Địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thời gian gần đây xuất hiện nhiều sới bạc trá hình núp trong các trang trại, các cánh đồng xa khu dân cư. Điều đặc biệt, các"con bạc" đều là những phụ nữ nông thôn, có bà quanh năm suốt tháng ngoài ruộng, có chị buôn bán rau lặt vặt ngoài chợ, hoặc đẩy xe mía đi khắp làng trên xóm dưới.
Làm cả ngày họ chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. Vất vả mưu sinh là vậy nhưng họ lại nghiện món "đỏ đen", cuối cùng phải trả giá bằng những ngày ngồi trong trại tạm giam, bị chồng con chê trách, xóm làng dị nghị.
|
Các nữ nông dân bị bắt quả tang trong sới bạc |
"Sòng bạc" chỉ có nữ nông dân
Ngày 29/7/2013, Công an huyện Phúc Thọ ập vào trang trại của Nguyễn Văn Quảng (SN 1973, ngụ xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bắt quả tang gần chục đối tượng đều là nữ đang tham gia đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa.
Lực lượng Công an đã khống chế, bắt 8 đối tượng, thu giữ các công cụ đánh bạc gồm: 1 bát, 1 đĩa sứ, 4 quân vị cắt từ vỏ bao thuốc lá, ngoài ra thu giữ được gần chục chiếc điện thoại và vài triệu đồng tiền mặt tại xới xóc đĩa.
Quá trình điều tra ban đầu cho thấy, Quảng chính là đối tượng tổ chức cho các "con bạc" vào chơi, thu phí 50 nghìn đồng mỗi người. Đặc biệt, đối tượng này chỉ chấp nhận "con bạc" là nữ giới vào "sòng bạc" của mình.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, mỗi khi "sòng bạc" hoạt động, Quảng lại mang ghế ra ra ngoài ngồi quan sát để kịp thời báo cho các "con bạc" dừng lại khi phát hiện nguy hiểm.
"Sòng bạc" nằm giữa cánh đồng, nhiều kênh mương, xung quanh trống trải, gây không ít khó khăn cho lực lượng điều tra trong quá trình tiếp cận. Sau hơn một tháng theo dõi, cảnh sát đã quyết định chia thành nhiều tổ, hóa trang thành những người đi làm đồng, bí mật ập vào lúc trời mưa khiến cả chủ sới lẫn các "con bạc" không kịp trở tay.
Trung tá Nguyễn Văn Thủy, Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Phúc Thọ cho biết: "Lợi dụng địa hình của trang trại, đối tượng đã trá hình tổ chức đánh bạc, thu lợi bất chính, làm mất trật tự ở một vùng quê vốn yên bình. Sới bạc nằm giữa cánh đồng, diện tích rộng phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới triệt phá được".
Có lẽ, hình ảnh các bà, các chị nông dân quần ống thấp, ống cao, bùn đất bám đầy người, chân không đi dép, tay bị còng xếp thành từng hàng, lê bước trên đường làng về trụ sở công an là cảnh tượng bi hài nhất mà người dân xã nghèo này phải chứng kiến.
Mọi ánh nhìn đều đổ dồn về phía những người phụ nữ, kèm theo đó là những tiếng chỉ trích, thở dài từ người thân của họ. Không ai có thể ngờ, những người phụ nữ có vai trò rất lớn trong việc quán xuyến gia đình, thúc giục chồng con làm ăn, tránh xa các tệ nạn xã hội lại lao vào cờ bạc, sát phạt nhau.
Chồng của một chị trong đám đánh bạc ngỡ ngàng cho biết: "Vợ tôi làm nghề buôn mía, cô ấy phải đi lấy mía từ đêm hôm trước, đến sáng hôm sau lại phải dậy sớm lai mía đi bán dạo. Nghĩ vợ làm ăn chăm chỉ tôi rất thương.
Những lúc hết việc nhà, muốn phụ vợ đạp xe đi bán mía nhưng đều bị gạt phắt. Ngày trước trời mưa, bán chậm hàng, nhiều khi vợ tôi ở nhà, nhưng dạo này lạ lắm mưa vẫn đi, hóa ra chỉ là cái cớ để đi chơi cờ bạc".
Cùng tâm trạng, một người chồng khác cũng bức xúc nói về cô vợ hư của mình. Có nằm mơ, người đàn ông này cũng không thể nghĩ là vợ mình sẽ dính vào vòng lao lý vì chơi cờ bạc. Dạy dỗ con cái đã khó, chẳng lẽ giờ lại phải kè kè quản lý vợ. Dường như những người đàn ông có vợ bị còng tay áp tải về đồn công an đều thấy chung nhau cảm giác xấu hổ, thất vọng về người đầu gối tay ấp với mình.
