Phạm luật vì viên thuốc?

 Bản tính người Á Đông ít muốn nói đến chuyện phòng the, nên bạo lực tình dục vẫn còn rất nhiều “góc tối” mà các cơ quan hành pháp không thể ngờ cũng như chưa chạm tới được. Có những hành vi rất đơn giản, ví như ép/cấm vợ uống thuốc tránh thai, nhưng cũng bị... xử lý như chơi, bởi chiểu theo luật, hành vi đó cũng là: Bạo lực.

 Bản tính người Á Đông ít muốn nói đến chuyện phòng the, nên bạo lực tình dục vẫn còn rất nhiều “góc tối” mà các cơ quan hành pháp không thể ngờ cũng như chưa chạm tới được. Có những hành vi rất đơn giản, ví như ép/cấm vợ uống thuốc tránh thai, nhưng cũng bị... xử lý như chơi, bởi chiểu theo luật, hành vi đó cũng là: Bạo lực.

Uống thì đánh, không uống thì chửi

Đó là câu chuyện buồn của hai người phụ nữ xung quanh viên thuốc tránh thai. Người phụ nữ thứ nhất là chị Trần Như H. 36 tuổi, ở P.2, Q.11, TP.HCM. Mới 36 tuổi nhưng chị đã có 4 đứa con và vài lần phá thai. Chồng chị ngoài sở thích quái gở bạo hành tình dục, tức là phải đánh đập cho vợ bầm dập trước khi quan hệ, thì còn cấm chị áp dụng bất kỳ biện pháp kế hoạch hóa gia đình nào.

Anh ta theo dõi vợ rất kỹ để chị không lén đi đặt vòng. Sau khi sinh đứa con thứ tư, bác sĩ hộ sinh đề nghị chị H. triệt sản, biết được anh ta xông vào tận phòng làm ầm lên, đòi đánh bác sĩ.

Thuốc men trong nhà, anh ta giành việc đi mua để vợ không có cơ hội mua thuốc tránh thai. Được một người bạn giúp đỡ, chị H. cũng có được thuốc tránh thai để uống. Nhưng rồi trong một lần sơ ý bị chồng bắt gặp, anh ta đã đánh chửi chị thậm tệ vì tội dám uống thuốc tránh thai.

Lấy chồng 6 năm, chị H. suy kiệt sức khỏe vì phải sòn sòn liên tục 4 đứa theo lệnh chồng. Đó là chưa kể những lần chị lén chồng đi phá thai. Gần đây, quá đau đớn, mệt mỏi chị đã ôm con bỏ về nhà cha mẹ đẻ và đệ đơn ly hôn ra tòa.

Người phụ nữ thứ hai giấu tên tuổi nhưng câu chuyện buồn mà chị gửi đến truyền thông khiến cho ai nghe cũng phải thương cảm. Trong lá thư rất dài của mình, chị đã viết rằng: “… Tôi 28 tuổi và kết hôn đã 3 năm nay, vậy mà chồng vẫn bắt kế hoạch. Vì chưa muốn có con, anh ép tôi uống thuốc tránh thai. Mỗi tháng anh tự tay đi mua thuốc, rồi hàng ngày, vào một giờ cố định, tôi phải uống thuốc tránh thai trước mặt anh, để anh tận mắt thấy thì mới yên tâm quan hệ chăn gối…”.

“Giọt nước” khổ đau đã tràn ly “bạo lực” khi nhân vật chính của câu chuyện – người phụ nữ lén bỏ thuốc để có con. Nhưng rồi chị cũng không giữ được đứa con này trong một lần cố giữ chồng ở nhà không đi chơi đêm và bị chồng xô ngã

Đó đích thị là hành vi bạo lực!

Cấm hoặc bắt vợ uống thuốc tránh thai như hai ông chồng ở trên có phải hành vi bạo lực gia đình? Có thể rất nhiều người sẽ ngỡ ngàng với câu hỏi này và cho rằng như thế là quan trọng hóa, nâng tầm vấn đề. Nhưng về thực chất, do người Á Đông mình ít muốn nói đến chuyện phòng the, nên bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục nói riêng vẫn còn rất nhiều “góc tối” mà các cơ quan hành pháp không thể ngờ, cũng như chưa chạm tới được.

Khi đã cùng nhau ký vào tờ đăng ký kết hôn, có nghĩa là đôi vợ chồng “bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình” theo pháp luật hôn nhân và gia đình. Điều này thế hiện trong mọi mặt của đời sống vợ chồng, gia đình từ sinh hoạt hành ngày, hoạt động kinh tế, quyết định số con và cách thức nuôi dạy con cho tới những việc tế nhị khác như quan hệ vợ chồng…

Và, để đảm bảo quy định này được thực hiện, pháp luật hôn nhân gia đình cũng quy định “vợ chồng phải tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau; cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau.” (Điều 21 Luật HN-GĐ). Điều luật này cũng chính là nền tảng để Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời với một loạt các hành vi bạo lực từ thể xác, kinh tế, tinh thần đến tình dục được “điểm mặt chỉ tên”.

Chính vì thế, khi PV đưa ra câu hỏi “Cấm hoặc bắt vợ uống thuốc tránh thai như hai ông chồng ở trên có phải hành vi bạo lực gia đình?”, TS Nguyễn Văn Cừ, Khoa Pháp luật Dân sự, trường ĐH Luật HN  đã khẳng định, đó đích thị là hành vi bạo lực gia đình.  

Vì xét ở góc độ “vợ chồng phải tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau” thì đây hai ông chồng đã có hành vi xúc phạm nhân phẩm người vợ. Đó là chưa kể đến việc cấm hoặc bắt vợ uống thuốc tránh thai đã gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng cho người vợ. Mà với Luật PCBLGĐ đây cũng chính là một trong những hành vi bạo lực cần nghiêm trị (Khoản 1 Điều 2 Luật PCBLGĐ).

Cùng tranh luận về vấn đề này, một chuyên viên trong lĩnh vực dân số xin được giấu tên cũng cho rằng pháp luật dân số quy định cặp vợ chồng có quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các con trong gia đình, tuy nhiên vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

 Như vậy, việc hai ông chồng nói trên, không có sự bàn bạc và nhất trí của vợ, tự ý “thâu tóm” quyền quyết định về con cái trong gia đình bằng cách cấm hoặc bắt vợ uống thuốc tránh thai là vi phạm pháp luật.

Dương Nhi

Đọc thêm