Phải triển khai sớm nhiều quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong cách mạng 4.0

(PLO) -Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn tại Lễ kỷ niệm 20 năm Internet xuất hiện tại Việt Nam, với chủ đề “Chuyển động số Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh  tế số” do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TT&TT trao tặng Bằng khen cho Hiệp hội Internet Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Internet Việt Nam thời gian qua
Bộ trưởng Bộ TT&TT trao tặng Bằng khen cho Hiệp hội Internet Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Internet Việt Nam thời gian qua

Trong 20 năm qua, Internet không chỉ góp phần làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống, đóng góp vào những thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... mà còn là cầu nối thúc đẩy quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. “Tại Việt Nam hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Vì vậy, cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT... chúng ta cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VNG, VTC, VC Corp... Theo đánh giá của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, các doanh nghiệp kể trên không chỉ có được chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Nhiều sản phẩm ứng dụng trên Internet do doanh nghiệp, cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chỉ ra không ít tồn tại, bất cập; như lượng thông tin xấu, độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo. Ngoài ra, các vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào các mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam hiện đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan đã và đang thường xuyên, liên tục triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.

Cho rằng thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi công nghệ thông tin và Internet, bởi vậy Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị cần phải triển khai sớm nhiều quyết sách và giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0.

“Tôi tin rằng, Việt Nam với nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực thông tin - truyền thông như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng các kỳ vọng… Bộ TT&TT khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới thị trường Intrenet nội dung số bình đẳng và bền vững. Để trong những năm tới đây, chúng ta ghi nhận nhiều doanh nghiệp của Việt Nam tiến ra nước ngoài thành công, ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới”- ông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Tọa đàm với chủ đề “Internet - nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” đã diễn ra với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, giới chuyên gia và các doanh nghiệp của ngành như VNG, VC Corp...

Đọc thêm