Phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Những cá nhân tố cáo tham nhũng đã kiên trì vì hạnh phúc của nhân dân, sự trong sạch của Đảng, bền bỉ, chấp nhận sự trả thù nghiệt ngã, đấu tranh CTN vì công lý, lẽ phải, đôi khi phải chấp nhận cả những hy sinh lớn vì các đối tượng tham ô, tham nhũng có mối quan hệ phức tạp, ý đồ thâm độc, đấu tranh không thể ngày 1 ngày 2 mà cần kiên trì...

Ngày 7/9 tại Hà Nội, dự Hội nghị biểu dương các cá nhân có thành tích chống tham nhũng (CTN), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng biểu dương các cá nhân đã “bền bỉ, chấp nhận hy sinh để tố cáo tham nhũng vì hạnh phúc nhân dân, sự trong sạch của Đảng và lành mạnh của xã hội”.

Đa số bị tổn thương

Chống tham nhũng là cuộc chiến cam go, là quyết tâm chính trị và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Sự hiện diện của 88 cá nhân từ 40 địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị ở TƯ tại Hội nghị, đại diện cho những người dám đấu tranh PCTN thể hiện sự tiến triển tích cực về nhận thức, trách nhiệm, lòng tin vào sức mạnh và thắng lợi của cuộc đấu tranh PCTN.

Xuất thân từ nhiều giai tầng khác nhau, với nhiều độ tuổi khác nhau, người trẻ nhất 22 tuổi và người cao tuổi nhất là 84 tuổi, điểm chung của họ chính là tinh thần nói không với những hành vi tham nhũng, tiêu cực… và luôn quan tâm đến “tương lai” cuộc chiến cam go này.

Chánh văn phòng BCĐ TƯ PCTN Vũ Tiến Chiến khẳng định, đặc thù của đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn nên hình thức trả thù cũng rất tinh vi, không chỉ trước mắt mà lâu dài; không chỉ bằng bạo lực mà còn thông qua nhiều hình thức tinh vi khác; người tố cáo ngoài bị đe dọa về thân thể, còn có sự phân biệt, đối xử, có người bị qui kết là làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ, ít được thừa nhận và rất khó được các cấp chính quyền quan tâm biểu dương, tôn vinh; các cá nhân dũng cảm trong PCTN chưa được lựa chọn, biểu dương, khen thưởng tại Đại hội thi đua các cấp...

Chế tài nghiêm khắc, khen thưởng xứng đáng

Phát biểu trong tiếng thổn thức, bà Dương Thị Mỹ Anh (Thủ quỹ Đội Công trình Đô thị quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) không khỏi tủi thân vì những tổn thương mà bản thân và gia đình phải gánh chịu trong suốt hành trình đấu tranh PCTN của bà. Phát hiện và tố cáo những sai phạm của lãnh đạo Đội và Cty Đô thị TP.Cần Thơ, bà đã bị trù dập, cô lập, cắt lương, mất việc làm, liên tiếp “ngã bệnh, thậm chí mất trí nhớ tạm thời”.

Niềm khát khao được vào Đảng của bà không thể thành hiện thực dù bà được sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng chỉ vì “đấu tranh chống tiêu cực”. Không ít lần bà muốn tự thiêu để chứng minh hành vi đấu tranh của mình là đúng. Những thiệt thòi đó của bà đã được đền đáp khi các cơ quan chức năng của TP.Cần Thơ đã thanh tra và kết luận tố cáo có cơ sở, đề nghị thu hồi tài sản bị tham ô và kỷ luật cá nhân sai phạm.

Những “anh hùng” chống tham nhũng không sợ tổn thương, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh nhưng lại lo ngại cho “tương lai” cuộc chiến PCTN. Tất cả những người từng dũng cảm chống tiêu cực đều mong muốn, Đảng và Nhà nước “quan tâm, có cơ chế để bảo vệ người chống tiêu cực” bởi “nếu không thì không ai dám đấu tranh” – như tâm tư của ông Phạm Thanh Bình (Bí thư - Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, Hà Nội).

Cũng như ông Nguyễn Văn Quang (Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), người kiên trì đấu tranh, tố cáo ông Huỳnh Hiếu Bi –Bí thư huyện ủy Cầu Ngang sử dụng ngân sách sai nguyên tắc, chiếm dụng đất công,  ông Lê Đạo - một trong bốn “chiến sỹ cao tuổi” đấu tranh “không cân sức” trong suốt 10 năm chống lại hành vi cấp trên 6.000m2 đất ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), thu hồi cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng - đã nhận thấy, “việc xử lý thời gian qua không có tính răn đe, ngăn chặn, khó tạo thuận lợi cho đấu tranh CTN”.

Vì thế, “Nhà nước, Chính phủ cần có Luật bảo vệ người PCTN để họ được bảo vệ tốt hơn nữa”, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật những người sai phạm, giải quyết chế độ khen thưởng cho những người có công trong đấu tranh PCTN.

Tập trung vào trách nhiệm lãnh đạo trong công cuộc PCTN, ông Phùng Chí Công (Chánh văn phòng HĐND – UBND quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) “lấy làm buồn vì thái độ của lãnh đạo địa phương trước việc chống tiêu cực” nên không ít vụ xử lý chưa đúng với tính chất tội trạng, “dùng nhiều phù phép để biến thành vi phạm hành chính”. Do vậy, ông thấy cần có qui định chặt chẽ hơn về trách nhiệm và biện pháp xử lý trách nhiệm “như hành vi tham nhũng” đối với người có trách nhiệm nhưng thiếu trách nhiệm, bao che, chạy tội cho tham nhũng...

Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên biểu dương những cá nhân có thành tích trong PCTN, nhưng là nơi gặp gỡ, trao đổi để giúp công tác PCTN đạt kết quả tốt hơn, góp phần làm trong sạch nội bộ và xây dựng Đảng. Hội nghị cũng là sự ghi nhận những cố gắng, kiên trì, bền bỉ trong cuộc chiến cam go PCTN của các cá nhân xuất sắc trong toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – Phó Trưởng BCĐ TƯ PCTN:
Vì công lý và lẽ phải, họ đã hy sinh rất lớn
“Những ý kiến tại Hội nghị rất thấm thía, từ đáy lòng, dũng cảm, có khí phách. Những cá nhân tố cáo tham nhũng đã kiên trì vì hạnh phúc của nhân dân, sự trong sạch của Đảng, bền bỉ, chấp nhận sự trả thù nghiệt ngã, đấu tranh CTN vì công lý, lẽ phải, đôi khi phải chấp nhận cả những hy sinh lớn vì các đối tượng tham ô, tham nhũng có mối quan hệ phức tạp, ý đồ thâm độc, đấu tranh không thể ngày 1 ngày 2 mà cần kiên trì.

Đấu tranh PCTN quan trọng là kịp thời phát hiện, trong đó có tố cáo là cơ sở ban đầu, nên cần tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ người tố cáo tham nhũng để nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý. Người tố cáo phải đương đầu với những khó khăn đe dọa, dè bỉu, chê trách nên cần được động viên, bảo vệ để mọi người dũng cảm, tự tin đấu tranh PCTN. Thời gian tới, PCTN và lãng phí vẫn là công việc quan trọng của Đảng, Nhà nước nên cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn để đạt mục tiêu ngăn chặn, phát hiện tham nhũng; đặc biệt khuyến khích người dân đấu tranh tại cơ sở, góp phần hạn chế tối đa tiêu cực, làm lành mạnh hóa xã hội...”

Huy Anh 

Đọc thêm