đào tạo sau ĐH.

Cụ thể: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân liên kết với Sở Nội vụ Đồng Nai mở 2 lớp cao học Kinh tế, liên kết với chi Cục thuế Thanh Hoá mở lớp cao học Kinh tế; Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội liên kết đào tạo Sau ĐH với Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình, Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Hoà Bình….

Tại một số địa phương như Bắc Ninh, Phú Yên, Đồng Nai…Sở GD-ĐT chưa là đầu mối thống nhất trong xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo hàng năm, thẩm định, trình duyệt các lớp liên kết trên địa bàn đã dẫn đến hiện tình trạng lộn xộn trong liên kết đào tạo.

Để chấn chỉnh những sai phạm nêu trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, trong thời năm học tới ngoài việc ban hành các quy định về liên kết đào tạo Sau ĐH trong đó quy định rõ điều kiện liên kết, thẩm quyền phê duyệt cho phép liên kết đào tạo Sau ĐH…Bộ sẽ tăng cường thanh tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm nhằm khắc phục và tiến tới xoá bỏ hiện tượng học thuê, thi hộ.

Theo Vietnamnet

Đọc thêm