PGS.TS.BS Đậu Xuân Cảnh: Việt Nam và giấc mơ cường quốc về dược liệu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, mang về hàng tỷ USD mỗi năm. Tương tự với cà phê, chúng ta cũng là nước sản xuất hàng đầu. Tôi mong muốn, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về dược liệu. Những sản phẩm từ dược liệu cũng như nền Đông Y của chúng ta sẽ được cả thế giới biết đến và đón nhận”, Thầy thuốc Nhân dân, PGS TS BS Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam chia sẻ.
PGS.TS.BS Đậu Xuân Cảnh: Việt Nam và giấc mơ cường quốc về dược liệu

Tiềm năng dư địa của ngành dược liệu rất lớn

* Đại danh y Tuệ Tĩnh có nói: “Nam dược trị Nam nhân” (nghĩa là dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam). Hình như, mỗi cây cỏ trên đất Việt đều có dược tính. Chắc hẳn không phải vô cớ mà ông lại có mong muốn Việt Nam trở thành cường quốc về dược liệu, thưa PGS?

- Đúng là không phải ngẫu nhiên mà tôi có mong muốn Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu dược liệu lớn của thế giới. Theo ước tính, đến nay Việt Nam đã xác định được hơn 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch mà thế giới đã biết. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới thì số loài cây thuốc Việt Nam chiếm tới khoảng 11%.

Đất nước chúng ta có những điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho dược liệu mà không phải quốc gia nào cũng có được. Từ dược liệu ngắn ngày (chỉ 3 – 4 tháng 1 vụ như hoa cúc, cà gai leo…) đến dược liệu 1 năm 1 vụ như hoài sơn…, rồi đến nhóm khoảng 3 – 5 năm mới bắt đầu có hoạt chất có giá trị như ba kích, đinh lăng (trung bình khoảng 3 năm), sâm (khoảng 5 năm) hay như cây quế trên hàng chục năm mới cho thu hoạch. Đặc biệt, cả 4 loại dược liệu quý (được gọi là tứ đại danh dược) sâm – nhung – quế - phụ thì Việt Nam đều có.

Cả thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình đều rất ưu đãi. Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang nóng thì Sapa, Đà Lạt đã lạnh. Thế nên có những loại dược liệu có thể trồng được quanh năm. Khi miền Bắc thu hoạch thì một số vùng trong Nam lại có thể bắt đầu trồng. Rõ ràng, Việt Nam có ưu thế rất lớn về đa dạng sinh học, về dược liệu. Đó là điểm mạnh mà chúng ta cần phát huy.

* Là một người nhiều năm gắn bó với y học cổ truyền, ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của ngành dược liệu Việt Nam?

- Hiện giờ con người sống trên thế giới đều quan tâm đến hai việc, một là sức khỏe, hai là thẩm mỹ. Đông y – hay rộng hơn là các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên được đặc biệt ưa chuộng vì hiệu quả cao trong điều trị bệnh lại lành tính, ít hoặc hầu như không có tác dụng phụ. Xu hướng hiện nay của thế giới là quay về sử dụng các dược liệu thiên nhiên.

Đối với sức khỏe, Đông y có ưu thế rất lớn trong việc điều trị các bệnh mạn tính (bệnh không lây nhiễm). Chẳng hạn như nhóm các bệnh về cơ xương khớp khi sử dụng Tây y trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới dạ dày, giảm bạch cầu… nhưng dùng thuốc thảo dược, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu cũng mang lại hiệu quả mà không có tác dụng phụ. Hay như mất ngủ dùng thuốc ngủ sẽ khiến người mệt mỏi trong khi các phương pháp Đông y giúp an thần, mang lại giấc ngủ ngon và sâu, hôm sau vẫn có thể đi làm bình thường. Ngay trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, Đông y cũng tham gia rất hiệu quả, đặc biệt điều trị các rối loạn về sức khoẻ của chứng Hậu COVID-19.

Về góc độ thẩm mỹ, Đông y có nguyên tắc: “Đẹp hình hài là công năng của huyết. Mạnh hình hài là công năng của khí”. Thuốc bổ huyết làm cho huyết đầy đủ, huyết mát, huyết lưu thông, làm cho khí huyết đầy đủ thì người sẽ hồng hào, đẹp tự nhiên. Vậy là vừa làm đẹp, vừa tốt cho sức khỏe.

