Đến trường không chỉ để học chữ

Không gò HS vào việc học mà phối hợp tổ chức các HĐ tập thể trong nhà trường, cho HS được thể hiện thông qua các trò chơi, HĐ văn hóa, văn nghệ...

Đời sống học đường tốt đã có tác động trở lại việc học của HS. Không gò HS vào việc học mà phối hợp tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường, cho HS được quyền thể hiện thông qua các trò chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ...

Đó là việc làm thường xuyên nhiều năm nay của thầy và trò Trường THPT tư thục Bình Minh, thành phố Hà Nội. Nhưng từ khi có phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực" đã trở thành "kim chỉ nam" để nhà trường thuyết phục rõ ràng hơn, làm bài bản hơn, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thành cho hay.

Đời sống học đường tốt để học tốt

Theo cô Thành, phụ huynh từ trước đến nay thường quan niệm, con em họ đến trường học cốt chỉ để lấy chữ mà không hiểu rằng phải có đời sống học đường tốt mới có thể tác động quay trở lại việc học.

Chúng tôi đến Trường THPT tư thục Bình Minh vào một ngày đầu năm học mới. Khuôn viên sân trường dường như vắng vẻ hơn khi hơn 300/1.400 HS đang tham quan và chơi trò chơi dân gian ở Bảo tàng dân tộc học. Quan sát xung quanh, thấy từng tốp HS đang xách các âu cơm và nước rau về phòng để chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Có lẽ đây là một trong những trường liên cấp 1, 2, 3 hiếm hoi trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức được bán trú cho HS tại trường.

Gặp Nguyễn Hữu Khánh, HS lớp 12A8 ở hành lang lớp học, em cho biết: "Từ khi phát động phong trào trường học thân thiện, chúng em thấy thầy cô tâm huyết hơn, HS học tốt hơn". Tận tụy sau mỗi giờ lên lớp, các thầy cô giáo còn dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để kèm cặp thêm những HS yếu kém.

Xin nói thêm, đầu vào lớp 10 của trường Bình Minh hầu hết là không đủ điểm vào công lập. Chất lượng nguồn thấp nhưng vẫn có nhiều HS mơ ước đến giảng đường ĐH. Cô hiệu trưởng thì cho rằng, lo cho HS học đỗ được tốt nghiệp đã là một sự nỗ lực lớn của nhà trường. Năm học vừa rồi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường đạt 90%.

Một nhóm HS nữ đứng ""giải lao" trong nhà vệ sinh của trường, rất sạch sẽ và khang trang, ào ào nói, phong trào đã giúp cho HS gần gũi nhau hơn, học hành tốt hơn và đặc biệt nhiều HS được chọn vào lớp chọn.

"Mất rất nhiều công sức và thời gian để tổ chức các hoạt động tập thể, không dễ gì các trường có thể làm được", Tổng giám thị Vũ Thị Hòa nói rõ.

Năm học vừa qua, Trường THPT tư thục Bình Minh đã tổ chức thành công ngày hội giao lưu vì mái trường thân thiện với sự tham gia của 5 trường THCS trên địa bàn (Bình Phú, huyện Thạch Thất; Phụng Thượng - Phúc Thọ; Kiều Phú - Quốc Oai; Lương Thế Vinh - Đan Phượng; Sơn Đồng - Hoài Đức). Các hoạt động hội trại, chơi các trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ trong đó có kéo co, cướp cờ, bịt mắt đánh trống, hát đồng dao,... đã có sức lôi kéo HS rất lớn. Qua đây HS thực sự được thể hiện hết mình, chơi hết mình để rồi sau đó học cũng hết mình, cô Thành vui vẻ kể.

Qua 1 năm học thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực", cảnh quan trường lớp của Trường THPT tư thục Bình Minh đã được cải thiện rõ rệt. Lớp học có cây xanh, khăn trải bàn, lọ hoa, bếp ăn căng tin đảm bảo vệ sinh,...

Tổ chức dạy học phù hợp đặc điểm đối tượng, đặc điểm tâm sinh lý. Cô Thành cho biết, trường đã tổ chức chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, các chuyên đề chủ nhiệm, sinh hoạt tập thể phù hợp với từng khối lớp, HS khá yếu. Phát huy dân chủ trong nhà trường, HS được phát biểu ý kiến trực tiếp qua các phiếu hỏi, qua đội ngũ cán bộ lớp. Phụ huynh được phát biểu ý kiến đóng góp cho chiến lược phát triển của nhà trường.