Các "tuyệt chiêu" trốn tội đánh bạc
Ở nông thôn, người dân chỉ quen với đồng ruộng, việc bị công an bắt vì tội đánh bạc quả là khủng khiếp. Đa số họ đều ra mặt phê phán, đả kích những người phụ nữ ham mê đỏ đen. Chính vì vậy, các ông chồng cũng rất khổ tâm khi vợ mình vướng vào tệ nạn xã hội.
Thậm chí, có người còn từ chối ra trụ sở công an thăm, động viên vợ. Dù con cái và họ hàng ra sức thuyết phục, họ vẫn chưa thể chấp nhận nhìn mặt cô vợ hư với lý do "không thể chấp nhận được người vợ hư hỏng".
Nhưng cũng có người chồng độ lượng với sai lầm của vợ. Người chồng có cô vợ bán mía trải lòng: "Tôi rất xấu hổ về việc làm sai trái của vợ, nhưng dù thế nào, đó cũng là vợ mình. "Đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại", hi vọng sau khi bị pháp luật trừng phạt, vợ tôi sẽ không tái phạm nữa".
Theo một cán bộ điều tra, Công an huyện Phúc Thọ, các chị nông dân này là những tay chơi rất chuyên nghiệp, lúc thì chơi trong làng rồi lại di chuyển ra cánh đồng. Họ thay đổi địa điểm, thời gian liên tục chứ không cố định một chỗ, nên để theo chân các "con bạc" nông dân là điều rất khó khăn.
Lúc bị phát hiện, họ còn có những hành động trốn tội rất oái oăm, khiến cảnh sát cũng bị một phen "hú vía". Nhiều bà nhiều chị cởi ngay quần, ngồi thụp xuống cánh đồng giả vờ đang đi vệ sinh. Tinh vi hơn, có chị lấy bùn bôi be bét lên người như đi làm đồng. Tuy nhiên, tất cả những hành vi đó đều không qua mắt cơ quan chức năng.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đánh bạc đều khai nhận như một mô típ có sẵn khiến các đồng chí lấy cung không khỏi sững sờ vừa giận, vừa thương cảm. Các "con bạc" tỏ ra ăn năn, hối lỗi trình bày: "Do trời mưa không biết làm gì, chỉ định đánh bạc để kiếm ít tiền mua rau, không ngờ lại bị cán bộ bắt".
Tuy nhiên, khi cán bộ điều tra hỏi ngược lại, ai cũng kiếm được tiền mua rau thì ai sẽ là người mất tiền, tất cả các "con bạc" đều im lặng nhìn đi nơi khác.
Để có tiền thỏa mãn sở thích "đỏ đen" của mình, có bà cân trộm thóc đi bán lấy tiền, có chị bớt tiền đi buôn rau, buôn mía, để rồi ngày ngày trốn chồng con đến các tụ điểm đánh bạc.
Trong các đối tượng, có bà tên Thơm la khóc thảm thiết nhất. Bà tự lấy tay tát vào mặt mình, đã hơn 50 tuổi, có cháu nội, cháu ngoại đầy đủ, vậy mà chỉ vì thói ham chơi nhất thời dẫn đến phạm tội. Giờ bà không biết phải đối mặt với con cháu như thế nào. "Hôm đó, tôi đến trang trại để mua gà về làm lễ, thấy đông người tụ tập, ngó xem trò này cũng dễ chơi nên đặt thử xem sao, không ngờ chơi được một lúc thì bị bắt".
"Con bạc" buôn mía tên là Thanh, hơn 40 tuổi, có bốn đứa con và vừa lên chức bà ngoại. Hàng ngày, chị này vẫn đi làm bình thường, dù phải thồ cả xe mía nặng bằng xe đạp đi hết làng trên, xóm dưới, nhưng cứ rảnh lúc nào là lại lao vào sới bạc. Ngày nào, chị ta cũng phải mò vào xới chơi một lúc cho đỡ cơn nghiện đỏ đen.
Chị buôn mía giãi bày, nghe vừa chân thật vừa xót xa: "Tôi ham cờ bạc, nhưng biết điểm dừng nên mới trụ được đến bây giờ, chưa phải vay mượn ai. Chứ không thì đã bị chồng phát hiện lâu rồi vì chồng tôi rất kỹ tính". Lời nói tạm ngắt quãng bất chợt người đàn bà này òa khóc, chị cho biết giờ đã hiểu cái sai của mình, mong được chồng con tha thứ, sau này sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
Theo Xa lộ pháp luật