Có một thực tế đáng lo ngại rằng, nhiều công việc trên đất nước này đều tiến hành chậm so với tiến độ, từ việc thực hiện một kế hoạch tầm vĩ mô đến giải quyết một việc hành chính nhỏ. Cái mà nhìn thấy rõ ràng nhất là việc thực hiện các dự án xây dựng, cầu đường hay nhà máy, chung cư hay đường ống, cấp nước hay thoát nước... đều chậm tiến độ hàng năm và cứ lùi đi lùi lại ngày hoàn tất.
Ngay trong lĩnh vực xây dựng pháp luật cũng vậy, Quốc hội cũng “nợ dân” dự án luật, cứ đưa vào rồi lại rút ra rồi đưa vào, có những dự luật đình đám được mong chờ rồi cũng mất hút luôn không thấy khởi động lại. Án tồn đọng là thuật ngữ năm nào cũng được nhắc tới, trở thành quen thuộc. Lĩnh vực hành chính thì nhận rõ một sự trì trệ, ví dụ như việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các vi phạm của người quản lý cứ phải về hưu mới được đưa ra và xử lý khi việc đã “hóa bùn”. Các chính sách xã hội chậm triển khai, quyền lợi không kịp thời đến tay người dân. Tất cả sự chậm trễ đó đều gây ra một hệ lụy là sự bức xúc xã hội.
Nguyên nhân của việc chậm này ai cũng biết là do sự thờ ơ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, nhiều năm rồi không được khắc phục bởi lẽ trong tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước năm nào cũng hoàn thành kế hoạch, cá nhân nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, được khen thưởng và nhận những danh hiệu thi đua. Chính cái đó khuyến khích cho sự trì trệ, chưa thấy cơ quan đơn vị nào bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ mà cắt lương, cắt thưởng hoặc cắt chức cả. Trong lĩnh vực xây dựng, đã có những đơn vị được thưởng hậu hĩnh vì vượt tiến độ song điều đó cũng không khuyến khích được ai vì càng chậm tiến độ, càng được rót thêm vốn, càng sinh lời cho một bộ phận nào đó thì nhanh tiến độ để làm gì. Chậm, nhưng đã mấy ai bị phạt vì điều đó đâu.
Hiện tại, nhưng tín hiệu mới là một số cái chậm đó được đưa ra mổ xẻ và quyết tâm không để chậm nữa, đặc biệt là trong công tác xử lý cán bộ vi phạm hoặc bắt đầu từ nhận thức: Phải xóa bằng được sự mặc định “Hà Nội không vội được đâu” bằng những hành động cụ thể của mình.
Năm sắp hết, bao nhiêu công việc còn ngổn ngang, những kế hoạch, chỉ tiêu đặt ra còn chưa thực hiện nên mới xuất hiện cái tháng “nước rút” này, bù lại sự khởi động chậm chạp, tiến hành lừng khừng trước đó. Thủ tướng Chính phủ cũng thấy rõ điều này, ông kêu gọi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước sớm bỏ khỏi đầu cái tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đi để bắt tay vào công việc, không để “nước đến chân rồi mới nhảy”, cuống quýt, vội vã “nước rút” mà hiệu quả công việc vẫn không cao.