Tự tin với kỹ năng sống

"Mơ ước thi được vào Trường THPT Hoài Đức B nhưng không đạt, thấy tương lai của một cậu bé 15 tuổi như khép lại. Chán nản, thất vọng và có những lúc tưởng như không muốn sống nữa", một HS lớp 10 gửi thư đến Hòm thư tư vấn của trường tâm sự. Ngay lập tức, "tổ tư vấn" lên tiếng trấn an: Em đã vào được Trường Bình Minh, một cánh cửa mới đã mở ra cho em. Ở đây, không ai biết quá khứ của em, không ai coi em là ngốc nghếch, do đó, em hay bắt đầu lại và tự tin để vươn lên.

"Trong giờ học, Minh không hiểu bài, Minh quay sang hỏi An. An giảng bài cho Minh, thấy có tiếng ồn, thầy nhắc nhở Minh và An, An cho rằng thầy quá khắt khe, không thân thiện với HS. An cảm thấy ấm ức, không còn yêu thích môn học nữa. Nếu em là bạn của An và Minh, em sẽ nói gì với các bạn?"

Phần gợi ý trả lời được nêu ra: Sẽ phân tích cho các bạn thấy việc An giảng bài cho Minh là tốt nhưng cần phải đúng lúc. Việc này có thể làm vào giờ truy bài, giờ ra chơi, giờ học nhóm. Nếu An giảng bài cho Minh trong giờ học, bản thân An không tiếp thu được bài mà còn ảnh hưởng đến việc nghe thầy giáo giảng bài của các bạn khác. Như vậy, việc thầy giáo nhắc nhở để giữ gìn trật tự trong giờ học là đúng. An không nên có ý nghĩ sai lầm như vậy, nên thưa chuyện với thầy để thầy hiểu rõ hơn tình huống, thầy giáo sẽ hiểu và yêu quý các em hơn.

Trường PTTH Bình Minh
Trường PTTH Bình Minh

Hoặc một tình huống khác, nếu trượt tốt nghiệp thì rất lo lắng, sẽ phải nói với bố mẹ ra sao,... Hiệu phó Đinh Hồng Nga kể. Lúc đó, trường phải tư vấn cách HS thuyết phục cha mẹ, rằng con sức học yếu, không thể theo kịp chương trình và sau đây con có thể đi học nghề.

Trên đây là một trong những tình huống trong đời sống được nhà trường giáo dục kỹ năng sống và ứng xử cho HS. "Chúng tôi tổ chức những buổi tọa đàm với những đau đớn nho nhỏ, đặt vấn đề sắp tới HS phải đối mặt và khả năng đáp ứng được tốt hơn", cô Nga nói.

Năm qua, trường Bình Minh đã chú trọng rèn cho HS các kỹ năng: ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống; kỹ năng làm việc sinh hoạt theo nhóm; kỹ năng phòng chống tai nạn giao thông đuối nước và các tai nạn thương tích khác; kỹ năng ứng xử văn hóa chung sống hòa bình phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội...

Chia tay chúng tôi trong buổi trưa nắng, người hiệu trưởng tâm huyết hơn 12 năm gắn bó từ khi thành lập trường tâm sự, phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Trong trường học thân thiện, thầy thân thiện, trò thân thiện, thân thiện với thiên nhiên, với xã hội, thân thiện với các trường bạn và bạn bè bốn phương; ở đó HS có điều kiện phát huy tính tích cực, sáng tạo trong học tập và các hoạt động, thúc đẩy sự phát triển bền vững. 

Ngày 22/8, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện phong trào, Trường THPT tư thục Bình Minh, Hà Nội sẽ là một trong những trường được tuyên dương về thành tích này.

Lần đầu tiên giao lưu "Ước mơ dưới mái trường thân thiện"

Nhằm tuyên dương, phổ biến, nhân rộng các điển hình tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực", Bộ GD-ĐT đã tổ chức sự kiện này và có truyền hình trực tiếp trên VTV2, VTV4 lúc 20h ngày 22/8 và phát lại trên VTV1 sau 1 tuần.

Theo Ban Tổ chức, sau một năm triển khai thực hiện, phong trào đã thực sự đem lại những thay đổi lớn trong ngành giáo dục. Mái trường thân thiện không chỉ là điều kiện cơ sở vật chất mà đã giúp mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm để tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng môi trường sư phạm trong nhà trường, tại nơi cư trú của học sinh và trong mỗi gia đình.

Theo Vietnamnet

Đọc thêm