Nhưng nói đến triển vọng của ngành dược liệu, tôi cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta đừng nghĩ dược liệu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng để chữa bệnh mà cây dược liệu có rất nhiều công dụng. Ví dụ như cây hoài sơn (củ mài) dùng làm thuốc (bổ thận, bổ tỳ, tiêu hóa, suy nhược) thì đã đành nhưng cấu trúc của nó là một loại củ rất giàu tinh bột, lên đến 62% mà không nhiều loại cây có được thành phần tinh bột cao như thế. Vậy, có thể dùng hoài sơn để sản xuất tinh bột. Rồi trong công nghiệp, dùng hoài sơn để sản xuất ra ethanol nguyên liệu… Hay rất nhiều loại cây dược liệu có thể trở thành những sản phẩm làm đẹp như mặt nạ từ nghệ, gấc…

Nếu nhìn nhận như thế, chúng ta sẽ thấy rằng, dư địa của ngành dược liệu là vô cùng lớn.

* Với riêng khu vực Tây Nguyên, Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định đây là 1 trong 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Xin PGS cho biết, Tây Nguyên có những thế mạnh nổi trội nào để phát triển dược liệu?

- Đặc trưng của Tây Nguyên là đất đỏ bazan rất màu mỡ, khí hậu có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Trước đây người Pháp đã đưa vào đây cây cao su, cà phê, Atisô… và cho kết quả rất tốt. Riêng về dược liệu thì có thể kể đến hai loại cây nổi bật của Tây Nguyên là sâm Ngọc Linh và Atisô.

Một thế mạnh nữa của Tây Nguyên so với các vùng khác là quỹ đất rộng lớn. Khó có vùng nào mà hiện nay có thể trồng dược liệu lên đến cả trăm, ngàn ha nhưng ở Tây Nguyên vẫn làm được. Do đó có thể trồng dược liệu trên quy mô công nghiệp, canh tác trên diện rộng sẽ cho giá thành thấp đem lại khả năng cạnh tranh mà nơi khác không có được.

Tây Nguyên đã nổi tiếng với cà phê, cao su, không có lý do gì để Tây Nguyên không nổi danh với dược liệu. Tôi tin rằng, trong số các loại cây nông nghiệp, khó có cây nào mang lại giá trị cao như dược liệu. Chắc chắn làm dự án dược liệu sẽ đem lại nhiều giá trị và bền vững hơn so với các dự án khai khoáng hay công nghiệp khác.

Muốn làm lớn phải đi cùng nhau

* Nhiều ý kiến cho rằng, dù sống trên “kho dược liệu” nhưng người Việt nói chung chưa “biết dùng” dược liệu, phần lớn chỉ sử dụng theo thói quen dân gian, xuất “thô” sang nước ngoài rồi nhập lại sản phẩm đã chế biến với giá thành cao hơn nhiều. PGS đánh giá như thế nào về những điều đã làm được và chưa làm được của ngành dược liệu Việt Nam thời gian qua?

- Phải nói rằng Trung Quốc là một thị trường rất lớn. Họ lại có truyền thống về dược liệu rất mạnh mẽ. Người dân Trung Quốc sử dụng thuốc Đông y cũng rất nhiều nên chắc chắn trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn là một thị trường xuất và nhập khẩu dược liệu lớn, trong đó có dược liệu thô (chưa qua chế biến) từ Việt Nam.

Điều đã làm được thì theo tôi đó là tại các vùng miền đã bắt đầu phát huy thế mạnh trồng dược liệu và bắt đầu trồng dược liệu theo hướng hàng hóa. Còn chưa làm được thì có nhiều nhưng có thể kể đến việc chưa kết nối tốt được giữa nơi trồng dược liệu nguyên liệu với nơi sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; giữa người trồng với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa đủ mạnh để tạo thành một tổng thể đa dạng hóa thị trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; chưa tạo được thị trường dược liệu mạnh mẽ bảo đảm đầy đủ thông tin và lợi ích của tất cả các bên tham gia, như người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng…

* Vậy làm thế nào để kết nối được giữa người trồng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược liệu? Làm sao để người trồng dược liệu không rơi vào tình cảnh “được mùa rớt giá” hoặc bị doanh nghiệp “bỏ rơi”?

- Đó là một thực tế. Để kết nối được nơi sản xuất với nơi trồng dược liệu thì theo tôi cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ xuất xứ của nguyên liệu, đặc biệt về dược liệu khi sản xuất hàng hoá, từ đó doanh nghiệp sẽ phải xây dựng cơ chế đặt hàng, phải tuân thủ theo pháp luật, theo hợp đồng. Các doanh nghiệp sẽ đảm bảo đầu ra, sau đó đặt hàng với nông dân, các hợp tác xã… trên nguyên tắc mà như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Chúng ta phải có một hệ thống nhà máy để bào chế dược liệu; hệ thống kho nguyên liệu tốt bảo đảm lưu giữ nguyên liệu từ dược liệu để chống lại việc được mùa nhưng bị ép giá thấp. Trong xu hướng thương mại toàn cầu, chúng ta phải cố gắng chủ động trên thị trường, phát huy điểm mạnh, triệt tiêu điểm khó. Trong thương mại hiện đại hiện nay hướng đến sự minh bạch, giá trị chứ không phải ép nhau, đưa nhau vào thế bí.

