Về vấn đề ai sẽ trở thành Tổng thống Nga năm 2012, sự quan tâm của cá nhân ông Vladimir Putin không lớn đến mức là suy nghĩ thường xuyên. Thủ tướng Nga đã chia xẻ như vậy trong cuộc đàm đạo với phóng viên của tờ "Kommersant", khi ông đang ngồi sau tay lái của chiếc xe Lada- Kalina, chạy theo đường cao tốc ở vùng Viễn Đông.
|
Ông Putin tin tưởng rằng, khi nhà lãnh đạo thông qua quyết định cần phải xuất phát từ lợi ích công việc chứ không phải nghĩ xem bước đi này sẽ tác động tới chỉ số uy tín ra sao. Thủ tướng Nga không để ý tới những con số cho thấy chỉ số uy tín của mình trong nhân dân. Ông Putin nói, cả tôi lẫn ông Dmitri Medvedev đều chưa nghĩ về việc ai sẽ được tiến cử làm Tổng thống Liên bang Nga năm 2012. Khi đến lúc thì cả hai chúng tôi sẽ ngồi lại và bình tĩnh thảo luận về nội dung này. Trong mọi trường hợp, cả hiện nay cũng như sau năm 2012 lãnh đạo đất nước có rất nhiều việc phải làm. Theo ý kiến của ông Putin, hiện nay, chính trị và kinh tế của Nga đang ở mô hình quá độ. Cùng với thời gian, sau khi các điều kiện cần thiết ở Nga sẽ chín muồi, thì sẽ có những phương tiện khác trong lĩnh vực quản lý chính trị.
Theo ý kiến của chuyên viên Vyacheslav Nikonov, Chủ tịch Quỹ "Chính trị", cần phải giành nhiều công sức và thì giờ để xây dựng một hệ thống dân chủ hoạt động hiệu quả ở Nga. Chuyên viên Nikonov nói: "Xin nhắc lại rằng, từ năm 1991 về trước, ở Nga không có truyền thống dân chủ. Lịch sử cuả nền dân chủ ở Nga chỉ bắt đầu hai thập niên qua. Trong khoảng thời gian không dài đó Nga đã thực hiện được bước tiến lớn. Khó có thể dự đoán về việc, giai đoạn trưởng thành chế độ nhà nước mới phải cần bao nhiêu thì giờ. Quốc gia này phải chờ đợi đến mấy thế hệ, nhưng nước khác chỉ cần vài chục năm. Tôi tin chắc rằng, Nga sẽ có mô hình nhà nước của riêng mình, không phải là bản sao của quốc gia nào đó".
Theo quan điểm của ông Vladimir Putin, nguyên tắc chính của chế độ nhà nước mới là sự hoà hợp hữu cơ giữa xã hội công dân và chính quyền và quan hệ cân đối trong nội bộ quyền lực.
Thực ra đây không phải là ý tưởng mới mẻ. Nhà nước luôn chủ trương để mỗi cấp chính quyền đều có phạm vi thẩm quyền rõ rệt. Song, còn phải làm nhiều việc để có hiện thực như vậy.
Sau đây là ý kiến của chuyên viên Evgheni Minchenko, Giám đốc Viện phân tích chính trị: "Lý thuyết về phân quyền mang tính vạn năng và có sức sống ở bất cứ nơi nào. Song, ở Nga, lý thuyết này chưa thành thực tế. Hơn nữa, chúng ta đang chứng kiến những cố gắng của chính quyền hành pháp thiết lập sự kiểm soát đối với các cơ quan tự quản địa phương. Mặt khác, chính quyền vẫn phải chú ý đến thái độ của xã hội công dân. Thực tiễn này đã bắt đầu từ trước khi ông Medvedev lên nắm chính quyền. Đã có lúc, ông Putin phải nhượng bộ trước đòi hỏi của dư luận xã hội và thay đổi hành trình đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc, làm cho phân nhánh đường ống không chạy sát Baikal. Thời gian gần đây, những hành động phản đối của người dân cũng tác động đến quyết định của chính quyền. Chẳng hạn, chính quyền đã bãi bỏ luật về gia tăng thuế xe, hoặc là quyết định ngừng việc đốn trụi cây cối trong cánh rừng Khimki".
Trả lời câu hỏi về thái độ đối với phe đối lập, Thủ tướng Putin nhấn mạnh rằng, điều căn bản là không để cho những đề nghị phản đối biến thành động thái khiêu khích. Nếu phe phản biện chính quyền thực sự có nguyện vọng xây dựng Nhà nước pháp quyền, thì họ phải hiểu rằng, không được vi phạm luật pháp hiện hành. Trên thế giới hiện đại có nhiều phương pháp để dễ dàng quảng bá quan điểm của mình: tổ chức họp báo, phát biểu phê phán trên đài truyền hình hoặc trên mạng Internet và mọi người sẽ nghe thấy những ý kiến đó. Chính quyền sẵn sàng lắng nghe và có thể nhượng bộ, nhưng không ai nên kích động chống chính quyền
Theo Đài TNNN