Ông Nguyễn Ngọc Hải, Công ty Luật TNHH Tuệ Thành: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút được các luật sư có trình độ cao

(PLVN) - Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Công ty Luật TNHH Tuệ Thành, trước mắt, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút được các luật sư có trình độ cao, có kỹ năng và kinh nghiệm tham gia vào quá trình đàm phán, tranh tụng nhằm bảo vệ có hiệu quả các lợi ích của nhà nước trong đầu tư, thương mại, tranh tụng quốc tế.

Luật sư công có thể hiểu là người lao động trong hệ thống hành chính nhà nước. Luật sư công được được nhà nước tuyển dụng (bổ nhiệm) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những cá nhân là đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng được nhận trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định pháp luật. Theo đó, luật sư công sẽ là những luật sư làm việc tại các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước hoặc các tổ chức trợ giúp pháp lý do nhà nước thành lập.

Ngoài ra, cũng có thể hiểu luật sư công là luật sư được các cơ quan, tổ chức của nhà nước mời (thuê) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cơ quan, tổ chức đó hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước. Hoặc là các luật sư được cơ quan, tổ chức nhà nước mời (thuê) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân là đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng được nhận trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định pháp luật. Theo đó, luật sư công là luật sư đang làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư và họ chỉ thực hiện công việc của một luật sư công khi được nhà nước mời (thuê) trong từng vụ việc cụ thể.

Ở Việt Nam, theo các quy định pháp luật hiện hành (cụ thể là Luật Luật sư) thì không tồn tại khái niệm luật sư công. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó (theo cách hiểu thứ hai về luật sư công) thì trong thực tế Việt Nam vẫn đang tồn tại “hình thức luật sư công”.

Ví dụ như các luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định là luật sư bào chữa (theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự) hoặc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý (theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý). Ngoài ra, còn có một số trường hợp là luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư được mời (thuê) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức của nhà nước trong một số vụ việc cụ thể…

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Công ty Luật TNHH Tuệ Thành.

Gần đây, tại Thông báo 136/TB-VPCP ngày 06/5/2022 về kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì cũng đã đề cấp đến các vấn đề như: Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách với luật sư bảo vệ lợi ích công. Cơ chế chính sách ban hành nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực, trình độ của các luật sư; tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư Việt Nam tham gia các hoạt động bảo vệ lợi ích công. Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành cơ chế tài chính phù hợp đối với luật sư khi tham gia các hoạt động bảo vệ lợi ích công, bảo đảm thu hút được luật sư có trình độ cao, có kỹ năng và kinh nghiệm trong đàm phán, tranh tụng, tham gia nhiều hơn vào việc bảo vệ lợi ích công trong đầu tư, thương mại cũng như tranh tụng quốc tế…

Ngoài ra, tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 1/6/2015 (về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025) cũng đã đề cập tới việc đẩy mạnh xã hội hóa tiến tới ở giai đoạn sau năm 2025 chỉ có luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, có lộ trình chuyển các Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý…

Do đó, để hoàn thiện (tiến tới) hình thành một đội ngũ các luật sư công (theo cách hiểu thứ nhất) sẽ cần phải có thời gian nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành và từng bước áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hiện ngay một số chính sách để từng bước xác định, làm rõ nội hàm, khái niệm luật sư công và có lộ trình triển khai trong thực tế (theo cách hiểu thứ hai).

Trước mắt, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút được các luật sư có trình độ cao, có kỹ năng và kinh nghiệm tham gia vào quá trình đàm phán, tranh tụng nhằm bảo vệ có hiệu quả các lợi ích của nhà nước trong đầu tư, thương mại, tranh tụng quốc tế. Thực tế hiện nay, khi phải giải quyết các vụ tranh chấp (tranh tụng quốc tế), chúng ta đều phải mời (thuê) các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư quốc tế. Nếu như có cơ chế hoặc chính sách để thu hút, sử dụng các luật sư Việt Nam tham gia các hoạt động này sẽ vừa góp phần nâng cao chất lượng, năng lực, vị thế của đội ngũ luật sư Việt Nam, tiết kiệm ngân sách, hiệu quả hơn trong quá trình tranh tụng… Hoặc giả chúng ta có thể thí điểm tổ chức “đấu thầu” tham gia giải quyết các vụ việc cụ thể hoặc khi bắt buộc phải mời luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thì cần có thêm điều khoản yêu cầu phải có sự tham gia của luật sư Việt Nam.

Ngoài ra, cơ chế luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là nghĩa vụ (trách nhiệm) của mỗi một luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Nó đã được được quy định cụ thể tại Luật Luật sư và một số văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế tại Việt Nam, nhu cầu được trợ giúp pháp lý ngày một gia tăng nhưng số lượng luật sư lại chỉ tập trung phần lớn tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương phát triển khác. Để khắc phục được vấn đề này, trước tiên Nhà nước cần có các biện pháp, chính sách hỗ trợ về tài chính để các luật sư có thể yên tâm, tích cực tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

Cần có các chính sách bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thuộc các trung tâm trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, do tiêu chuẩn hay trách nhiệm, thẩm quyền của trợ giúp viên pháp lý cũng đã được quy định rất cụ thể… thì chúng ta cũng có thể tính tới phương án để có thể chuyển đổi đội ngũ này thành luật sư công. Như vậy, sẽ đáp ứng và giải quyết được nhu cầu của xã hội trong tương lai gần./.

Đọc thêm