Để khám phá vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra đêm 26, rạng sáng 27 Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, các trinh sát Công an Đà Nẵng đã phải gác lại hạnh phúc riêng tư, không có ngày nghỉ Tết, sớm truy bắt thủ phạm về quy án. Từ đây, thảm kịch đau lòng từ mối tình vụng trộm giữa anh binh nhì Bùi Văn Tuân (SN 1986, ngụ thôn Bồng Sơn, xã Hải Tiến, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) với vợ của “sếp” mình mới bại lộ.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, tiết trời Đà Nẵng trở lạnh. Đã 9h ngày 30/1 (27 Tết), người dân khu vực phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) vẫn cứ nghe con gái 9 tuổi của vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (SN 1981) khóc lóc gọi mẹ dậy mà mãi không được. Tới nơi xem sự tình, người dân lặng đi khi thấy chị Phương chết tự lúc nào.
Đại tá Trần Mưu, Trưởng Phòng PC45 nhớ lại, cái chết bí ẩn của chị Phương trong những ngày cận Tết gây xôn xao dư luận. Qua khám nghiệm hiện trường, xác định nạn nhân tử vong do bị bóp cổ và dùng dây siết.
Từ thông tin của người thân trong gia đình, vụ án còn có dấu hiệu cướp tài sản. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Ban Giám đốc Công an Đà Nẵng chỉ đạo xác lập Chuyên án 108G, quyết tâm sớm làm rõ hung thủ.
|
Đại tá Trần Mưu, Trường phòng PC45 Công an Đà Nẵng. |
Đi sâu tìm hiểu các mối quan hệ nạn nhân, Ban chuyên án biết nạn nhân có thời gian bán căng - tin tại đơn vị nơi chồng công tác và có quen biết với một số quân nhân tại đây. Có thể một trong số này ra tay sát hại chị Phương.
Ngay trong ngày, Ban chuyên án thành lập 3 tổ công tác đi Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa; một tổ tại Đà Nẵng xác minh nhân thân toàn bộ số quân nhân từng quen biết với nạn nhân. Được sự phối hợp tích cực từ Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Phòng không - Không quân, thấy nổi lên đối tượng Bùi Văn Tuân, một cựu quân nhân từng đóng quân nơi chị Phương bán hàng.
Trong số những người thân quen với nạn nhân, Tuân là người có tình cảm và mối quan hệ khá đặc biệt, dù giữa hai người có sự chênh lệch tuổi tác khá lớn. Sau khi giải ngũ, Tuân vào Quảng Nam xin làm công nhân giày da. Đặc biệt, trước ngày nạn nhân bị sát hại, Tuân có mặt tại Đà Nẵng, liên lạc qua điện thoại với nạn nhân. Sau khi xảy ra án mạng, Tuân đột ngột rời thành phố này.
Tổ công tác do đích thân Đại tá Trần Mưu tức tốc đi Thanh Hóa xác minh nơi Tuân cư trú. Quê Tuân thuộc xã miền núi huyện Hà Trung, cách thành phố Thanh Hóa hơn 40km, những ngày cuối năm trời rét căm. Xác định Tuân đang có mặt ở địa phương, cảnh sát mời nghi phạm về UBND xã Hà Tiến để làm rõ một số điểm nghi vấn.
Đại tá Trần Mưu kể, thấy sự xuất hiện của Công an Đà Nẵng, Tuân có nhiều chuyển biến về tâm lý, sắc mặt thay đổi bất bình thường. Đặc biệt, cạnh khóe mắt và trên cổ của Tuân có hai vết xước như bị ai đó cào cấu. Với những dấu tích trên, nhận định hướng điều tra của Ban chuyên án đi đúng, Tuân chính là hung thủ.
Tuy nhiên, tại UBND xã Hà Tiến, anh trai của Tuân uống rượu đến quậy phá, gây áp lực với tổ công tác, yêu cầu trả tự do cho em trai. Cho đến khi quyết định bắt Tuân vào Đà Nẵng, thêm một tình huống khó khăn nữa xảy ra ngoài dự tính. Lúc áp giải, gia đình, người thân của Tuân kéo đến rất đông, yêu cầu đòi thả người. Phải hết sức cứng rắn, kết hợp yêu cầu công an địa phương tăng viện, tổ công tác mới có thể tiếp tục công việc.
Trên đường di lý về Đà Nẵng, lúc vào quán phở ăn tối, Tuân ngồi thất thần, mắt nhìn vào khoảng không vô định. Biết nghi can bắt đầu dao động, các trinh sát giải thích. Nghi phạm bất ngờ xin được khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Ngồi trên xe, Tuân thuật lại chuyện giết chị Phương, chiếm đoạt tài sản một cách tỉ mỉ, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường. Khuya cùng ngày, Đại tá Trần Mưu quyết định liên hệ với Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nhờ bố trí nơi làm việc để lấy lời khai với Tuân, sau đó di lý đối tượng về Đà Nẵng.
Sáng sớm một ngày cuối tháng 4/2011, trụ sở UBND phường Hòa Phát, (quận Cẩm Lệ) chật như nêm người đến tham dự phiên tòa lưu động. Hàng trên cùng dãy ghế, 3 cha con người đàn ông mang theo di ảnh người vợ xấu số đến dự tòa.
|
Anh binh nhì này dám “tòm tem” với vợ của sĩ quan. |
Trong phiên toà, đại diện gia đình bị hại là người chồng liên tục lên án hành vi của bị cáo, đề nghị HĐXX cần phải dành cho kẻ thủ ác một bản án thật nghiêm khắc. Riêng với vợ mình, người chồng tỏ ra vị tha với những lỗi lầm. Anh cho rằng: “Vợ tôi đã sai nhưng dù gì đi nữa, cô ấy cũng đã biết dừng lại, biết nói lời đoạn tuyệt với mối tình vụng trộm bất chính”.
Căn cứ mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX tuyên phạt Bùi Văn Tuân mức án chung thân về tội “Giết người”, 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hình phạt là chung thân.
Lê Vi