* Làm sao để dược liệu Việt Nam trong đó có dược liệu Tây Nguyên không những phát triển mà thực sự lớn mạnh, góp phần khẳng định vị trí của nền dược liệu Việt Nam trong nước và thế giới?

- Tôi đã có nhiều dịp đến Mỹ cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác. Đối diện trụ sở hội Đông y của chúng tôi là tư gia của đại sứ Mỹ. Mỗi lần nhìn sang đó, tôi lại có mong ước, sẽ có ngày, các sản phẩm dược liệu nói riêng, Đông y Việt Nam nói chung tìm được chỗ đứng ở Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Theo tôi, để dược liệu Việt Nam không những phát triển mà còn phát triển bền vững, chúng ta cần làm mấy việc:

Trước hết là kết nối: Kết nối những người nuôi trồng, bào chế dược liệu lại với nhau nhằm phát huy thế mạnh từng tổ chức, cá nhân để tạo ra mạng lưới trồng dược liệu và tránh chồng chéo, nhiều người cùng trồng một loại dược liệu, một sản phẩm dẫn đến hiệu quả thấp. Không chỉ kết nối giữa người trồng với người sản xuất như tôi đã nói mà còn cần kết nối với nhà khoa học (các thầy thuốc, viện nghiên cứu…), nhà quản lý.

Ví dụ một khía cạnh rất nhỏ đó là thẩm mỹ - làm đẹp cho phụ nữ đã là một thị trường tiêu thụ dược liệu rất lớn nhưng để có một sản phẩm kem nghệ bôi liền sẹo không chỉ có một thành phần nguyên liệu là nghệ mà còn cần những thành phần (vị) phối kết hợp khác để thành sản phẩm hoàn chỉnh nên cần nghiên cứu, bào chế. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp dược liệu cũng cần gắn kết với nhau, giúp nhau cùng phát triển. Muốn đi xa phải đi cùng nhau. Chúng ta không thể có doanh nghiệp dược lớn chừng nào mỗi đơn vị chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ hai là công nghệ: Thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, cùng với đó là việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao.

Hàn Quốc nổi tiếng với sâm. Nhưng họ không chỉ có sâm trồng lấy củ mà còn có vô số sản phẩm như kẹo sâm, trà sâm; kem đánh răng, dầu gội đầu có thành phần sâm… Hàn Quốc đưa sâm của họ vào mọi sinh hoạt đời sống. Trong khi cây nghệ của chúng ta có chất curumin rất tốt nhưng toàn bán thô, bán thô thì giá trị không cao. Nghệ phải gắn với các vị dược liệu khác để bào chế ra thuốc chữa lành vết thương, gắn với mặt nạ đắp mặt, kem chống nắng… Hay quả gấc phục vụ cho làm đẹp rất tốt. Tóm lại, muốn nâng giá trị dược liệu, muốn không bị ép giá, muốn nắm quyền chủ động thì phải có công nghệ đi cùng.

Cuối cùng là chính sách. Hiểu rõ giá trị của dược liệu, với giá trị gia tăng đặc biệt của dược liệu với nghề Đông y “mua yến bán tiểu ly” (chỉ việc mua cả yến nguyên liệu dược nhưng khi bán thuốc thì hàm lượng rất nhỏ dùng cân tiểu ly), cũng như tiềm năng to lớn dược liệu của Quốc gia, năm 2017, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách cùng kỳ vọng của lãnh đạo Nhà nước.

Nhưng để dược liệu Việt Nam phát triển cần nhiều hơn sự vào cuộc của liên ngành, liên bộ (Bộ Nông nghiệp; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công thương…). Tôi rất tiếc khi trong nhiều Hiệp định thỏa thuận hợp tác, thương mại với các nước chúng ta chưa có nội dung về Đông y Việt Nam và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm từ dược liệu…được các nước công nhận và cấp phép lưu hành các sản phẩm này tại đất nước họ; Hay việc cấp phép lưu hành cho nhiều sản phẩm thuốc từ dược liệu chưa thực sự thông thoáng, khoa học…

Tất cả những khó khăn này dù đều đã được nhìn nhận, tuy nhiên vẫn chưa được tháo gỡ một cách bài bản. Tôi hy vọng rằng trong một tương lai không xa, dược liệu Việt Nam sẽ được phát triển đúng với tiềm năng vốn có, nhằm bảo đảm thuốc chữa bệnh cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và xuất khẩu; người trồng dược liệu sẽ được sống tốt với nghề và đất nước ta sẽ trở thành “cường quốc dược liệu” của thế giới.

* Trân trọng cảm ơn Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Đậu Xuân Cảnh về những chia sẻ! Mong cho ước mơ của Thầy cũng là của nhiều người Việt Nam sớm trở thành hiện thực.

Đọc thêm